Cuộc thi sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết đề tài công nhân, công đoàn có tổng giá trị giải thưởng gần 2,5 tỷ đồng.
Các tác phẩm nhằm khắc họa đời sống, số phận của người lao động, công nhân trong khu công nghiệp, khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo... Từ đó, giúp mọi người hiểu hơn về tầng lớp lao động này cũng như các hoạt động công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện ban tổ chức - cho biết nhiều năm qua, sáng tác văn học về công nhân, công đoàn còn thiếu, dù đề tài phong phú. Ông lấy ví dụ những công nhân thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, có người sáng đi truyền hóa chất, chiều vào nhà máy kiếm tiền nuôi con hay cách họ đùm bọc lẫn nhau trong những ngày giãn cách...
Ông nói: "Họ là lực lượng lao động quan trọng nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vậy tại sao, không đưa những điều đó vào trong các tiểu thuyết, truyện ngắn để xã hội có cái nhìn đúng hơn về tầng lớp này trong bối cảnh tình hình mới".
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận định công nhân từng là chủ đề chính trong nhiều tác phẩm giá trị của nền văn học nước nhà như: Cửa biển của Nguyên Hồng, Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Suối gang của Xuân Cang... Hiện nay, không có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn xuất sắc về lực lượng này. Trong khi, hình tượng công nhân có nhiều thay đổi: được tiếp cận công nghệ cao, có trình độ, nhận thức và được công đoàn bảo vệ quyền lợi...
Ông Phương nói: "Đề tài hiện nay đa dạng, phong phú hơn rất nhiều nên chúng tôi hy vọng có nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật, được độc giả yêu mến. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy các nhà văn sáng tác". Hội Nhà văn sẽ tổ chức trại sáng tác để các tác giả có cơ hội tiếp cận đời sống công nhân, tổ chức công đoàn lấy tư liệu thực tiễn.
Cuộc thi - do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức - dành cho người Việt trong và ngoài nước với hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Tác giả cần gửi sản phẩm dự thi hoàn chỉnh, bản thảo chưa từng công bố.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 2,5 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Ở hạng mục tiểu thuyết, một giải đặc biệt 400 triệu đồng, một giải nhất 150 triệu đồng, hai giải nhì - 100 triệu đồng mỗi giải, ba giải ba - 100 triệu đồng mỗi giải, bảy giải khuyến khích - 30 triệu đồng mỗi giải.
Mảng truyện ngắn gồm một giải đặc biệt 200 triệu đồng, một giải nhất 300 triệu đồng, hai giải nhì - 150 triệu đồng mỗi giải, ba giải ba - 50 triệu đồng mỗi giải, tám giải khuyến khích - 20 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, ban tổ chức trao giải tác giả trẻ, tác phẩm được yêu thích nhất.
Tác giả ghi rõ họ tên, bút danh, thông tin cá nhân và gửi tác phẩm về hòm thư thivietvecongnhan@gmail.com hoặc địa chỉ báo Lao Động, số 6, Phạm Văn Bạch, Hà Nội. Chương trình kéo dài trong gần hai năm, từ tháng 11/2021 đến hết tháng 8/2023, với lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào cuối năm 2023.
Hiểu Nhân
Post a Comment