Ở tuổi 85, giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói hạnh phúc vì vẫn làm việc, viết sách về trải nghiệm của bản thân để chia sẻ với thế hệ trẻ.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng vừa ra mắt quyển sách Giá trị đích thực của tuổi trẻ - đúc kết những câu chuyện về cuộc đời dạy học của ông và những mẩu chuyện kể trải nghiệm khi tiếp xúc, làm việc với người trẻ.
Sách gồm năm phần: Tuổi Trẻ, Những phẩm chất quyết định nên giá trị của tuổi trẻ, Không thể thiếu sức khỏe, Những tấm gương tuổi trẻ vượt lên số phận và thành công giữa đời thường và Những tấm gương vượt khó nổi tiếng trên thế giới.
Dịp này, ông trò chuyện về công việc.
- Từ nguồn cảm hứng nào ông viết cuốn "Giá trị đích thực của tuổi trẻ"?
- Từ cuộc sống của mình và quan sát về các bạn trẻ hiện nay mà viết ra những lời từ tâm huyết của mình, như các chủ đề: Không thể thiếu tình bạn, Hạnh phúc là gì, Sức khỏe quý hơn vàng, Nghèo là do mình, Dốt là do mình, nhưng thành tựu cũng là do mình.
Những phẩm chất quý giá ấy không tự nhiên mà có. Phải rèn luyện từ khi còn trẻ. Tuổi trẻ là lúc hình thành các phẩm chất tốt đẹp nên tôi viết cuốn sách với mong muốn khơi gợi những điều đó.
Trong cuộc sống tôi đã gặp những người nghèo vì lười nhác, dốt vì thiếu lý tưởng, nhưng tôi cũng gặp không ít các bạn trẻ - những sinh viên yêu quý của tôi - dù xuất thân trong những hoàn cảnh khó khăn, đã phấn đấu trở thành phó giáo sư, giáo sư - những đồng nghiệp hiện nay của tôi.
Trong cuốn sách này, tôi muốn kể lại cho các bạn trẻ nghe những chuyện có thực: Đó là Xuân Phương, cậu học trò người Huế của tôi, từ nghèo khổ mà phấn đấu dần để thành tỷ phú ở TP HCM, Trịnh Xuân Mười, đứa con thứ mười của một gia đình bần nông ở Nghệ An nay thành công với nghề trồng bơ ở Đăk Lăk - người đã cùng tôi sang tận Australia để lấy được giống bơ mới về cho Tây Nguyên, Phạm Thành - chàng thanh niên dũng cảm cụt cả hai chân mà tôi đã góp sức điều trị chống trực khuẩn mủ xanh trong chiến dịch đường Chín Nam Lào nay có cuộc sống hạnh phúc ở Cẩm Phả.
- Ngoài trao đổi kinh nghiệm về tích lũy kiến thức, ông còn thấy điều gì quan trọng với tuổi trẻ?
- Có hối hả đến mấy cũng phải có sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần. Tôi thân mật khuyên các bạn trẻ hãy luôn mỉm cười khi tương tác với người khác. Hãy đắm chìm và sử dụng các hoạt động thể chất để giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Và hãy nhớ câu của nhà văn Lỗ Tấn: "Thật ra trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi".
- Ông đi dạy năm 1956, khi mới 18 tuổi - vừa tốt nghiệp đại học. Qua nhiều thế hệ học trò, từ thời chiến tranh đến nay, trải nghiệm ấy để lại trong ông cảm xúc, suy ngẫm gì?
- Tôi rất vui khi được sống với nghề giáo và làm việc qua các khóa sinh viên. Thế hệ các bạn ấy khác với thế hệ chúng tôi, ít gian khổ, ít khó khăn hơn nên có thể sống hạnh phúc hơn. Từ lúc bắt đầu lên lớp khi mới 18 tuổi nay đã 85 tuổi, tôi may vẫn còn sức khỏe, vẫn còn làm việc được và năm nào cũng có một, hai đầu sách được xuất bản.
Hiện tôi ở trong Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ViệN và làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường. Giáo dục là lĩnh vực tôi rất quan tâm và cũng có trách nhiệm theo dõi. Tôi nhớ lại hồi còn trẻ được học tại Khu học xá trung ương. Chúng tôi cùng các bạn như Hồ Ngọc Đại, Ma Văn Kháng được học một thế hệ các ông thầy thật quý giá. Đó là các Thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Trần Văn Khang, Dương Trọng Bái, Trần Văn Giáp.
Hồi đó làm gì có chương trình, cũng chả có sách giáo khoa. Tại sao chúng tôi nhớ những kiến thức đã học đến tận bây giờ, kể cả cách tính lượng giác? Theo tôi, quyết định đầu tiên cho chất lượng giáo dục chính là chất lượng bài giảng của các thầy cô.
- Vậy ông có trăn trở gì để góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường?
- Tôi đã biên soạn hai cuốn sách: Một là cuốn Bài giảng Sinh học - đúng chương trình phổ thông nhưng cao hơn, sâu hơn, với mong muốn các thầy cô giáo ở bậc trung học dễ dàng nâng cao chất lượng bài giảng của mình. Cuốn thứ hai là cuốn Từ vựng tiếng Anh tối thiểu. Tôi có cảm tưởng việc dạy ngoại ngữ cho học sinh của chúng ta hiện vẫn chưa thành công, quá nặng về ngữ pháp để thi, cho nên mãi nhiều bạn vẫn không nói được, không đọc được. Tôi vì yêu cầu phải đi thực tập khoa học ở nhiều nước nên đã tự học tới bốn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung). Kinh nghiệm của tôi là chọn ra khoảng 1.500 từ tối thiểu, mỗi từ học lấy 5-10 ví dụ, học đến đâu nói được đến đấy.
- Ông kế thừa điều gì từ bố - cụ Nguyễn Lân - khi bước chân vào nghề dạy học?
- Bố tôi từng đỗ đầu trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, từng in cuốn Cậu bé nhà quê - được xem là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, cùng năm với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Bố tôi xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở một vùng bạc điền ở Hưng Yên, là tấm gương về nhiều mặt cho tám anh chị em chúng tôi. Những học trò của bố tôi như các ông Tố Hữu, Cù Huy Cận, Trần Hoàn rất yêu quý thầy giáo cũ.
Tôi học được nhiều điều ở ông, ví dụ chuyện kết bạn. Bố tôi có bút danh khi viết tiểu thuyết là Từ Ngọc (hai quê Từ Sơn và Ngọc Lập). Bố có người bạn thân chỉ làm công việc hành chính, nhưng thân nhau đến tận cuối đời. Bác ấy họ Từ, có tới 12 người con thành đạt và tất cả các anh chị ấy đều bắt đầu tên bằng hai chữ Từ Ngọc (như các Giáo sư Từ Ngọc Tỉnh, Từ Ngọc Đỉnh làm việc ở Mỹ). Tình bạn của bố giúp tôi hiểu giá trị câu danh ngôn của tổng thống Mỹ G. Washington: "Tình bạn chân chính là một loại cây mọc chậm. Nó phải trải qua và chịu đựng tác động của nghịch cảnh thì mới xứng đáng với danh nghĩa là tình bạn".
Vợ chồng tôi noi gương bố mẹ để tiếp tục làm gương cho hai con và bốn cháu nội ngoại. Việc giáo dục con cháu, chúng tôi nghĩ trước hết là cần sống tử tế và luôn cố gắng làm những việc có đóng góp cụ thể cho xã hội, kể cả khi bản thân tuổi đã cao.
Tuấn Anh thực hiện
Post a Comment