Nhạc sĩ Hồng Đăng viết ca khúc "Hoa sữa" cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" năm 1978, khi ông chưa từng biết loài hoa này.

Nhạc sĩ Hồng Đăng ngày 28/10 nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều bản nhạc gắn với thủ đô, nổi tiếng nhất là bài Hoa sữa.

Ông cho biết năm 1987 được đạo diễn Đức Hoàn đặt viết nhạc phim điện ảnh Hà Nội mùa chim làm tổ. Phim gần quay xong, ông vẫn "bí" ý tưởng. Nhà thơ Nguyễn Hương Trâm gợi ý ông viết về hoa sữa - một loài hoa thơm nhưng ít người biết, được trồng nhiều ở Nguyễn Du.

Lê Dung hát 'Hoa sữa'

Lê Dung hát "Hoa sữa" trong phim "Hà Nội mùa chim làm tổ". Video: Youtube thanhfi

Lúc ấy, dù chưa biết hình dáng, hương thơm hoa sữa như thế nào, Hồng Đăng bỗng thấy dạt dào cảm xúc, nhanh chóng hoàn thành bài hát. Ca khúc nói về tình yêu đẹp của một đôi trai gái không thể đến được với nhau, mỗi bên đều trân trọng kỷ niệm về người kia.

Nhạc sĩ so sánh nỗi nhớ của người con gái với những sự vật thiên nhiên lãng mạn, luôn song hành: "Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng. Như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng". Tình cảm của người con trai được miêu tả cụ thể hơn, gắn với ký ức của hai người. "Anh vẫn từng đợi em trên những chặng đường quen, tiếng hát ai xao động, thoáng mùi hoa êm đềm". Nhịp nhạc chậm, ca từ mở ra không gian rộng, tạo cảm giác bâng khuâng, hoang hoải.

Hoa sữa trở đi trở lại trong bài hát, là chứng nhân tình yêu của đôi nam nữ: "Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm. Có lẽ nào anh lại quên em". Bài hát ngắn, chỉ vẻn vẹn chưa đến 10 câu nhưng vương vấn trong lòng người nghe nỗi buồn man mác. Giọng ca Lê Dung trong trẻo, mang đầy hoài niệm, lắng xuống khi hát phần kết với những câu hỏi day dứt: "Có lẽ nào anh lại quên em? Có lẽ nào em lại xa anh?".

Thanh Lam hát 'Hoa sữa'

Thanh Lam hát "Hoa sữa" năm 2015. Video: VTV

Sinh viên, học sinh thời ấy thích ca từ, giai điệu lãng mạn của Hoa sữa, truyền khẩu nhau rồi chép lại trong những cuốn sổ lưu niệm. Năm 1986, ca sĩ Nhã Phương thu âm nhạc phẩm qua băng cassette. Lúc ấy, chị em Bảo Yến - Nhã Phương đang nổi đình đám, Hoa sữa nhờ vậy càng nổi tiếng.

Sau này, nhiều nghệ sĩ phía Bắc như Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương... cũng hát lại Hoa sữa, phổ biến nhất là bản của Thanh Lam. Tác giả nói mỗi ca sĩ thể hiện với một phong cách, lối cảm nhận, mang đến vẻ đẹp riêng. Hồng Nhung biểu diễn trong trẻo, còn giọng hát Thanh Lam nồng nàn, quyến rũ.

Sau khi bài hát phổ biến, hoa sữa được trồng nhiều hơn ở Hà Nội và nhiều địa phương. Tuy nhiên, ở các con phố thủ đô, mật độ hoa dày nên mùi hương ngào ngạt, khiến những ai sống ở gần khó chịu.

Nhạc sĩ kể vui mỗi độ thu về, nhiều người lại gọi điện cho ông, nói: "Tội của bác lớn lắm, vì bác mà người ta trồng hoa sữa chật kín đường". Trên Facebook, nhiều người cũng trích dẫn bài hát để than vãn vì mùi hoa quá nồng, ngột ngạt. Nhạc sĩ Hồng Đăng coi đó là câu chuyện vui trong nghề. Với ông, điều quan trọng là tác phẩm được đón nhận, sống mãi trong lòng khán giả.

Hà Thu

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top