Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền phát hành MV "Quốc ca" phiên bản violin độc tấu, dịp Quốc khánh 2/9.
Nghệ sĩ nói: "Với việc chuyển soạn Tiến quân ca, tôi mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của tiếng đàn violin, kỹ thuật chơi đàn, đồng thời truyền tải cảm xúc về một tác phẩm kinh điển và lan tỏa tình yêu Tổ quốc".
Trịnh Minh Hiền cho biết ý tưởng bắt nguồn từ năm 2021, khi cô được Đại sứ quán Italy tại Việt Nam mời chuyển soạn và quay video quốc ca Italy tại các bối cảnh nổi tiếng Hà Nội. Dự án thành công khiến cô muốn thực hiện phiên bản quốc ca Việt Nam. Tuy nhiên, do dịch bệnh, đến nay, nghệ sĩ mới thực hiện được.
Quốc ca từng được nhiều ca sĩ làm mới, nhưng chưa có phiên bản độc tấu nhạc cụ. Ở phần mở đầu, nghệ sĩ sử dụng thang âm ngũ cung, mang âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc, với ngụ ý nhớ về cội nguồn và âm nhạc dân tộc xưa. Điểm nhấn là câu đầu dùng archet (cây vĩ) tạo nhịp trống, tựa trống trận, trống hội thúc giục và hào hùng.
Hình thức thể hiện độc tấu áp vào ca khúc dễ khiến người nghe cảm thấy đơn điệu, vì vậy, Minh Hiền dùng kỹ thuật cổ điển violin, chơi tối đa bốn nốt một lúc, giúp thể hiện được giai điệu lẫn hòa thanh cần có. Trịnh Minh Hiền cũng dùng cấu trúc sáng tác kiểu Cadenza - đoạn độc tấu phô trương kỹ thuật được chơi ở giữa tác phẩm, giúp thể hiện được phong cách riêng, vẫn đảm bảo đúng giai điệu của bài hát.
Theo Trịnh Minh Hiền, đa phần người Việt thuộc Tiến quân ca, vì vậy, việc chơi giai điệu bài hát là một thuận lợi với cô. Tuy nhiên, sự đón nhận phiên bản này phụ thuộc vào khán giả. Cô mong muốn nhận được góp ý chuyên môn để hoàn thiện hơn. "Một tác phẩm độc tấu thường cần nhiều thời gian và độ lắng khi thưởng thức", cô nói.
Nhạc sĩ Bùi Minh Đạo nhận xét tác phẩm hấp dẫn về nghệ thuật, tiếng đàn và thuyết phục về mặt diễn tấu nhạc cụ, thể hiện được kỹ năng chuyên môn cùng tinh thần của bài Quốc ca. Theo nhạc sĩ, một bản nhạc chuyển soạn cho piano, guitar... - những nhạc cụ có thể diễn tấu được phần giai điệu và phần đệm - đơn giản hơn nhiều so với violin. Ngoài ra, Quốc ca là bài hát ai cũng biết, cũng thuộc nên sẽ có nhiều áp lực khi làm mới. "Minh Hiền là nghệ sĩ luôn muốn tìm tòi, thử sức. Cô ấy cũng có đủ yếu tố để thực hiện: kỹ năng chơi nhạc, tiếng đàn, trải nghiệm đời sống và tinh thần nghệ sĩ với đất nước, dân tộc", Minh Đạo nói.
Minh Hiền còn gặp nhiều áp lực khi thực hiện phần hình ảnh cho MV. Nghệ sĩ chọn những khung cảnh thân thuộc của Hà Nội để mang đến sự gần gũi cho người xem. Suốt quá trình tập luyện, thu âm, quay MV đều khiến cô xúc động về sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi tác giả Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. 78 năm qua, nhạc phẩm đã đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.
Trước Minh Hiền, ca sĩ Tùng Dương cũng phát hành MV Tiến quân ca hồi tháng 10/2021 với bản hòa âm, phối khí mới, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả.
Trịnh Minh Hiền sinh năm 1980 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Violin, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2003. Cô là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ 2003-2017, bè phó Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời từ 2018-2022.
Sắp tới, cô dự định thực hiện album solo Phoenix (Phượng hoàng) kỷ niệm 20 năm biểu diễn và sáng tác chuyên nghiệp. Album gồm những ca khúc kinh điển của các nhạc sĩ Việt Nam được cô chuyển soạn cho violin, sáng tác mới dành riêng cho violin và tác phẩm Phoenix do cô sáng tác, thu âm.
Hiểu Nhân
Post a Comment