Hội nhà báo Việt Nam lần đầu tổ chức "Tiếng hát người làm báo" - cuộc thi tôn vinh nét đẹp nghệ thuật ca cổ Nam bộ.

Sự kiện mang chủ đề Âm vang vọng cổ, hướng đến người lao động đang làm việc tại các cơ quan báo chí tỉnh, thành phố ở Nam bộ. Trong buổi ra mắt cuộc thi sáng 20/10 tại TP HCM, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết mục đích hội thi nhằm góp phần bảo tồn, duy trì nghệ thuật cải lương đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - bên dàn giám khảo cuộc thi. Sự kiện do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp Đài tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) thực hiện. Ảnh: Mai Nhật

Ông Trần Trọng Dũng (thứ hai từ phải qua) - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - bên dàn giám khảo cuộc thi. Sự kiện do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp Đài tiếng nói nhân dân TP HCM (VOH) thực hiện. Ảnh: Mai Nhật

Ông Dũng nói: "Người làm báo không thể hát chuyên nghiệp như các tên tuổi nổi tiếng, chúng tôi chủ yếu muốn tạo sân chơi. Nhiều người vốn là những cây bút thường viết về cải lương, vọng cổ nhưng hiếm khi có cơ hội được cất giọng". Trưởng ban tổ chức cũng kỳ vọng hội thi giúp tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa 20 Hội nhà báo của miền Nam.

Ban giám khảo cuộc thi gồm nghệ sĩ Huỳnh Khải, Thanh Hằng, Đào Vũ Thanh. Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết xuyên suốt cuộc thi, ban giám khảo sẽ theo sát, góp ý để uốn nắn các thí sinh hát mượt mà hơn. Bà nói: "Tôi tự hào khi giữ vai trò cầm cân nảy mực trong cuộc thi, được góp một phần quảng bá đờn ca tài tử".

Thanh Hằng làm giám khảo Tiếng hát người làm báo. Ảnh: Mai Nhật

Nghệ sĩ Thanh Hằng làm giám khảo "Tiếng hát người làm báo". Ảnh: Mai Nhật

Các thí sinh đã đoạt giải cải lương, vọng cổ cấp tỉnh, thành phố, bộ, ngành không được tham gia cuộc thi. Đại diện ban tổ chức cho biết sẽ nỗ lực duy trì hội thi mỗi năm một lần, độ khó tăng dần qua các kỳ.

Vòng sơ tuyển diễn ra từ ngày 21 đến ngày 31/10, thí sinh hát một bài tân cổ tự chọn bốn câu, đơn ca hoặc song ca. Ban tổ chức chọn hai tiết mục từ mỗi Hội nhà báo ở các tỉnh, thành phố để đi tiếp. Vòng bán kết tổ chức từ ngày 14 đến ngày 21/11 tại Đồng Tháp (khu vực Bắc sông Hậu), Bạc Liêu (khu vực Nam sông Hậu) và TP HCM (khu vực Đông Nam Bộ).

Đêm chung kết, trao giải gồm bảy tiết mục, diễn ra tối 26/11 tại Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu. Ngoài cúp và kỷ niệm chương, giải nhất nhận 10 triệu đồng tiền thưởng, 2 giải nhì mỗi giải tám triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải năm triệu đồng, 4 giải khuyến khích mỗi giải ba triệu đồng. Sự kiện hưởng ứng Ngày hội Văn hóa Ẩm thực - Du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang (diễn ra từ ngày 27 đến 29/11), nối tiếp truyền thống thi hát ca cổ từ những chương trình lớn những năm qua.

Mai Nhật

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top