Hà NộiVợ, con trai, các cháu và nhiều thế hệ học trò tiễn nghệ sĩ Trung Kiên ở lễ tang ông sáng 30/1.

Gia đình cố nghệ sĩ có mặt từ sớm, túc trực bên linh cữu. Vợ ông - nhà giáo Thu Hà - suy sụp vì nỗi đau. Dù không có con chung, ông bà gắn bó 40 năm nay nhờ tình yêu âm nhạc, công việc dạy học. Trước khi qua đời hôm 27/1, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, dạy học.

Vì Covid-19, lễ viếng diễn đơn giản, trang trọng. Gia đình ông không nhận vòng hoa, tiền phúng. Nhạc sĩ Quốc Trung thay mặt gia đình cảm ơn mọi người đến chia buồn.

Anh nói: "Bố đã có một cuộc đời thật đẹp với đầy ắp tình yêu bằng âm nhạc. Con vô cùng tự hào là một phần trong đó, tự hào là con bố Trung Kiên. Sứ mệnh của bố là mang lại tiếng hát cho mọi người và bố đã hoàn thành vô cùng xuất sắc. Khán giả sẽ luôn nhớ tới giọng ca của bố. Nó còn vang mãi không chỉ qua những gì bố hát mà còn qua hàng trăm học sinh bố dạy dỗ. Hôm nay, giờ phút chia tay này, con sẽ cùng các học sinh yêu quý của bố mang tiếng hát tiễn bố. Cả nhà sẽ nhớ bố nhiều lắm. Bố lên đường nhé. Con yêu bố vô cùng. Chào bố".

Sau phần phát biểu của anh, nghệ sĩ Quang Thọ, Đăng Dương và một số học trò của ông cùng hát vang Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, tiễn biệt người thầy, người nghệ sĩ lớn.

Giọng hát Trung Kiên qua các ca khúc cách mạng

Dấu ấn nghệ sĩ Trung Kiên qua các ca khúc cách mạng. Video: Hoàng Huế.

Nghệ sĩ Trung Kiên có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống, sự nghiệp của Quốc Trung, dạy anh nốt nhạc đầu tiên, truyền tình yêu với dòng nhạc dân gian. Hồi nhỏ, nhờ nghe bố hát nhiều, anh thuộc hết những bản opera ông biểu diễn. Khi bố mất, những khúc hát ấy âm vang trong tâm trí Quốc Trung, như một liều thuốc tinh thần an ủi anh.

Quốc Trung nói: "Bố tôi là một người cha nghiêm khắc, ông không bao giờ ngợi khen, càng không muốn con trai đứng dưới cái bóng của mình mà luôn tạo sức ép để tôi tìm ra con đường riêng. Tôi học được từ bố tính cách quyết liệt, sự tự trọng trong công việc".

Nhạc sĩ Quốc Trung mắt đỏ hoe tiễn đưa bố. Ảnh: Nam Việt.

Nhạc sĩ Quốc Trung tiễn đưa bố sáng 30/1, ở Hà Nội. Ảnh: Nam Việt.

Dù đã chia tay Quốc Trung, ca sĩ Thanh Lam giữ quan hệ tốt đẹp với bố chồng cũ. Khi ông còn sống, chị vẫn gọi ông là bố. Chị thỉnh thoảng nhờ ông góp ý bài vở, mời ông biểu diễn. Chị có mặt sớm để cùng gia đình lo tang lễ. Có lúc, chị quay sang động viên nhạc sĩ Quốc Trung, giúp anh chỉnh khăn tang.

Thiện Thanh, Đăng Quang - hai cháu nội cố nghệ sĩ - nhiều lần khóc. Sau khi nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam ly hôn, Thiện Thanh, Đăng Quang chủ yếu ở với ông bà nội. Bà Thu Hà dạy Đăng Quang đàn piano còn cố nghệ sĩ Trung Kiên dạy cháu gái thanh nhạc. Hai ngày trước khi ông qua đời, Thiện Thanh tổ chức đám cưới nhưng cố nghệ sĩ không thể tham gia.

Di ảnh cố nghệ sĩ Trung Kiên. Ảnh: Nam Việt.

Di ảnh cố nghệ sĩ Trung Kiên. Ảnh: Nam Việt.

Thiện Thanh viết lời tiễn biệt: "Hẳn ông đã yêu thương con rất nhiều, mới có thể kiên cường cố gắng đợi con xong hết mọi việc ông mới đi. Ông cũng đã yên lòng vì con để ra đi rồi ông nhỉ. Con và mọi người đã cùng nhau hoàn thành nguyện vọng của ông, cùng tạo nên một kỷ niệm thật đẹp, chỉ tiếc nhất là ông, người háo hức nhất, mong chờ nhất, lại không ở bên con và gia đình ngay lúc đấy, chỉ nghĩ đến thôi là con đau quặn lòng lại... Con thật hãnh diện vì được làm cháu nội của ông, được nghe ông ru ngủ, được ở bên ông, và được ông yêu thương nhiều đến như vậy".

* Nghệ sĩ Trung Kiên một đời tâm huyết dạy học

Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch - ông Hoàng Đạo Cương - đọc điếu văn điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông. Nghệ sĩ sinh năm 1938 ở tại Kiến Xương, Thái Bình. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Ukraine. Ông từng tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi hát ở Đức, Bulgaria...

Ông để lại khối lượng đồ sộ các bản ghi những ca khúc cách mạng nổi tiếng, được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Ông còn là một nhà quản lý nghệ thuật xuất sắc, từng chín năm đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin. Ngoài ra, ông có nhiều công xây dựng, đào tạo sinh viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tang lễ kết thúc lúc 11h, tiếng của ông Hoàng Đạo Cương âm vang trong lòng những người đến dự: "Chúng ta nhớ về ông như một nghệ sĩ yêu nước, cả cuộc sống đã làm việc và cống hiến. Chúng ta nhớ về một người thầy tận tụy, một trí thức giàu lòng tự trọng, một lãnh đạo chính trực, có tâm và có tầm, một người bạn đôn hậu".

Thi hài của ông được hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ. Ngày 31/1, gia đình an táng tro cốt ông ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng viên ở Hòa Bình.

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top