Ngày 30/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) dừng triển khai việc bán đấu giá tài sản Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (tên mới của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa). Bộ đề nghị công ty này tiếp tục quản lý, bảo quản tài sản hãng phim theo đúng quy định hiện hành.

Trước đó vào ngày 25/10, DATC gửi công văn cho hãng phim, thông báo việc bán đấu giá tài sản tồn đọng, không cần dùng, chờ thanh lý đã loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp. Việc đấu giá được thực hiện trực tiếp bởi Công ty cổ phần Đấu giá Thành An.

Tập thể nghệ sĩ của hãng phản ứng với quyết định này. Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn cho biết: "Hãng phim đang trong quá trình thanh tra, không thể đem tài sản đi bán. Có nhiều dụng cụ, thiết bị có ý nghĩa lịch sử. Hành động này giống như ban quản lý hãng phim đang bán tháo tài sản. Chúng tôi đã đưa đơn kiến nghị lên 12 nơi, bao gồm Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...".

bo-van-hoa-yeu-cau-dung-ban-dau-gia-tai-san-hang-phim-truyen-viet-nam

Phòng thu thanh của hãng phim với những mảng tường bong tróc. Ảnh: Ngọc Thành.

Sau khi nhận công văn của Bộ, DATC đã yêu cầu Công ty cổ phần Đấu giá Thành An dừng, không bán đấu giá lô tài sản tại hãng phim. Hiện tại, quá trình thanh tra hãng phim vẫn tiếp tục, dự kiến có kết quả trước ngày 1/12.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt, hoạt động với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản tồn đọng.

* Diễn viên Quốc Tuấn từng bức xúc với việc dọn dẹp ở hãng phim

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình trạng chậm lương, lương thấp, không có định hướng làm phim và khuất tất trong việc cổ phần hóa của ban lãnh đạo mới. Ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam.

Ân Nguyễn

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top