MC Phan Anh cho rằng chia sẻ thông tin lên FB là quyền cá nhân với mong muốn được thảo luận dân chủ; Nhà báo Hồng Thanh Quang bày tỏ việc không kiểm duyệt thông tin trước khi chia sẻ là mẫu chốt biến động cơ tốt thành tác động xấu.
Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh hiện là nơi gắn kết, giao lưu, công cụ kinh doanh… của nhiều cá nhân, tập thể. Không thể phủ nhận về mức độ lan tỏa và sức ảnh hưởng mạnh mẽ trước một thông tin hot chia sẻ từ đây. Tuy nhiên, Facebook cũng bị đánh giá có nhiều mặt tiêu cực. Đơn cử là việc chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin giật gân, thông tin "câu like" gây nên tổn hại cho người khác.
Trong chương trình 60 phút mở có chủ đề "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?" trên sóng VTV1 mới đây có sự tham gia của nhiều khách mời là nhà báo, nhà nghiên cứu và MC Phan Anh. Việc chia sẻ clip cá chết được viết bởi một trang báo lên Facebook cá nhân cách đây không lâu của Phan Anh tạo lượt like và share lớn. Sau đó thông tin này vấp phải sự phản ứng của nhiều nhà khoa học cho rằng thiếu chính xác.
Trước ý kiến từ các chuyên gia, khách mời cho rằng đây là hành động không nên làm, MC Phan Anh đã có những ý kiến riêng bảo vệ quan điểm tự do chia sẻ Facebook của mình với các luận điểm cơ bản sau:
Mọi quan điểm cần được lắng nghe và tôn trọng
MC Phan Anh thẳng thắn cho biết mình thường chia sẻ những vấn đề về cuộc sống cá nhân và những chuyện mà bản thân quan tâm lên Facebook. Trước sự phản pháo cho rằng nam MC hãy làm đúng công việc thay vì quan tâm đến những chuyện không thuộc chuyên môn và có thể gây hậu quả, Phan Anh đáp: "Chúng ta có quyền thể hiện quan điểm. Mọi quan điểm cần được lắng nghe và tôn trọng. Tôi luôn dừng lại một nhịp mỗi khi viết điều gì đó trên Facebook. Tôi biết có thể nó không hoàn toàn chính xác nhưng điều đó không có nghĩa tôi không được thể hiện quan điểm cá nhân".
Lý do anh chia sẻ clip là muốn mọi người trong xã hội cần phải có tiếng nói, trao đổi cởi mở, dân chủ, thẳng thắn. Nam MC cho rằng đó là việc đúng đắn và nên làm vì đang đóng góp vào cái chung.
Đừng quy chụp, đánh giá người khác khi chưa hiểu rõ vấn đề
Trước câu hỏi, trước một vấn đề nếu bạn không phải là người thuộc lĩnh vực đó hay không am hiểu vấn đề, không có nhiệm vụ thông báo tin tức đó thì động cơ chia sẻ thông tin lên Facebook là gì?
Anh Phạm Mạnh Hà (Chuyên gia phân tích tâm lý, hành vi - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) lý giải điều đó xuất phát từ nhu cầu liên kết, mong muốn được chú ý đến thông tin bằng sự khác biệt nào đó (ví dụ: ăn theo người nổi tiếng, bám theo tâm lý bầy đàn của cộng đồng mạng, dẫn dắt bằng việc truyền thông tin thất thiệt…).
Quanh hành động gây chú ý của mình, MC Phan Anh cho rằng việc post thông tin vụ cá chết còn có mục đích khác chứ không đơn thuần chỉ nói đến sự việc cá chết gây ầm ĩ. Anh cho rằng, là người tri thức cần đọc kỹ thông tin rồi hãy phán xét.
MC Phan Anh và nhà báo Hồng Thanh Quang tranh luận về việc chia sẻ thông tin trên Facebook. |
Nhà báo Hồng Thanh Quang nhận định hành động của Phan Anh đơn giản là có cảm xúc khi đọc thông tin và muốn chia sẻ cho mọi người. Thế nhưng anh lại cho rằng sự giải thích của Phan Anh về mục đích việc share thông tin lại là sự ngụy biện.
Trước điều này, nam MC thẳng thừng bảo vệ quan điểm rằng mình đang không ngụy biện cho bất cứ điều gì. Anh cho rằng cùng là một vấn đề nhưng quan trọng là phải hiểu nội dung chia sẻ là gì. Nhà báo Hồng Thanh Quang cho rằng: Sẽ không ai quan tâm bạn nghĩ gì trong đầu nhưng Phan Anh lại khiến nhiều người tin vào cái điều anh đang làm (thông tin trong video chia sẻ là thật).
Phan Anh thẳng thắn cho rằng đừng cố gắng phán xét một ai đó thông qua sự kiện mà chúng ta không phải người trong cuộc. Nhà báo Hồng Thanh Quang tiếp lời: Không nên dùng động cơ tốt của mình để biện minh cho những hành vi gây ra tác hại xấu cho xã hội. Anh cho rằng, việc không kiểm duyệt thông tin từ nhiều nguồn trước khi chia sẻ là mẫu chốt biến động cơ tốt đẹp thành tác động xấu đến xã hội.
Tại sao phải đòi hỏi người dùng Facebook luôn tỉnh táo?
Trong khi các khách mời khác thể hiện quan điểm rằng trước mọi vấn đề người đọc, người xem cần phải xem xét thông tin chính xác ở mức độ nào rồi hãy chia sẻ. Nhà báo Hoàng Minh Trí cho rằng, hành động của Phan Anh có thể được xem là một giọt nước khiến cho nhiều người tin rằng thông tin chia sẻ là đúng, trong khi vẫn chưa có kết luận cuối cùng của sự việc.
Anh Mạnh Hà đứng ở một góc độ khác cho rằng: Việc chia sẻ thông tin là quyền cá nhân nhưng trước khi thực hiện nó cần xem xét quyền đó ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến người khác hay không.
Về vấn đề này, Phan Anh cho rằng tạo sao phải đòi hỏi người dùng Facebook luôn tỉnh táo vì mỗi người đều có nhận thức riêng. Không nhất thiết lúc nào cũng phải trong tâm thế đi nghiên cứu cài này, tìm hiểu cái kia rồi mới được đưa ra ý kiến cá nhân. "Như vậy thì mãi mãi chúng ta không thể đưa ra quan điểm", nam MC nói.
Phan Anh lý giải, sự việc trên anh chia sẻ thông tin dưới góc độ là người nhìn nhận chứ không phải là một chuyên gia hay nhà khoa học. Anh nhắc lại việc bản thân không chắc thông tin của mình là chính xác hoàn toàn nhưng mục đích của anh là để mọi người cùng bàn luận trên tinh thần dân chủ.
Dù có cuộc tranh luận sôi nổi nhưng các khách mời đều mong muốn người dùng mạng xã hội hãy thể hiện mình là người có văn hóa bằng việc share thông tin có ý thức bằng cách kiểm duyệt kỹ trước khi nhấp chuột. MC Phan Anh vẫn bảo vệ quan điểm cần mạnh dạn thể hiện quan điểm để cùng thảo luận nhưng trên tinh thần có ý thức, kiểm định. Nhà báo Hồng Thanh Quang khuyên mọi người cần phải có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước thông tin mình chia sẻ.
Anh Phạm Mạnh Hà (Chuyên gia phân tích tâm lý, hành vi) nói về nhu cầu quyền lực phổ biến của người dùng mạng xã hội hiện nay. Đơn cử là động thái "ném đá". Theo anh, biểu hiện của nhu cầu này là sự mong muốn điều sẽ nói, thông tin share phải có tác động nào đó đến người khác và họ sẽ phải nghe theo. Anh Nguyễn Thái Sơn (chuyên gia nghiên cứu về mạng xã hội) tiết lộ: 1 thông tin tích cực có thể dìm tắt 4 thông tin tích cực. 1 thông tin tiêu cực thường được chia sẻ nhiều gấp 4 lần thông tin tích cực. Cứ khoảng 8 thông tin (tích cực hoặc tiêu cực) được lặp đi lặp lại sẽ thúc đẩy sự thay đổi hành vi của một người. |
T&T
Post a Comment