TP HCMNhạc sĩ Vũ Xuân Hùng - tác giả loạt hit nhạc ngoại lời Việt "Anh thì không", "Búp bê không tình yêu" - qua đời ở tuổi 79.
Bà Xuân Hòa - vợ nhạc sĩ - cho biết ông mất tối 1/5 sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5). Những năm cuối đời, ông chịu nhiều chứng bệnh như suy tim, suy hô hấp, đi lại khó khăn. "Anh ra đi thanh thản vì mọi dự định đã hoàn tất", bà nói.
Ca sĩ Quang Thành cho biết vài ngày trước, khi hay tin bệnh tình ông trầm trọng, anh và nhiều nghệ sĩ cùng cầu nguyện, mong phép màu xảy ra. Với anh, Vũ Xuân Hùng là một trong những nhạc sĩ viết lời Việt cho nhạc ngoại hay nhất, gia tài hơn 100 ca khúc. "Ông góp phần làm phong phú thêm cho đời sống nhạc Việt thập niên 1970, giúp nhiều thế hệ ca sĩ tạo dấu ấn trong lòng công chúng", Quang Thành nói.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng sáng tác hơn 50 năm, bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1970. Ông từng dạy ngoại ngữ và triết học tại nhiều trường ở Sài Gòn. Ngoài tiếng Anh, ông biết tiếng Pháp, Đức, Italy nên thuận lợi trong việc chuyển ngữ lời Việt các bản nhạc nước ngoài. Không tham gia ban nhạc nào của Sài Gòn, ông tự học nhạc, biết chơi guitar, piano.
Năm 1972, khi làm việc ở một tờ báo chuyên về nghệ thuật điện ảnh và âm nhạc, ông lập bàn tròn nghệ sĩ, quy tụ một số ban nhạc để thảo luận về nghệ thuật, khởi động những chương trình nhạc trẻ ở trường La San Taberd (nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa), sân vận động Hoa Lư. Thời đó, những ban nhạc trẻ của Sài Gòn đa số lấy tên nước ngoài, các bài hát được trình diễn cũng là tiếng nước ngoài. "Tôi chợt nghĩ tại sao không chuyển ngữ các bản nhạc nước ngoài sang lời Việt, để đông đảo công chúng hiểu được nội dung trong các bài nhạc ngoại rất hay thời đó. Tôi bèn bắt tay vào làm", ông từng nói.
Cùng nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, ông nỗ lực thổi hồn Việt vào các nhạc phẩm ngoại để kích thích sáng tạo những ca khúc thuần Việt. Nhiều bản nhạc Pháp lời Việt của ông trở thành hit, như Búp bê không tình yêu (Poupee De Cire Poupee De Son), Anh thì không (Toi jamais), Biệt khúc (Je Suis Parti), Dòng sông tuổi nhỏ (La-maritza). Một số tác phẩm trở nên kinh điển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp nhiều ca sĩ, như Thanh Lan, Ngọc Lan, Ý Lan, Duy Quang, Lê Uyên.
Sau nhiều năm định cư tại Mỹ, năm 1997, nhạc sĩ cùng Xuân Hòa về nước, thành lập phòng trà Tiếng Xưa. Ngoài việc biên tập và tổ chức các đêm nhạc, ông còn dựng các vở nhạc kịch dựa theo các bài hát nổi tiếng, như Hòn vọng phu, Trầu cau, Cung đàn xưa, Tiếng đàn tôi, Tiếng sáo thiên thai, Mối tình Trương Chi, Lan và Điệp.
Mai Nhật
Post a Comment