(Techz.vn) Bạn có 2 lựa chọn để kiếm cơm. Một là làm việc khó để thu về ít tiền. Hai là làm việc dễ để thu nhiều tiền hơn. Lựa chọn của bạn là gì?
Bất kỳ ai có một chút hiểu biết về thị trường smartphone đều biết rằng các hãng Android đè bẹp Apple. Như quý 1 vừa qua chẳng hạn, thị phần iPhone bán ra trên toàn cầu đạt vỏn vẹn 11,7%, số còn lại thuộc về Android. Tức là, cứ 1 người mua iPhone thì có đến 8 người mua Android.
Trong bối cảnh ấy, lẽ ra các nhà phát triển ứng dụng phải ưu ái Android. Lẽ ra ứng dụng Android phải đè bẹp Apple về chất lượng. Nhưng thực tế là hoàn toàn ngược lại.
Ví dụ, mạng xã hội thuộc hàng "top" thế giới là Instagram đợi hẳn... 1 năm rưỡi mới từ iOS đặt chân lên Android. Microsoft Office mất 7 tháng, Fortnite mất 4 tháng. Sony khi ra mắt ứng dụng PS4 Remote Play lại chọn ưu ái iOS hơn cả smartphone Android nói chung (Xperia được hỗ trợ ứng dụng này đầu tiên). Ngay cả Google cũng nhiều lần ra mắt ứng dụng trên iOS trước rồi mới đưa lên Android.
Đến cả Sony còn coi Android (ngoại trừ Xperia) là "hạng hai" so với iOS.
Để hiểu nghịch lý này, bạn chỉ cần đặt mình vào vị trí của những người kiếm cơm bằng ứng dụng. Bạn có 2 lựa chọn, một là làm việc khó để thu về ít tiền. Hai là làm việc dễ để thu nhiều tiền hơn.
Android chính là lựa chọn số 1. Theo một thống kê được công ty Infinum thực hiện trên 6 dự án vào năm 2015, tính trung bình mỗi dự án Android buộc lập trình viên phải viết/bảo trì lượng mã nguồn (LoC) nhiều hơn 40% so với iOS. Cùng một nội dung ứng dụng, lập trình viên Android mất thêm 30% số giờ so với lập trình viên iOS.
Trong môi trường doanh nghiệp, số giờ là số tiền phải chi trả. Và số giờ cũng có thể đồng nghĩa với mức độ thoải mái của nhân viên: có những việc làm mất ít thời gian trên iOS, khi lên Android lại tiêu tốn nhiều thời gian.
Tính theo mặt bằng chung, quả thật người dùng iPhone dư dả hơn.
Tồi tệ nhất, nhà phát triển luôn đối mặt với nguy cơ mất trắng doanh thu trên Android. Trong khi iOS là khu vườn đóng với khả năng jailbreak càng ngày càng thu hẹp thì Android lại là một hệ điều hành mở, APK "lậu" vô cùng dễ kiếm. Bỏ ra nhiều công sức, các nhà phát triển Android có thể chẳng thu được gì từ người dùng vi phạm bản quyền, vì Google đơn giản không (thể) ra tay ngăn chặn các hành vi này.
Ngay đến đối tượng khách hàng Android và iOS cũng có sự chênh lệch. Khảo sát ComScore cho thấy thu nhập trung bình của người dùng iOS cao hơn 40% so với người dùng iOS. Đây là điều khá dễ hiểu, bởi các hãng Android trỗi dậy và chiếm thị phần áp đảo một phần lớn là bởi Apple vẫn kiên quyết nói không với giá rẻ. Năm 2017 – 2018, Apple bán được khoảng 60 triệu chiếc iPhone X giá nghìn đô, cao gấp doanh số của sản phẩm Android đắt đỏ bậc nhất là Galaxy S9/S9+. Tính vào các quý cuối năm, người dùng iPhone bỏ ra gần 800 USD để mua smartphone Apple, trong khi con số này với Android chỉ vào khoảng 330 USD.
Smartphone giá thấp sẽ lại sinh ra đủ vấn đề: Android bị phân mảnh thành nhiều phiên bản cho các nhà sản xuất, nhà mạng; mức độ cập nhật cũng thấp hơn hẳn. Hỗ trợ cho ứng dụng Android luôn chạy tốt có thể khiến lập trình viên đau đầu, hay thậm chí là... bất khả thi.
Phát triển cho Android: Tốn công hơn, tiền thu về ít hơn.
Mọi lý do quy tụ đã khiến cho việc phát triển ứng dụng Android trở nên cực kỳ kém hấp dẫn khi so sánh với ứng dụng iOS. Theo một thống kê được Sensor Tower thực hiện trên 100 công ty phát triển ứng dụng, khoản tiền các công ty này thu về từ App Store cao hơn Google Play tới 65%. Trước đó, một thống kê rộng hơn cho thấy trong năm 2019 Google Play có tổng doanh thu là 24,8 tỷ USD, chỉ bằng khoảng một nửa tổng doanh thu từ App Store.
Đặt mình vào vị trí của người kiếm sống bằng ứng dụng, bạn sẽ thấy vì sao Android vẫn cứ bị xếp dưới iOS, vẫn phải gánh chịu tình trạng ứng dụng "hạng hai". Mất nhiều công sức và tiền của để làm một công việc có hiệu quả kinh tế thấp hơn, bao nhiêu nhà phát triển sẵn sàng đặt chú robot xanh lên trên trái táo cắn dở?
Theo: Genk
Apple tăng sản lượng iPhone sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ lên Huawei
(Techz.vn) Apple đã yêu cầu các đối tác tăng nhẹ sản lượng sản xuất iPhone sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của chính phủ Mỹ.
Post a Comment