Bộ đôi Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss không giúp “The Matrix: Resurrections” thoát khỏi sự "ghẻ lạnh" của giới phê bình và khán giả.

* Bài tiết lộ nội dung phim

Chuyện phim lấy bối cảnh 60 năm sau những sự kiện ở phần trước. Máy móc vẫn đang nắm quyền cai trị xã hội, kiểm soát tâm trí con người bằng cách nhốt họ vào thế giới ảo được vi tính lập trình. Các thành viên tự do đột nhập vào Ma Trận, giải phóng tù nhân bằng cách giúp họ phân biệt hai thế giới thật - giả. Trong số đó, Neo (Keanu Reeves) được cho là nhân vật đặc biệt, sinh ra để cứu loài người vì có khả năng phá vỡ các quy tắc Ma Trận. Tuy nhiên, anh vẫn đang kẹt trong thế giới ảo với tư cách là nhà lập trình game tên Thomas A. Anderson, không còn nhớ gì về quá khứ.

Trailer Ma trận 4 (The Matrix) trailer cuối

Trailer "The Matrix: Resurrections". Phim chiếu trên HBO Max từ ngày 22/12. Video: Youtube Warner Bros. Pictures

Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Ma trận sau 18 năm kể từ The Matrix Revolutions (2003), lần đầu tiên Lana Wachowski đạo diễn không có em gái Lilly Wachowski giúp sức. Kịch bản do cô viết cùng David Mitchell và Aleksandar Hemon, được xây dựng như một câu chuyện độc lập nhưng có những chi tiết liên kết cả loạt phim. Cốt truyện nửa đầu có hơi hướng giống The Matrix (1999) khi Neo đang bị kẹt trong Ma Trận. Sau đó, một nhân vật tên Morpheus (Yahya Abdul-Mateen II) xuất hiện, yêu cầu anh lựa chọn giữa hai viên thuốc: một xanh, một đỏ. Nếu uống viên xanh, Neo tiếp tục sống trong thế giới ảo trong khi viên đỏ giúp anh tìm hiểu sự thật về Ma Trận.

Êkip sáng tạo bằng cách thêm một số nhân vật mới. Chẳng hạn, cô gái tóc xanh Bugs (Jessica Henwick) vốn là người hâm mộ tham gia nhóm giải cứu Neo, còn Nhà phân tích (Neil Patrick Harris) lại là kẻ đội lốt bác sĩ tâm lý của Neo để giữ chân anh ở Ma Trận. Kịch bản cũng có nhiều thay đổi như việc Trinity (Carrie-Anne Moss) còn sống, thường xuyên gặp Neo trong thế giới ảo nhưng không nhớ về anh. Mặc dù 60 năm trôi qua, bộ đôi chỉ già hơn 20 tuổi vì sự điều khiển của máy móc. Hai nhân vật quan trọng là điệp vụ Smith và Morpheus không còn do Hugo Weaving và Laurence Fishburne đóng mà thay bằng diễn viên mới.

Phần kịch bản của phim nhận nhiều lời chê. Nhà phê bình Johnny Oleksinski của tờ New York Post chấm 1/5 sao, nhận xét tác phẩm là phần hậu truyện dở nhất từng được thực hiện, câu chuyện tẻ nhạt và dài dòng, nhiều nhân vật hành động ngớ ngẩn. Cây viết Kevin Maher của The Times cho rằng không có lý do gì để phim tồn tại, đánh giá lối kể chuyện non nớt, mắc nhiều lỗi. Tờ The Guardian ví tác phẩm như viên thuốc đắng dành cho người hâm mộ, ra đời chỉ để kiếm thêm tiền cho hãng phim.

Cách đạo diễn xây dựng và dẫn dắt câu chuyện khá rối. Trong một tiếng đầu, khán giả chưa xem ba phần trước khó thể hình dung chuyện gì đang diễn ra. Một số cảnh phim (footage) cũ từ các phần trước được sử dụng, nhưng cũng có phân đoạn được dựng lại gần giống phần đầu nhằm khơi gợi ký ức người hâm mộ. Điển hình là cảnh Neo đấu tay đôi với Morpheus trong căn phòng có thiết kế kiểu Nhật, hay cảnh Neo né viên đạn bay chậm.

Phần hành động và kỹ xảo ở mức tốt nhưng không vượt qua được cái bóng của các phần trước. Năm 1999, The Matrix từng giành bốn giải Oscar 2000 cho hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm. Tác phẩm được đánh giá cao nhờ tiên phong trong hiệu ứng "đạn thời gian" (bullet time) và kỹ thuật quay chậm (slow-motion) 360 độ. Bước sang năm nay, Lana Wachowski chỉ lặp lại chính mình thay vì sáng tạo thêm hiệu ứng mới. Khi công nghệ ngày càng tối tân, các cảnh quay kinh điển của Ma trận trở nên lỗi thời và không hấp dẫn như xưa.

Điểm sáng của phim là sự trở lại của hai ngôi sao Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss. Ở tuổi U60, bộ đôi không còn trẻ trung nhưng mang lại nhiều cảm xúc khi đứng chung khung hình. Trả lời tạp chí Empire, các diễn viên cho biết rất hạnh phúc khi được trở lại dự án, phải trải qua quá trình rèn luyện võ thuật vài tháng trước khi phim bấm máy. Cả hai đều xem lại các phần trước để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho vai diễn.

Tạo hình Keanu Reeves trong vai Neo. Ảnh: Warner Bros. Pictures

Tạo hình Keanu Reeves trong vai Neo. Ảnh: Warner Bros. Pictures

Tài tử Keanu Reeves tiếp tục duy trì phong độ hành động, thể hiện tốt các cảnh nhào lộn, đánh đấm. Tuy nhiên, tạo hình Neo lại có phần giống nhân vật John Wick trong series cùng tên, với mái tóc để dài và gương mặt nhiều tâm trạng. Trong khi đó, Carrie-Anne Moss vẫn giữ hình thể tốt, thể hiện được nội tâm nhân vật qua từng ánh mắt, cử chỉ. Ở cuối phim, nữ diễn viên mạnh dạn thể hiện các cảnh hành động dù đã lâu không đóng phim điện ảnh kể từ The Bye Bye Man (2017).

Khi phim kết thúc, một số chi tiết còn bỏ ngỏ làm bàn đạp để phát triển phần sau. Hiện đạo diễn Lana Wachowski chưa tiết lộ bất kỳ thông tin gì về Ma trận 5. Ann Sarnoff - chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Warner Media - cho biết hãng sẵn sàng "bật đèn xanh" khi Wachowski đồng ý làm phần tiếp theo. Theo đánh giá của trang Decider, kết quả còn phụ thuộc thành tích tại rạp có tốt hay không, giống trường hợp của đạo diễn Denis Villeneuve với Dune.

Phim bị khán giả lẫn giới phê bình quay lưng. Khi ra mắt toàn cầu ngày 22/12, tác phẩm chỉ thu về 22,8 triệu USD phòng vé, thua cả "bom xịt" Snake Eyes (hơn 40 triệu USD). Tác phẩm nhận tổng điểm đánh giá thấp nhất trong loạt phim, với 6,3/10 điểm trên Rotten Tomatoes, 64/100 điểm trên Metacritic và 5,9/10 điểm trên IMDb. Phần lớn bình luận chê bai kịch bản, lối kể của đạo diễn, cho rằng thời lượng dài (148 phút), diễn xuất của bộ đôi Keanu Reeves và Carrie-Anne Moss không thể cứu phim.

Sơn Phước

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top