Chủ một website chuyên bán côn trùng ở Đồng Nai cho biết, 2 năm gần đây đuông dừa Bến Tre là đặc sản khá nổi tiếng và được khách hàng ưa chuộng nên chị đã cho sản phẩm này vào danh mục những món ngon của cửa hàng.

“Đuông dừa bán chạy lắm, tôi bán hai loại cả tự nhiên và nuôi. Có thời điểm, khách phải đặt trước mới có hàng”, chủ website nói và cho biết nếu mua trên 400 con sẽ được giá đặc biệt. Còn khách mua trên 200 con giá 7.500 đồng một con, trên 100 con giá 8.000 đồng, trên 50 con giá 12.000 đồng. Chủ cửa hàng này còn miêu tả, đuông dừa rất khỏe mạnh, không bệnh tật. Hàng sống đa phần được bắt trong tự nhiên nên rất thơm và béo.

mua-ban-duong-dua-tren-mang

Đuông dừa được coi là đặc sản và có giá khá đắt đỏ. Ảnh: Minh Hiếu.

Bán giá rẻ hơn so với website trên, tại trang rao vặt Chợ Tốt, đuông dừa cũng được rao bán rầm rộ. Người bán cho biết, đây là đặc sản lấy từ Bến Tre, có dịch vụ vận chuyển toàn quốc, khách sẽ được tư vấn cách chế biến, bảo quản. Nếu  mua với số lượng nhiều giá sẽ càng ưu đãi, dao động 6.000-8.000 đồng một con.

Không chỉ trên các website, trang rao vặt mà trên mạng xã hội, sản phẩm này cũng được rao bán.

Thanh, chủ cửa hàng ở quận Bình Thạnh cho biết, sở dĩ bán đuông dừa là vì một lần về Bến Tre thưởng thức món này thấy ngon, sau đó mua về cho bạn bè dùng thử thì ai cũng khen nên quyết định nhập về bán. Để tiết kiệm chi phí, Thanh chọn bán trên mạng, mỗi ngày cũng tiêu thụ được vài trăm con.

Tuy nhiên, Thanh cho biết, loại này khá hiếm, không phải lúc nào mua cũng có mà phải theo từng đợt. Mỗi đợt, Thanh phải nhờ người thân thu gom tại Bến Tre mới có được số lượng lớn bán cho khách.

“Nếu khách mua ít tôi bán giá 8.000 đồng một con, còn mua số lượng lớn thì thương lượng quanh mức giá 4.000-5.000 đồng”, Thanh nói.

Khi được hỏi về quy định cấm bán đuông dừa, hầu hết người bán đều cho hay chưa hề biết về quy định này, đồng thời cho rằng đuông dừa tự nhiên không còn nhiều, đa phần là được nuôi nên cũng không ảnh hưởng hay làm hại gì tới cây dừa.

Trên thực tế, đuông dừa là sinh vật gây hại bằng cách đẻ trứng lên cây dừa, sau đó đuông con sẽ ăn hết phần cổ hủ dừa làm chết cây. Nghị định 31/2016 của Chính phủ cũng đã quy định mức xử phạt đối với hành vi mua bán, nhân nuôi phát tán đuông dừa dưới mọi hình thức.

Mới đây, ngày 28/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre vừa xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế Hiền, chủ Vườn ẩm thực Mai An Tiêm (TP Bến Tre) sau khi lực lượng kiểm tra liên ngành qua kiểm tra một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn, phát hiện nơi này có hành vi bán đuông dừa cho khách. Theo ông Hiền, đuông dừa này ông mua từ người dân địa phương, sau đó chế biến bán lại cho khách với giá 10.000 đồng một con. Lực lượng chức năng đã buộc ông Hiền cam kết không tái phạm.

Theo ghi nhận của VnExpress, ngoài một số quán ăn bán đuông dừa với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng một con, tại một số địa phương tỉnh Bến Tre trước đây như huyện Bình Đại, Giồng Trôm còn xảy ra tình trạng người dân lén lút nuôi đuông theo quy mô nhà xưởng, sau đó bán sỉ cho nhà hàng với giá 5.000 đồng một con.

Đuông dừa có nhiều tại Bến Tre, cứ vào mùa mưa hàng năm là những con bọ rầy bắt đầu đục khoét vào ngọn dừa để sinh trứng. Khi nở thành ấu trùng, chúng bắt đầu ăn hủ dừa đến khi cây dừa héo úa cũng là lúc những con đuông dừa đã to béo. Khi đó, người dân chỉ cần đốn hạ cây dừa là có thể bắt đuông để chế biến thành những món ăn.

Dễ chế biến và được nhiều người ưa thích nhất là món đuông dừa sống ăn kèm nước mắm ớt. Chỉ cần thả chúng vào chén rượu trắng để chúng bị ngộp mà thải ra các chất bẩn. Sau đó đuông được rửa sạch rồi cho vào chén nước mắm ớt cay. Theo cảm nhận của người dùng, đuông dừa có vị béo bùi không khác gì lòng đỏ trứng gà.

Hồng Châu

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top