Tối 28/11, Hồn bướm - tác phẩm đầu tay của Kim Khánh trong vai trò sản xuất và đạo diễn - ra mắt tại Hà Nội. Phim lấy chủ đề cuộc sống người chuyển giới trên hành trình đấu tranh được sống đúng với giới tính thật.

Mở đầu tác phẩm, ba nhân vật chính gồm Jessica, Yến My, Nhã Ân khoe vẻ nóng bỏng với trang phục áo tắm và tà áo dài trong buổi chụp hình tại studio. Ba cô gái tự tin giới thiệu bản thân trước ống kính. Phim mở ra các hoạt động tập thể ủng hộ bình đẳng giới, trong đó có cuộc diễu hành với băng rôn, khẩu hiệu của những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

hon-buom-khat-khao-duoc-xa-hoi-cong-nhan-cua-nguoi-chuyen-gioi

Đạo diễn Kim Khánh (thứ hai từ trái sang) tại lễ ra mắt bộ phim.

Jessica cùng những người bạn chung cảnh ngộ sống trong căn phòng trọ giữa trung tâm Sài Gòn. Công việc thường ngày của họ là làm ca sĩ, vũ công tại các hội chợ. Jessica có vai trò kết nối các nhân vật khác trong phim. Cô trở thành chỗ dựa tinh thần và truyền kinh nghiệm sống cho những thành viên khác trong khu trọ. Mọi người gọi cô bằng mẹ.

Trong một phân đoạn tái hiện khoảnh khắc chuyển đổi giới tính, bộ phim đã nghệ thuật hóa hình ảnh Jessica - mang thân hình phụ nữ chưa hoàn thiện - được bao bọc trong kén bướm. Cô chấp nhận chịu đau đớn bởi nhánh dây leo siết chặt cơ thể, từ từ lột xác và trở nên xinh đẹp.

Bộ phim không đi sâu khai thác nhịp sống hàng ngày của nhân vật mà chọn lọc những câu chuyện qua sự đối thoại giữa các thành viên nhằm khắc họa đời sống nội tâm. Đó là chuyện Nhã Ân bị gia đình người yêu ruồng bỏ, miệt thị khi quyết định công khai giới tính thật. Jessica trước khi chuyển giới từng ba lần tự tử bất thành vì không thể chịu được sức ép từ gia đình, xã hội. My bị chính chú ruột kỳ thị. Nhân vật Huy nhóc - thành viên mới trong tập thể - xin mẹ lên Sài Gòn sống, phụ giúp Jessica chuẩn bị đồ diễn. Cậu đang trong tuổi dậy thì, tò mò về bộ phận sinh dục nam và phân vân về giới tính của bản thân.

Trong gian phòng chật hẹp, cảnh những cô gái chăm sóc nhau khi đau ốm và tự an ủi vượt qua khó khăn hòa nhập khiến khán giả xúc động. Bộ phim sử dụng tiếng đàn bầu và bài hát Nếu được chọn lựa giới tính để khắc họa cảnh sống xa gia đình và nỗi cô đơn, khát khao có hạnh phúc trọn vẹn của người chuyển giới. Ngoài những thước phim cảm động là sự hài hước trong cuộc sống của nhóm nhân vật. Jessica đội nón quai thao tắm cho thú cưng hay vòi mẹ của hồi môn khi kiếm được tấm chồng cho thấy mưu cầu thiết thực của phụ nữ.

* Trailer phim Hồn bướm

Trailer bộ phim 'Hồn bướm' của đạo diễn Kim Khánh

Lời tự sự của các nhân vật thu hút người xem vào nỗi lòng của những người đau đáu được sống đúng với giới tính. Đạo diễn Kim Khánh đã thuyết phục mẹ của Jessica và My cùng con xuất hiện, tự thuật trước máy ghi hình. Theo đạo diễn, ban đầu, người mẹ từ chối vì mặc cảm và mỗi lần nhắc đến câu chuyện có con là người chuyển giới, bà khóc nghẹn. Rồi bà quyết định xuất hiện vì muốn kêu gọi sự đồng cảm, sẻ chia của các bậc cha mẹ có con mang giới tính khác biệt.

Có mặt tại lễ ra mắt phim, mẹ Yến My chia sẻ: "Trước đây tôi gặp khó khăn khi chứng kiến con mình có những biểu hiện tính cách không giống nam. Tôi cảm thấy mọi người xung quanh dò xét và kỳ thị My. Điều đó làm tôi buồn phiền. Giờ đây, My đã được sống với chính con người thật của nó thì tôi không còn gì trở ngại. Khi ra ngoài đường, tôi vui và thấy rất hãnh diện về con".

Xen kẽ lời tự sự, bộ phim tái hiện cuộc sống thuở thơ ấu của Jessica, My với nhiều sự đảo lộn trong giới tính. Điều này đã tạo ra sự song hành về mặt tạo hình, giúp khán giả có cái nhìn xuyên suốt và hiểu rõ hơn về cuộc đời nhân vật.

Phim kết thúc với hình ảnh gia đình nhân vật My xôm tụ trước máy quay. Cô hạnh phúc bế con trai, đứng bên mẹ và chồng. Không còn sự bi quan và trói buộc bản thân trước định kiến xã hội, các nhân vật tiếp tục công việc thường ngày trong tiếng nói cười rôm rả.

hon-buom-khat-khao-duoc-xa-hoi-cong-nhan-cua-nguoi-chuyen-gioi-1

Poster phim "Hồn bướm mơ tiên".

Trong Hồn bướm, đạo diễn Kim Khánh đặt cố định máy quay tại nơi ở của nhân vật nhằm lột tả rõ nét, chân thực cuộc sống sinh hoạt người chuyển giới. Kim Khánh không lên kịch bản cho bộ phim mà để các nhân vật tự dẫn dắt câu chuyện của bản thân. Ngoài những góc máy cố định, bộ phim sử dụng máy quay cầm tay để ghi lại các cuộc đối thoại. Độ rung của máy tạo ra sự chuyển động của khung hình, tăng tính xác thực và khán giả cảm thấy gần gũi hơn.

Ngoài việc thể hiện khát khao được là chính mình của người chuyển giới, bộ phim nói về nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế. Jessica trong vai trò người mẹ luôn căn dặn thành viên trong gia đình sử dụng bao cao su để bảo vệ bản thân. Khi Nhã Ân gặp vấn đề sức khỏe, Jessica khuyên cô đến cơ sở y tế làm xét nghiệm thường xuyên nhằm tránh bệnh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.

Bộ phim tài liệu Hồn bướm phát hành nhân kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS. Đạo diễn Kim Khánh mong muốn cộng đồng phá bỏ những cái nhìn kỳ thị, phân biệt đối xử và trân trọng ước mơ của người thuộc cộng đồng LGBT. Phim do chương trình PEPFAR của Chính phủ Mỹ tài trợ.

Sau suất chiếu ở Hà Nội, Kim Khánh và êkíp tiếp tục giới thiệu tác phẩm đến khán giả TP.HCM vào ngày 30/11.

Trọng Trường

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top