Rick Owens từng bắt người mẫu phủ bột trắng xóa khắp người, quấn tóc quanh cổ lên sàn catwalk.
Rick Owens bước sang tuổi mới ngày 18/11. Sự nghiệp kéo dài gần ba thập kỷ của nhà tạo mốt Mỹ tạo nên những dấu ấn riêng biệt trong giới thời trang: quyến rũ, bụi bặm và kỳ quái. Cây bút John Colapinto của The New Yorker thuật lại một lần gặp Rick Owens khi ông đang thử đồ cho người mẫu. Cô này nhăn mày khi nhà thiết kế nói cô kỳ quái. Colapinto viết: "Cô ấy không hiểu hàm ý đằng sau. Với Owens, kỳ quái là lời khen".
Nhiều show của Owens gây xôn xao giới mộ điệu bởi sự điên loạn, lạ lùng. Trong show Xuân Hè 2016, ông buộc hai người mẫu vào nhau nhằm tôn vinh sức mạnh của phụ nữ. Trước đó một năm, người mẫu phủ bột trắng xóa khắp người, quấn tóc quanh cổ. Năm 2014, làng mốt sửng sốt với ý tưởng một ban nhạc treo ngược người trong không trung... Có lần, ông đưa các vũ công lên sàn diễn thay người mẫu, nhảy múa hò hét nhằm thách thức các tiêu chuẩn truyền thống.
Những thiết kế bó sát, chi tiết bất đối xứng, các đường cut-out phá cách, bốt da cao cổ cùng bảng màu tối thành đặc trưng phong cách Rick Owens. Giới báo chí quốc tế gọi ông là "chúa tể bóng đêm" bởi tần suất màu đen, xám dày đặc qua từng mùa mốt. Trang phục của Rick Owen ít thay đổi theo mùa, là tổng hòa của những sự đối lập: ánh sáng - bóng tối, cứng cáp - mềm mại, sang trọng - bụi bặm, cổ điển - nổi loạn. Nhà tạo mốt tự mô tả thiết kế của mình là "glunge" - từ ghép giữa "glamour" (lộng lẫy) và "grunge" (luộm thuộm).
Dưới sức sáng tạo của Owens, thời trang đường phố với những chi tiết gai góc, hầm hố của giới underground được nâng tầm sang trọng. Nhờ thế, Rick Owens trở thành thương hiệu yêu thích của nhiều ngôi sao có cá tính mạnh. Rihanna, Jennifer Lopez, Taylor Swift hay Jay-Z từng ít nhất một lần mặc những bộ đồ da, đi bốt cao gót hay sneakers đen đặc trưng của Rick Owens.
Tính cách nổi loạn của Rick Owens bộc lộc từ nhỏ. Sinh năm 1961 trong một gia đình Công giáo ở vùng nông thôn Porterville, bang California, Owens chịu sự giáo dục bó buộc, cứng nhắc từ gia đình và sớm có tâm lý phản kháng. Năm 18 tuổi, ông rời nhà, học mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Otis-Parsons rồi bỏ học. Rick học nghề cắt may hai năm, sau đó làm việc bốn năm trong một công ty may chuyên nhái theo các mẫu quần áo hot. Kinh nghiệm cắt may giúp Rick có thể may đo, xử lý những phom dáng kỳ lạ, phức tạp cho trang phục.
Nhà thiết kế người Mỹ từng bước xây dựng đế chế thời trang bằng những sáng tạo riêng biệt, chưa bao giờ phải nhận đầu tư từ bên ngoài. Ông nói với BOF: "Tôi tham lam, mong muốn mọi thứ tuân theo kỳ vọng bản thân". Trong những năm 1990, ông quen biểu tượng thời trang và nhà thiết kế người Pháp Michele Lamy - người sau này là cộng sự, nàng thơ và bạn đời của ông. Cả hai cùng sáng lập hãng thời trang Owenscorp vào năm 1994.
Nhà mốt hướng tới phong cách tối giản pha trộn rock'n'roll, chất bụi bặm của đường phố và gothic. Thương hiệu dần ổn định, song không tạo nên sự bứt phá. Cho tới năm 2002, khi Kate Moss diện áo khoác da của thương hiệu trên tạp chí Vogue Pháp, thương hiệu mới được chú ý. Tận dụng sự tán thưởng của Anna Wintour, Rick Owens lần đầu ra mắt bộ sưu tập tại Tuần lễ thời trang New York 2002. Năm 2003, Owens chuyển tới Paris và tạo dựng tên tuổi trong làng mốt Pháp. Không giống nhiều thương hiệu đều trực thuộc một tập đoàn xa xỉ, nhà mốt Rick Owens là cái tên hiếm hoi hoạt động độc lập.
Trong hơn 26 năm sự nghiệp, nhà thiết kế gặt hái được nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải "Thành tựu trọn đời" ở CFDA, "Nhà thiết kế phá vỡ quy tắc" ở Fashion Group International. Tạp chí Time bình luận về sức ảnh hưởng của ông: "Các nhà phê bình Pháp tán dương thiết kế đầy thách thức của Owens. Biên tập viên thời trang liên tục chụp ảnh còn phụ nữ cuồng váy áo của ông như một loại tôn giáo".
Bảo Thư
Post a Comment