Bài nhạc "Trư Bát Giới cõng vợ" trong "Tây du ký 1982" đậm chất khôi hài, khắc họa tính ham chơi, mê ăn, háo sắc của nhân vật.
Cuối tháng 6, nhạc sĩ Trung Quốc Hứa Kính Thanh nhận giải Cống hiến tại gala Nhạc phim do Shanghai Media Group tổ chức, nhờ tầm ảnh hưởng của các ca khúc mà ông viết trong phim Tây du ký 1982. Tại buổi lễ, nhạc sĩ 82 tuổi nói xúc động và thấy vinh dự vì những tác phẩm vẫn được lưu truyền rộng rãi.
Theo Ifeng, ngoài các ca khúc chủ đề như Xin hỏi đường ở nơi nào, Vân cung tấn âm, nhiều bài hát của Hứa Kính Thanh trong Tây du ký thường được dùng làm nhạc cài điện thoại, nhạc nền cho video trên TikTok, trong đó, bản Trư Bát Giới cõng vợ nổi tiếng không kém nhạc mở đầu và kết phim.
Hứa Kính Thanh cho biết đây là bài ông hài lòng nhất trong số 14 bản nhạc viết cho tác phẩm thần thoại, vì giai điệu tinh nghịch, vui nhộn và toát sắc thái giễu cợt, trêu chọc Trư Bát Giới. Ca khúc được sử dụng ở cảnh Trư Bát Giới chuẩn bị thành thân với cô gái đẹp, cõng nàng về nhà. Nhưng thực ra, cô gái do Tôn Ngộ Không hóa thành, để lừa Bát Giới.
Trong cuốn Tôi viết nhạc Tây du ký của Hứa Kính Thanh, xuất bản năm 2016, nhạc sĩ cho biết nhiều người hỏi ông cảm hứng sáng tác, vì sao chỉ nghe giai điệu đã thấy chất tếu táo. Ông đáp giai điệu đến một cách tự nhiên, không biết từ đâu mà ra.
Có lần, Hứa Kính Thanh tĩnh lặng suy nghĩ, phân tích, rút ra mối liên quan giữa bản nhạc với quê hương, xuất thân của ông. Nhạc sĩ là người Đông Bắc, Trung Quốc, tuổi thơ gắn liền với kịch Nhị nhân chuyển - bộ môn nghệ thuật dân gian vùng Đông Bắc, do hai người biểu diễn, đạo cụ thường là khăn tay, quạt, thanh trúc.
Giai điệu, động tác trong các vở Nhị nhân chuyển ảnh hưởng sâu sắc tới Hứa Kính Thanh, nhạc sĩ cảm thấy những âm thanh đó ngấm vào máu thịt, vào tế bào con người ông. Theo tác giả, Trư Bát Giới cõng vợ mang âm hưởng dân gian đó.
Tác phẩm được phổ biến rộng rãi, nhiều người tải bản nhạc làm nhạc chuông điện thoại, tuy nhiên Hứa Kính Thanh từng không được trả tác quyền ca khúc này. Một người bạn từng nói với nhạc sĩ: "Nếu anh ở nước ngoài, anh đã trở thành phú ông nhờ tiền bản quyền ca khúc".
Hứa Kính Thanh từng kiện một số công ty kinh doanh bằng nhạc của ông nhưng không trả tác quyền. Lần đầu tiên nhạc sĩ được trả tác quyền là năm 2014, khi 72 tuổi. Lúc đó, nhà văn, đạo diễn Hàn Hàn sử dụng một ca khúc của Hứa Kính Thanh, trừ thuế và phí cho hiệp hội quản lý âm nhạc, Hứa Kính Thanh nhận được 30.000 nhân dân tệ (105 triệu đồng).
Tây du ký bấm máy ngày 3/7/1982, sau đó được phát thử tập Trừ yêu ở nước Ô Kê vào tháng 10 cùng năm. Từ năm 1986, phim được phát trọn vẹn trên truyền hình, gây tiếng vang tại nhiều quốc gia châu Á, được đánh giá cao về nội dung, diễn xuất, trang phục, âm nhạc. Hứa Kính Thanh cho biết khi sáng tác, trong mơ ông cũng không tưởng tượng được người nước ngoài cũng thích các bài hát trong phim, làm ông nhận ra sức mạnh của âm nhạc.
Nghinh Xuân
Post a Comment