Tài tử Hong Kong Châu Tinh Trì thực hiện "Tuyệt đỉnh kungfu" để nói về giấc mơ anh hùng của đàn ông.
Dịp 20 năm phim ra mắt, nhiều rạp chiếu ở châu Á phát lại tác phẩm Châu Tinh Trì đạo diễn, đóng chính. Theo Sina, phim là dấu son trong sự nghiệp của "Vua hài Hong Kong", khi góp tên ở nhiều danh sách 100 phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời. Trong đó, trên diễn đàn Douban, 1,2 triệu người bình chọn Tuyệt đỉnh kungfu vào top 100.
Tác phẩm đạt doanh thu hơn 100 triệu USD toàn cầu khi công chiếu năm 2004, được tạp chí Time chọn là một trong 10 phim hay nhất năm đồng thời vào đề cử Quả Cầu Vàng. Theo Sohu, khi ra mắt ở Hong Kong, Bắc Kinh và Thượng Hải, Châu Tinh Trì cùng êkíp làm nên cảnh tượng giống "lễ hội sôi động" hơn là lễ ra mắt phim. Bởi khán giả luôn vây kín các hội trường, reo hò và cổ vũ êkíp.
Đạo diễn cho biết nảy ý định thực hiện lúc trong nhà tắm, ý tưởng của ông là kể chuyện một người nhỏ bé trở thành nhân vật vĩ đại khi nắm bắt thời cơ. Theo Châu Tinh Trì, mỗi người đàn ông đều từng ước mơ trở thành anh hùng, làm phim cũng là quá trình ông thực hiện giấc mơ.
Châu Tinh Trì và nhóm biên kịch mất một năm thực hiện kịch bản. Ngoài ra, cộng sự của đạo diễn ở hãng Columbia Pictures góp ý kiến để phim gần gũi hơn với khán giả phương Tây, vì thế nhóm chỉnh sửa nội dung khoảng 10 lần. Đạo diễn cố gắng dùng hành động thay cho thoại để tác phẩm dễ hiểu với khán giả ở nhiều nền văn hóa.
Nhân vật chủ yếu là những người thấp bé trong xã hội. Tài tử cho biết từ nhỏ đến khi trưởng thành, xung quanh ông đều là những người không quyền lực, địa vị, không tiền bạc. Vì thế, phim của ông hầu như xoay quanh họ. Châu Tinh Trì tin dù nhỏ bé đến đâu, mỗi người đều nắm trong tay vận mệnh và có khả năng thay đổi nếu nắm bắt thời cơ ở giây phút quyết định.
Đạo diễn đưa các võ công trong tiểu thuyết võ hiệp vào phim, như Sư tử hống, Cáp mô công (võ cóc), hay Như Lai thần chưởng. Ông dùng Như Lai thần chưởng vì môn võ có hình ảnh bàn tay Phật, đại diện cho cái thiện. Theo Châu Tinh Trì, ý nghĩa của "thắng người khác" không phải là đánh bại đối thủ mà là làm cho đối thủ khâm phục trong vui vẻ.
Châu Tinh Trì chủ động đề nghị trả tiền bản quyền cho nhà văn Kim Dung vì phim sử dụng tên nhân vật trong tiểu thuyết của ông. Ban đầu, Kim Dung không nhận phí tác quyền nhưng "Vua hài" kiên quyết trả. Sau đó, đôi bên thống nhất con số 60.000 HKD (192 triệu đồng) cho sáu nội dung Châu Tinh Trì mượn ở tiểu thuyết. Kim Dung dùng khoản tiền này làm từ thiện. Nhà văn còn tham dự lễ công chiếu.
Cuối tác phẩm, Châu Tinh Trì mặc áo trắng và quần luyện chưởng màu đen, mô phỏng tạo hình của Lý Tiểu Long trong Long tranh hổ đấu, để cảm ơn sao võ thuật vì nhờ ông, Châu Tinh Trì biết mơ ước trở thành diễn viên.
Theo Mtime, một số ý kiến cho rằng trong vai trò đạo diễn của Tuyệt đỉnh kungfu, Châu Tinh Trì thành công nhưng ở vai trò diễn viên, ông chưa tạo đột phá với nhân vật chính A Tinh. Nghệ sĩ đồng tình nhận xét này. Ông giải thích gánh nặng của đạo diễn lớn, do ông khao khát thực hiện bộ phim mà mỗi cảnh quay đều chưa từng thấy với khán giả. Có hàng trăm phim hành động đủ thể loại, ông phải dựng tác phẩm độc nhất vô nhị, vì thế dồn tâm huyết cho công việc đạo diễn hơn là diễn xuất.
Châu Tinh Trì từng nói sẽ làm phần hai nhưng chưa công bố dự án. Trên Sina, đạo diễn thừa nhận bị ám ảnh việc lặp lại bản thân, cạn kiệt sáng tạo. Năm nay, ông chú trọng mảng phim ngắn, hợp tác với các nền tảng video lớn nhất Trung Quốc.
Hiện dự án được quan tâm nhất của Châu Tinh Trì là phim điện ảnh Mỹ nhân ngư 2. Theo Next Apple, tác phẩm quay xong hai năm qua nhưng đạo diễn chưa vừa ý, chần chừ phát hành. Đạo diễn Vương Tinh, từng nhiều lần hợp tác Châu Tinh Trì, cho rằng các phim gần đây của đồng nghiệp không mấy thành công, nên ông gặp áp lực lớn ở tác phẩm tiếp theo. Vương Tinh mong Mỹ nhân ngư 2 thực sự là kiệt tác mới của Châu Tinh Trì.
Nghinh Xuân
Post a Comment