Tập "Thật, giả Mỹ Hầu Vương" vẫn khiến khán giả thắc mắc về cách đạo diễn dựng cảnh Tôn Ngộ Không, sau 23 năm phim ra mắt.

Theo Sohu, Thật, giả Mỹ Hầu VươngTây du ký phần hai đặc sắc về nội dung. Đến nay, nhiều khán giả vẫn thường đăng các trích đoạn trên Weibo, thách đố nhau tìm đâu là Ngộ Không do Lục Tiểu Linh Đồng đóng.

Trên trang cá nhân, nhà quay phim Vương Sùng Thu cũng tiết lộ ông thường nhận được tin nhắn của fan, hỏi làm thế nào quay hai Ngộ Không cùng lúc trong bối cảnh công nghệ chưa phát triển.

Hậu trường quay Tôn Ngộ Không thật, giả trong 'Tây du ký'

Hai Tôn Ngộ Không đánh nhau trong "Tây du ký" phần hai. Video: CCTV

Vương Sùng Thu nói ở phần một Tây Du Ký (khởi quay năm 1982), đạo diễn Dương Khiết gác lại ý định thực hiện Thật, giả Mỹ Hầu Vương vì điều kiện ghi hình lúc ấy thô sơ, nguy hiểm cho diễn viên. Đồng thời, nữ đạo diễn không dám mạo hiểm làm hỏng câu chuyện trong nguyên tác.

Hậu trường quay Tôn Ngộ Không thật, giả trong 'Tây du ký'

Hậu trường "Tây du ký" phần hai. Video: Bilibili

Về hiệu ứng hình ảnh, Sùng Thu cho rằng đạo diễn đúng khi để dành tập phim cho phần hai, quay năm 1998-1999, ra mắt năm 2000. Cả hai phần đều do Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không. 16 tập phần hai bổ sung nội dung cho Tây du ký quay năm 1982, các cảnh hành động được thiết kế công phu, sinh động hơn.

Thật, giả Mỹ Hầu Vương xoay quanh chuyện Đường Tăng hiểu lầm Tôn Ngộ Không giết người vô cớ, đuổi đồ đệ. Yêu quái giả làm Tôn Ngộ Không để tiếp cận Đường Tăng. Theo Vương Sùng Thu, so với những tập khác, tập này khó thực hiện hơn vì có nhiều đoạn cần kỹ xảo, như cảnh hai Mỹ Hầu Vương đánh nhau từ trong động Hoa Quả Sơn ra ngoài động, tiếp tục bay lên trời đấu đá tại nơi ở của Quan Âm.

Êkíp khi quay Thật, giả Mỹ Hầu Vương. Ảnh: Wang Chongqiu

Êkíp khi quay "Thật, giả Mỹ Hầu Vương". Ảnh: Wang Chongqiu

Phần ngoại cảnh được ghi hình ở núi Chaya tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hồ Bảo Phong ở tỉnh Hồ Nam, trấn cổ Lan Đình ở tỉnh Chiết Giang. Các cảnh quay trong nhà thì thực hiện ở phim trường tại Bắc Kinh.

Dương Khiết mời gánh xiếc giỏi nhất Trung Quốc bấy giờ hỗ trợ các cảnh võ thuật. Trình độ của đoàn xiếc cao, vì thế những ý tưởng đạo diễn nghĩ khó có thể thực hiện sau cùng đều được đoàn xiếc hoàn thành.

Chẳng hạn đoạn hai Mỹ Hầu Vương giao chiến, đoàn xiếc thuê chiếc xe cần cẩu lớn để dựng một giàn giáo cao. Sau đó, êkíp dùng dây cáp móc vào người diễn viên, để họ diễn cảnh tỉ thí từ thấp lên cao, nhào lộn trong không trung. Trước khi quay, đoàn phim lo ngại vấn đề an toàn nhưng đội xiếc quả quyết họ không để xảy ra sơ suất.

Để kịp tiến độ, êkíp chia hai tổ thực hiện tập phim, gồm tổ văn (nhiều thoại) và tổ võ (chủ yếu quay hành động). Hai người đóng Tôn Ngộ Không ở mỗi tổ, tổng cộng bốn người hóa trang Tôn Ngộ Không ở tập này.

Tây du ký bấm máy hồi tháng 7/1982, sau đó được phát thử tập Trừ yêu ở nước Ô Kê vào tháng 10 cùng năm. Từ năm 1986, phim được phát trọn vẹn trên truyền hình, gây tiếng vang tại nhiều quốc gia châu Á. Theo Xinhua, tác phẩm có sức sống lâu bền, luôn được phát lại mỗi dịp hè hàng chục năm qua. Dù kỹ xảo thô sơ, tác phẩm đặc sắc nhờ nội dung, diễn xuất của dàn nghệ sĩ. Đến nay, nhiều khán giả cho biết vẫn nổi da gà khi nghe giai điệu của bộ phim.

Năm 2000, Tây du ký phần hai, cũng do êkíp của Dương Khiết thực hiện, phát sóng. Theo Sina, phim cũng gây được tiếng vang nhờ nội dung, yếu tố hài hước, diễn xuất của dàn nghệ sĩ. Tuy nhiên so với phần một, tác phẩm bị cho thiếu đột phá.

Nghinh Xuân

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top