Chí Tài: Đêm 30 Tết vẫn hát đàn phục vụ khán giả

Danh hài sang Mỹ vào đầu năm 1982. Vào dịp Tết, nỗi nhớ nhà trong anh càng da diết. Xa quê, Chí Tài thường xuyên hồi tưởng về những chuyến du xuân đầu năm cùng gia đình, được người thân lì xì... Anh thường dạo các khu chợ hoa để bớt nhớ quê nhà.

nghe-si-hai-ngoai-ke-noi-niem-don-tet-xa-que

Những năm đầu ở Mỹ, Chí Tài ăn Tết rất đơn giản. Sau giao thừa, anh vãn cảnh chùa, hái lộc một mình. Về nhà, anh lấy bánh chưng, bánh tét trong tủ lạnh mua sẵn ở các khu chợ người Việt, vừa ăn vừa tận hưởng không khí ngày Tết xa xứ. Thuở còn hoạt động trong ban nhạc, Chí Tài thường chơi đàn phục vụ kiều bào suốt đêm giao thừa.  Sau này, khi đã lập gia đình, anh cùng vợ cố thu xếp công việc để cùng nhau sửa soạn mâm cơm cúng. Sau đó, vợ chồng anh cùng một số nghệ sĩ thân thiết tổ chức buổi tiệc nhỏ để đón xuân bên nhau.

Quang Minh: Từng nhớ Tết quê đến mức phải tắt tivi

Chồng nghệ sĩ Hồng Đào còn nhớ những ngày mới sang Mỹ, nhà anh có truyền hình cáp coi được một số kênh ở Việt Nam. Đêm giao thừa, khi tivi chiếu cảnh mọi người chộn rộn chưng mai đào, pháo hoa đì đùng, nỗi nhớ quê ngập tràn khiến anh chịu không nổi, phải tắt tivi. Sau giờ cúng giao thừa, Quang Minh một mình lái xe đến chùa, cảm thấy lòng mình bình yên như đang đón Tết quê.

Mỗi năm, anh đều dạy hai cô con gái của anh những câu chúc Tết bằng tiếng Việt và thưởng các bé bằng những bao lì xì. Nam diễn viên kể dịp xuân ở Mỹ, đặc biệt là tại các tiểu bang xa, nếu không rơi vào thứ bảy, chủ nhật, tinh thần ngày Tết thường nhạt nhòa. Người dân phải lái xe khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ để đến nơi các đồng hương tụ hội cùng nhau. "Không khí nơi đó rất sôi nổi, ấm cúng, nhưng chỉ cần bước ra khỏi chỗ gặp gỡ là lòng chúng tôi chùng xuống vì nhìn xung quanh chỉ toàn tuyết trắng xóa", anh kể.

Quang Minh (phải) và bà xã Hồng Đào cùng gia đình trong một chuyến về Việt Nam năm 2015.

Quang Minh (phải) và bà xã Hồng Đào cùng gia đình trong một chuyến về Việt Nam năm 2015.

Do bận công việc, Quang Minh - Hồng Đào thường xách vali đi diễn khi khu Little Saigon vẫn còn nô nức không khí Tết, đến khi về nhà, ngày Tết cũng đã qua, người dân xung quanh trở lại nhịp sống như trước. Những ngày xuân, vợ chồng nghệ sĩ thường đi diễn ở các tiểu bang xa xôi - nơi kiều bào ít có điều kiện hưởng cái Tết trọn vẹn.

Thanh Hà: Càng lớn càng không thích Tết

30 năm kể từ khi sang Mỹ, nữ ca sĩ sinh năm 1969 chưa có cơ hội trở lại Việt Nam vào đúng dịp Tết. Những năm đầu xa xứ, Thanh Hà nhớ cái Tết cổ truyền da diết. Ra đường, một nhành mai, gói bánh chưng cũng khiến chị rưng rưng. Chị nhớ khi còn bé, ở quê nhà Đà Nẵng, chị được dẫn đi chợ, ngắm hoa, mua bánh trái, tối thì thức khuya đến đâu cũng không sợ bị mẹ la. Sáng mùng một, chị được mặc đồ mới thật đẹp nhưng cũng phải chờ có khách đến xông nhà rồi mới được ra ngoài. Sang Mỹ, theo guồng quay công việc, nỗi nhớ quê trong chị dần vơi đi. Có năm, mải đi hát, khi xem lịch chị mới giật mình nhớ ra ngày Tết đã cận kề. 

Thanh Hà (phải) và bạn trai kém tuổi

Thanh Hà (phải) và bạn trai kém tuổi năm nay tiếp tục đón Tết ở nước ngoài.

Giọng ca Mong manh tình về sống ở bang California, mỗi dịp Tết cổ truyền, chị đều được tận hưởng không khí ấm cúng, vui vầy, nhất là ở khu Little Saigon. Chị nhớ cứ khoảng 10 ngày trước khi Tết đến, chợ hoa được bày biện, chị cùng người thân dạo ngắm các cây cảnh. Sau đó, chị đi chùa, ngắm đốt pháo dù chỉ là vài nơi lẻ tẻ. Điều an ủi với Thanh Hà là những đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, mai, đào, lì xì... đều có đủ ở Mỹ. Chị và bạn trai thường dẫn con gái chị đến nhà các đồng nghiệp, sau đó bé được các cô chú lì xì. "Không khí ngày Tết ở Mỹ cũng có nhưng không thể đậm chất truyền thống như ở quê nhà", ca sĩ nhận xét.

Thanh Hà tâm sự, càng trưởng thành chị càng không thích Tết nữa, vì cảm thấy mình già cỗi hơn sau bao bộn bề lo toan.  Năm nay, do đã được mời hát tại một số chương trình ở hải ngoại, ca sĩ tiếp tục không thể đón xuân quê nhà.

Mai Nhật

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top