Nhạc hiệu ga tàu metro tại nhiều nước có thể kể câu chuyện lịch sử, văn hóa, phong cách sống, thu hút hành khách.

Theo Straits Times, những giai điệu tại một số ga metro được xem như "linh hồn đất nước" vì gắn liền sự kiện lịch sử hoặc phù hợp với đặc điểm khu vực đặt trạm. Trong bài viết năm 2023, cây bút Raul Dancel cho rằng việc lắng nghe các âm thanh như tiếng chuông leng keng mỗi khi cửa đóng, mở hay lúc tàu sắp di chuyển là cách giúp hành khách hiểu hơn về quốc gia đó. Các bản nhạc hiệu cũng có vai trò giảm thiểu căng thẳng cho mọi người, hay đơn giản là phô diễn "sức mạnh thương hiệu".

Ở Montreal, Canada, âm báo đóng cửa tàu hiện nay mô phỏng tiếng động cơ của các chuyến tàu đầu tiên vào năm 1966. Khi đó, tiếng đoàn tàu phát ra mỗi lần rời bến vô tình giống ba nốt nhạc đầu trong bản Fanfare For The Common Man (1942) của nhạc sĩ Mỹ Aaron Copland. Năm 2005, cơ quan quản lý giao thông quyết định tái hiện tiếng động này cho hệ thống metro vì đây là âm thanh được hành khách yêu thích nhất.

Ga metro dưới lòng đất của Montreal phục vụ hơn một triệu hành khách hàng ngày. Ảnh: Tunnel Time

Ga metro dưới lòng đất của Montreal phục vụ hơn một triệu hành khách hàng ngày. Ảnh: Tunnel Time

Tại Hàn Quốc vào tháng 1/2023, ban quản lý ga tàu điện Seoul Metro thay ca khúc Eolssiguya (Thật tuyệt vời) tại các trạm chuyển tuyến sau 14 năm thành khúc Pungneyon (Năm được mùa), nhằm "tách biệt sự u ám thời Covid-19 với tương lai xán lạn phía trước".

Cả hai bài hát đều mang âm hưởng nhạc truyền thống Hàn Quốc, có giai điệu tươi vui nhưng nhịp điệu của Pungnyeon nhanh hơn. Theo KBS, bài ca này thắng bình chọn nhạc báo chuyển tàu được yêu thích nhất thông qua cuộc bỏ phiếu toàn dân. Trước năm 2010, mỗi trạm dừng của Seoul Metro dùng nhạc khác nhau nhưng có điểm chung là nhạc cổ điển.

Nhạc hiệu tại Seoul Metro trước và sau

Nhạc hiệu tại Seoul Metro trước và sau. Video: YouTube 4K Korea

Ở Nhật Bản, hầu hết âm báo được gọi chung là Hassha merodii (Giai điệu khởi hành) do nhạc sĩ Mukaiya Minoru, hiện 68 tuổi, sáng tác. Ông từng chơi cho ban nhạc jazz Casiopea trong những năm 1980. Đến nay, ông thực hiện khoảng 200 sản phẩm cho hơn 110 nhà ga.

Trẻ em Nhật Bản trang trí tàu metro bằng chuông gió dịp hè năm 2022. Ảnh: PR Times

Trẻ em Nhật Bản trang trí tàu metro bằng chuông gió dịp hè năm 2022. Ảnh: PR Times

Trong cuộc phỏng vấn với The Great Big Story năm 2018, ông Minoru cho biết điều quan trọng khi soạn nhạc là phải đảm bảo dễ nghe, chẳng hạn nếu giai điệu quá cao sẽ khiến hành khách khó chịu. Trước khi bắt đầu sáng tác, nhạc sĩ thường đến từng nhà ga để quan sát cách tàu di chuyển để tìm cảm hứng. "Tôi sẽ ghi nhớ cách đoàn tàu tiến vào bến, cách phương tiện uốn lượn để tạo ra nhịp điệu phù hợp", Mukaiya Minoru bổ sung.

Ngoài ra, nhạc sĩ cho rằng sẽ thật phí nếu người đi tàu bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nhạc hiệu, hoặc xem chúng như tiếng ồn xung quanh. "Đây chỉ là lời mời của một quốc gia mong bạn dành vài giây lắng nghe câu chuyện về những gì âm thanh này đại diện", ông nói thêm.

Nhạc hiệu tàu tại Nhật Bản

Nhạc hiệu metro Nhật Bản. Video: YouTube Fun Video

Theo Straits Times, những điệu nhạc này có khả năng giảm thiểu tình trạng hỗn loạn thường xảy ra tại các trạm vào giờ cao điểm. Độ dài của nhạc tương đương lượng thời gian tàu dừng, nhờ đó hành khách biết còn bao nhiêu thời gian cửa sẽ đóng. Phần lớn mỗi bài dài khoảng bảy giây nhưng có thể lên đến 30 giây tùy vào lượng người ở ga. Trạm Etchujima ở Tokyo nổi tiếng vì âm báo chỉ có một nhịp do số người đi tàu rất thấp.

Một số nhà ga khác tại Nhật lại dùng giai điệu liên quan các địa điểm tham quan gần đó để thu hút chú ý. Điểm dừng Maihama ở tỉnh Chiba phát những bài hát của hãng Disney vì đây là trạm dẫn đến Tokyo Disney Resort.

Nhạc hiệu ga Maihama, Nhật Bản

Hai ca khúc "it's a small world" và "Zip-A-Dee-Doo-Dah" - thường được phát trong Disneyland - vang lên tại ga Maihama. Video: YouTube WDW News Today

Ở Singapore, hiện tất cả tàu metro thuộc hệ thống đường sắt SMRT dùng nhạc hiệu mang âm hưởng dân gian do công ty The Teng Company sản xuất. Trên LinkedIn năm 2023, tiến sĩ Samuel Wong - giám đốc sáng tạo của The Teng Company - cho biết độ dài ngắn của giai điệu lấy cảm hứng từ các âm báo metro tại Nhật Bản nhưng âm thanh hoàn toàn dựa trên ba bài hát: San Lun Che (Xe đạp ba bánh), dân ca Malaysia Chan Mali Chan và ca khúc tiếng Tamil Singai Naadu (Singapore, đất nước tôi).

Nhạc tàu metro Singapore

Nhạc tàu metro mới ở Singapore. Video: TikTok adiel_rusyaidi

Trên Time Out tháng 4/2024, ông Wong cho biết chọn nhạc dân gian vì đây là thể loại có sức sống bền bỉ. Ông giải thích: "Chan Mali Chan tồn tại trước khi tôi được sinh ra và bản nhạc này tiếp tục sống sau khi tôi qua đời. Để tạo ra thứ gì đó mang tính lâu dài, chúng tôi cần chất liệu vượt qua thách thức của thời gian và trong trường hợp này, những bài hát truyền thống đã làm được điều đó. Chúng ta có thể xem nhẹ chúng, cho rằng nhạc này chỉ dành cho trẻ con nhưng ở mỗi thế hệ, mọi người đều hát các ca khúc này".

Đơn vị giới thiệu nhạc hiệu mới như sáng kiến thí điểm trong ba tháng, từ tháng 10/2023. Nhà điều hành ga quyết định duy trì và mở rộng dự án cho tất cả tuyến vào tháng 2/2024. Theo Straits Times, chuông báo mới thu hút nhiều chú ý khi ra mắt, được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng như TikTok.

Phương Thảo (theo The Straits Times)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top