Nghệ sĩ Trần Đức - đóng vai phản diện trong "Biệt dược đen", "Chạy án" - tập thể dục, khiêu vũ cùng vợ mỗi ngày, miệt mài đóng phim ở tuổi 70.

Gặp Trần Đức, nhiều người đều ngỡ ngàng hỏi: "Sao anh ngoài đời hiền lành vậy, khác hẳn vẻ bặm trợn trên phim". Những lúc ấy, ông chỉ cười trừ. Khi đã bước vào ngưỡng thất thập, nghệ sĩ vẫn giữ nét lịch thiệp, hào hoa của "trai phố cổ" Hà Nội, nụ cười tươi, cách nói chuyện điềm đạm.

Về hưu 10 năm nay nhưng Trần Đức chưa bao giờ dừng lại. Ông mới quay xong vai diễn trong phim Em là nắng, anh là bầu trời. Nghệ sĩ cũng nhận lời làm cố vấn ngành sân khấu điện ảnh, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nơi ông từng giữ chức trưởng khoa. Có người bạn hỏi: "Lương thấp vậy anh làm làm gì?", ông đáp: "Giảng dạy là tâm huyết của tôi".

Nghệ sĩ Trần Đức bên vợ - giảng viên Tuyết Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Trần Đức bên vợ - giảng viên Tuyết Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuổi xế chiều, ông có cuộc sống bình yên bên vợ, giảng viên âm nhạc Tuyết Mai. Hai người con, trong đó con cả là diễn viên sân khấu Trần Hoàng, đều trưởng thành, sống riêng. Hai ông bà vì thế giống như "vợ chồng son". Hàng ngày, ông đưa bà đi ăn sáng, uống cà phê, khiêu vũ, tập thể dục. Buổi tối, hai người cùng nhau xem phim, trò chuyện.

Ông tự nhận là người sống cảm tính, không nghiêm cẩn, được bà xã uốn nắn nhiều từ phong cách đến lối cư xử, cách lên kế hoạch công việc. Bà giúp ông bỏ thuốc lá, nhậu nhẹt, sống có ý thức, kỷ luật hơn.

Bà thường xem phim chồng đóng, góp ý thẳng thắn. Có lần, bà nói: "Anh phải tiết chế lại, anh làm quá lên, khán giả lại bảo anh diễn đậm chất kịch hơn phim". Ông tiếp thu nhưng tặc lưỡi: "Lúc làm, ai mà tính hết được". Bà cũng là người động viên ông làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Chân dung nghệ sĩ Trần Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chân dung nghệ sĩ Trần Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Đức đến với nghề tình cờ rồi gắn bó suốt nửa thế kỷ. 20 tuổi, có giọng hát hay, ông được nghệ sĩ Quốc Hương chú ý, hứa hẹn đưa về Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương. Tuy nhiên, nghệ sĩ khuyên ông nên vào Trường âm nhạc học trước, còn Trần Đức lại muốn đi làm ngay. Nghe tin Đoàn Kịch Hà Nội tuyển diễn viên, ông thi thử.

Lên thi, ông hát bài Nổi trống lên rừng núi ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân. Vào các vòng sau, ông được hướng dẫn xây dựng tiểu phẩm rồi đỗ. Thế nhưng, Trần Đức cũng không được đi làm như mong muốn, bởi lãnh đạo lại gửi ông sang Trường Sân khấu Điện ảnh thi và học. Tốt nghiệp, nghệ sĩ trở lại công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội.

Ra trường, ông chủ yếu đóng những vai nhỏ, ít thoại, làm đài trưởng, nhiệm vụ đôn đốc các diễn viên khác trong đoàn. Ngẫm lại, nghệ sĩ nói mình có duyên nghề từ những lần đóng thế đồng nghiệp. Khi mới ra trường, ông theo đoàn đi công tác ở Hải Phòng. Đang làm hậu đài, Trần Đức được gọi diễn thay nghệ sĩ khác vì người này có việc gia đình. Dù chỉ được nói vài câu trong vở Tania, ông vẫn nhớ như in cảm giác sung sướng lần đầu được lên sân khấu.

Năm 1986, vở Tôi và chúng ta của Nhà hát Kịch Hà Nội được săn đón, với ba, bốn suất phục vụ mỗi ngày. Vào buổi diễn quan trọng, nghệ sĩ Trần Vân (vai giám đốc Hoàng) quá sức, mất giọng. Khi đoàn đang rối trí, Trần Đức xin diễn thay. Ông được giao một vai nhỏ, nhưng thích nhân vật Hoàng nên thường nhẩm theo các cảnh. "Hôm ấy, may mắn là buổi diễn trơn tru, khán giả không trả lại vé mà hỉ ha ra về. Còn tôi từ ấy được đồng nghiệp nhìn với một ánh mắt khác", nghệ sĩ hồi tưởng.

Trần Đức đóng 'Sống chung với mẹ chồng'

Trần Đức đóng ông bố trong "Sống chung với mẹ chồng". Video: VFC

Thời bao cấp và những năm đầu Đổi mới, đồng lương ít ỏi, ông học thêm nghề cắt kính, tráng gương. Một lần, trong lúc chạy xe máy và mang theo đồ nghề từ Bắc Ninh về Hà Nội, ông đi ngang qua Nhà hát Lớn, thấy băng rôn quảng cáo Đoàn kịch Hà Nội diễn buổi tối, có tên Trần Đức. Nghệ sĩ vội rẽ vào, cất máy khoan, máy đục sang một bên rồi hóa trang, người vẫn đầy mồ hôi. "Chúng tôi đã sống một thời như thế. Có đói nghèo, vất vả, nhưng tất cả vẫn sống, vẫn làm nghề và vẫn thành công", nghệ sĩ nói.

50 năm dành trọn tình yêu cho sân khấu, ông chủ yếu đóng các vai chính diện. Các nhân vật của ông mang nhiều trăn trở, suy tư, chông chênh giữa xã hội thời hậu chiến. Đó là Tám Tính, chiến sĩ biệt động miền Nam trong vở Ăn mày dĩ vãng. Anh có tình yêu đẹp với một cô giao liên nhưng thất lạc nhau. Sau này, Tám Tính trở thành phế binh, sống cuộc đời dân dã và luôn nhớ về tình cũ. Đó Thuận, vị giáo sư có cuộc sống không hạnh phúc, vở Thiên nga. Thuận thành công trong sự nghiệp nhưng cô đơn trong chính gia đình mình.

Năm 2006, Trần Đức để đầu cua, chạy xe phân khối lớn. Các đạo diễn thấy tướng tá ông có nét dữ tợn nên chọn vào hàng loạt vai phản diện trong các phim Chạy án, Đầm lầy bạc, Giọt nước rơi, Tình yêu và tham vọng. Đến năm 2017, ông mới quay lại đóng vai tử tế - là nhân vật bố chồng Vân trong phim Sống chung với mẹ chồng.

Khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Trần Đức đúc kết: "Tôi muốn nhắn gửi lớp trẻ. Hãy cứ yêu nghề, cống hiến bằng trái tim chân thành, vô tư, rồi quả ngọt sẽ kết trái".

Trần Đức trong phim 'Biệt dược đen'

Trần Đức đóng "ông trùm" thuốc cấm trong "Biệt dược đen". Video: VTV

Hà Thu

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top