Bạn sẽ ước mình không bao giờ vi phạm nội quy nếu học tại những ngôi trường này.
Các quy tắc tại trường học là điều cần thiết để thiết lập một môi trường học tập và vui chơi lành mạnh đối với mỗi học sinh. Tuy vậy, một số quy tắc gây tranh cãi vẫn đang được áp dụng tại nhiều ngôi trường trên thế giới.
Thoạt đầu bạn sẽ bị lầm tưởng đây là hình ảnh của hai ngón tay? Không, đó chính xác là hai đầu gối của một nam sinh viên người Trung Quốc, đã vi phạm nội quy của nhà trường và bị giáo viên yêu cầu quỳ lên những hạt đậu Hà Lan đông lạnh. Hình phạt này đã được duy trì trong thời gian dài tại Trung Quốc, Philippines và một số nước châu Á. Tại một số nơi, người ta thay đậu Hà Lan đông lạnh bằng hạt gạo. Người Trung Quốc cho rằng, việc sử dụng hình phạt này sẽ khuyến khích con cái mình tiến bộ và hoàn thiện hơn.
Tại nhiều trường tiểu học tại Anh, đặc biệt là tại phía Tây Nam London, vùng Kingston hoặc phía Bắc của Canada, đã và đang áp dụng luật lệ cấm học sinh chơi với một người bạn thân nhất. Một số phụ huynh, giáo viên và nhà tâm lý học đã luận giải cho quy tắc kỳ lạ này, rằng việc những đứa trẻ chỉ chơi với 1-2 người bạn thân nhất sẽ dễ dẫn đến tâm lý lôi kéo, bắt nạt và bỏ rơi những người xung quanh. Các nhà phê bình lập luận, điều này sẽ giúp giảm tình trạng “cô đơn” về tinh thần của học sinh không có bạn bè vốn đang lan rộng tại các trường học ở châu Âu.
Có đến 57% các trường công lập ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) yêu cầu học sinh phải chứng minh màu tóc của họ là tự nhiên. Đa số các trường học tại Nhật đã ban hành quy tắc cấm học sinh, sinh viên nhuộm tóc. Để ngăn chặn học sinh nói dối, giáo viên có thể gọi điện trực tiếp cho gia đình và yêu cầu bố mẹ học sinh chụp lại những bức ảnh của con em họ hồi bé để làm bằng chứng.
Sở giáo dục thành phố New York (Mỹ) từ năm 2012 đã ban hành bản danh sách khoảng 50 từ ngữ cấm học sinh sử dụng trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn do Sở này ban hành. Các từ cấm đó là “nghèo đói”, “ly hôn”, “bệnh tật”, “chính trị”, “tôn giáo”,… Nhà chức trách giải thích rằng, các từ ngữ thuộc diện “nhạy cảm” này có thể ảnh hưởng tới tâm lý của các học sinh vốn tới từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, ngôn ngữ sử dụng sai sẽ gây khó chịu, trầm cảm đối với các học sinh thuộc nhóm yếu thế như người khuyết tật, người da màu.
Tại nhiều trường học tại Australia và Vương quốc Anh, giáo viên hay học sinh đều không được phép sử dụng bút mực đỏ, đặc biệt là giáo viên, bất chấp việc các giáo viên lâu nay vẫn có thói quen sử dụng bút mực đỏ khi chấm bài kiểm tra hoặc ghi điểm số. Các nhà tâm lý học và đại diện phụ huynh đã đưa ra quan điểm rằng màu mực đỏ sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, khiến trẻ nhỏ sợ hãi và bị áp lực. Các giáo viên được khuyến khích sử dụng những loại bút có màu mực tươi sáng hơn như hồng, vàng hay xanh dương.
Một trường học ở hạt Nottinghamshire (Anh) đã đưa ra một nội quy khá khó hiểu: Cấm học sinh giơ tay trong giờ học. Hành động này vốn đã trở nên quá quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên thế giới khi muốn giành quyền phát biểu xây dựng bài. Trong lá thư giải thích được gửi tới từng gia đình học sinh, hiệu trưởng ngôi trường này viết: “Chúng tôi đã quyết định bỏ việc học sinh giơ tay để trả lời câu hỏi trong lớp học. Chúng tôi thấy rằng, việc một vài cá nhân giơ cao tay lên như vậy sẽ khiến giáo viên không thử thách được trí tuệ và hỗ trợ được việc học của tất cả học sinh ngồi trong lớp”. Việc giơ tay sau đó vẫn được thực hiện, nhưng học sinh chỉ được giơ khẽ lên và đủ để giáo viên thấy rằng mình muốn nói gì đó.
Một trường trung học ở Pennsylvania cấm các học sinh sử dụng xịt khử mùi khi tới trường. Nhiều trường học tại đây cũng bắt đầu áp dụng nội quy có phần cứng nhắc này, sau khi xảy ra trường hợp một học sinh bị dị ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc với xịt khử mùi của bạn. Các học sinh nam vốn lạm dụng xịt khử mùi và phun quá nhiều lên cơ thể, dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới bạn cùng lớp bởi hóa chất có trong bình xịt.
Một trường trung học ở Chicago (Mỹ) đặt ra nội quy giới hạn số lần một học sinh được phép rời khỏi lớp học để đi vệ sinh. Trong một ngày, mỗi học sinh chỉ được vào nhà vệ sinh của trường tối đa 3 lần. Thậm chí, việc này cũng bị hạn chế khi buổi học đang diễn ra. Hiệu trưởng trường giải thích với các bậc phụ huynh rằng nội quy này được đặt ra để giảm tình trạng nhiều học sinh lạm dụng việc xin ra ngoài đi vệ sinh để bỏ học.
Châu Á là nơi nổi tiếng với các hình thức trừng phạt học sinh nghiêm khắc, trong đó phải kể đến nền giáo dục tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan. Các hình thức kỷ luật mà giáo viên áp dụng cho học sinh, sinh viên nơi này thường là các hình phạt về thể xác, như yêu cầu hít đất đồng thời nắm tay thành nắm đấm chà lên mặt bê tông, bị giáo viên dùng thước gỗ quật mông. Các hình phạt này được áp dụng cho trường hợp đi học muộn, không nghe lời giáo viên, bị điểm thấp hay không cúi chào giáo viên và các anh chị khóa trên. Hình phạt được lãnh đạo ngành giáo dục cho phép áp dụng trên toàn quốc.
Trọng Đạt (theo BI, Independent)
Post a Comment