Sáng mùng 2 Tết, trước cả chục người, hai cậu nhóc bóc bao lì xì vừa nhận rồi so bì, thắc mắc vì một bé được 500.000 trong khi bé kia chỉ có 50.000 đồng.
Đến chúc Tết nhà người quen đã xin việc giúp mình tháng trước, anh Thành (Đống Đa, Hà Nội) lì xì hẳn 500.000 nghìn đồng cho cậu con trai lớp 3 của chủ nhà. Bất ngờ, khi đó, anh họ của bé cũng tới chơi, anh liền rút phong bao 50.000 đồng ra mừng tuổi. Trước mặt nhiều người, hai cậu nhóc vô tư mở phong bao rồi so bì: "Sao bác lì xì cho em ấy nhiều mà cho cháu ít thế".
"Hồi trước bố thằng bé giúp mình vào một công ty mà không nhận đồng nào nên tiện dịp Tết, mình lì xì cho cháu như vậy, coi như một chút đền ơn. Không ngờ rơi vào tình huống dở khóc dở cười khiến cả mình lẫn chủ nhà và mấy người hàng xóm có mặt ở đó đều 'đứng hình', không biết nên nói hay làm gì", anh Thành kể. Anh cho biết, sau phút ngượng chín mặt đó, anh chỉ biết vội vàng chúc Tết rồi kiếm cớ đi về nhanh.
Ảnh minh họa: MT. |
Là dâu mới trong gia đình nhà chồng có đông cháu, năm nay, chị Bích (Hoài Đức, Hà Nội) cũng vướng phải tình cảnh khó xử vì sơ suất khi chuẩn bị phong bao lì xì. "Trong lúc cả nhà đang rôm rả chúc tụng sáng mùng một Tết thì cậu cháu trai con chị gái cả của chồng mình chạy tới phụng phịu 'Mợ ơi, sao mợ lại mừng tuổi cho con phong bao không, chẳng có tiền trong đó'. Mình không hiểu tại sao lại xảy ra sự tình như vậy, lóng ngóng vừa giải thích 'chết, chắc tại mợ nhầm', vừa đứng dậy lấy phong bao khác bù cho cháu", chị Bích kể.
Chị Bích cho biết, tụi nhỏ rất vô tư nên khi nhận được bao lì xì có tiền là lại mừng rỡ ngay nhưng bố mẹ và chị chồng tỏ ra không mấy hài lòng vì tính đoảng của nàng dâu mới. Bích càng đỏ bừng mặt khi một người anh rể nói đùa đế thêm: "Mấy đứa còn lại cũng mở phong bao ra kiểm tra xem, khéo lại rỗng ruột nốt".
Có hai con, một bé 6 tuổi, một bé mới 8 tháng, chị Xuân (Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi ngại ngùng khi cứ có bất kỳ ai mừng tuổi cho mình thì cô con gái lớn cũng đòi thêm "còn của em cháu nữa". "Khổ nhất là ông bà và nhiều người xung quanh còn vào hùa khen bé là 'khôn' và 'biết nhớ tới em' nên dù mẹ nhắc nhở thế nào con vẫn tiếp tục chiêu đó", chị Xuân kể. Chị cho biết, ngay sáng hôm mùng 4 Tết, khi có một nhóm bạn của chú ruột bé tới chúc Tết ông bà rồi ra về mà không mừng tuổi, con liền chạy lại níu áo đòi: "Các cô chú quên lì xì cho chị em con à?". "Mấy thanh niên còn trẻ vội móc tiền ra mừng tuổi cho con, còn mẹ thì không biết giấu mặt vào đâu", chị Xuân kể.
Quan niệm chỉ nên lì xì cho trẻ số tiền nhỏ để mang lại niềm vui và may mắn đầu năm, Trung (Tây Hồ, Hà Nội) gặp phải phen bẽ mặt khi đứa cháu họ học lớp 2 trả lại tờ 20.000 đồng anh mừng tuổi. "Thằng bé bóc phong bao ngay trước mặt cả nhà rồi xị mặt 'chiếc bao đẹp thế mà có mỗi tờ tiền này. Cháu chẳng lấy đâu. Hôm qua chú Hà mừng tuổi cháu hẳn 200.000 đồng", Trung kể. Lúc đó, mẹ cậu bé chữa ngượng bằng cách cầm lấy tờ tiền rồi nói: "Để mẹ giữ hộ cho, chú Trung vừa ra trường, mới đi làm, có tiền mừng tuổi cho các cháu là giỏi lắm rồi".
"Thực sự mình vừa ngại vừa thấy buồn và không còn muốn lì xì cho bất cứ đứa trẻ nào nữa", chàng thanh niên 24 tuổi bày tỏ.
Cũng vì chuyện tiền mừng tuổi mà cuộc gặp mặt đầu năm của gia đình bác Tình (Gia Lâm, Hà Nội) hôm mùng 2 Tết trở nên kém vui. Bác Tình, 60 tuổi kể, cả Tết, vợ chồng bác mong ngóng nhất mùng 2 vì đó là ngày cả 2 cô con gái đã đi lấy chồng đều đưa cháu về tề tựu. Năm nay, sau khi anh con rể cả chúc Tết và mừng tuổi bố mẹ vợ mỗi người một tờ 100.000 đồng thì cậu con rể thứ lập tức rút ra 2 tờ 500.000 đồng mừng nhạc phụ, nhạc mẫu. Vợ chồng bác Tình cảm ơn, chúc Tết lại hai con và cảm thấy lúng túng trước tình cảnh chẳng mong đợi này. "Anh con rể cả vốn tính đã hay tự ái nên chúng tôi rất khó xử và càng thương con gái đầu khi mới ở nhà bố mẹ chơi một lúc đã bị chồng khăng khăng đòi về", bác Tình kể.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em, TP HCM, cho biết, lì xì là một tục lệ xuất phát từ Trung Quốc, gọi là "lợi thị" trong tiếng Trung hay "Hồng bao" trong tiếng Quan Thoại, với ý nghĩa mang đến điều may mắn cho con cháu. Vì thế, trong ngày đầu năm, con cháu tụ họp chúc Tết bố mẹ, ông bà và được những người lớn mừng tuổi bằng những phong bao màu đỏ và tờ tiền mới như một hình thức chúc phúc.
Ngày nay, việc lì xì đôi khi bị biến tướng thành hình thức cho tiền hay "trả nợ ngầm", từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy, tình huống khó xử cho người lớn và làm hư cả trẻ con. Tình huống trẻ mở phong bao, lấy ruột, ném vỏ ngay trước mặt người rồi bình luận, so bì diễn ra khá phổ biến. Để tránh xảy ra điều này, người lớn nên giải thích cho trẻ hiểu giá trị tượng trưng của tờ tiền trong phong bao và các nguyên tắc cư xử tối thiểu như không mở bao trước mặt khách, không đòi được lì xì, khi nhận biết cảm ơn và nói lời chúc... Chính bố mẹ phải là người hướng dẫn cho trẻ trước Tết hay trước khi trẻ tiếp xúc với những người khách sẽ đến thăm gia đình vào dịp Tết để không phải ngượng ngùng khi con cháu mình chê ít, đòi thêm lì xì.
Theo nhà tâm lý, điều quan trọng là bản thân người lớn phải làm gương, đừng dùng tiền lì xì như một hành vi khoe mẽ hay trả lễ. "Nên luôn công bằng khi lì xì cho trẻ trong gia đình. Nếu muốn cho thêm vì thương hoàn cảnh hay hoặc lý do nào đó thì còn có nhiều dịp khác để cho tiền thay vì dồn vào khoản lì xì", chuyên gia bày tỏ.
VnExpress
Post a Comment