London Symphony Orchesta - một trong năm dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất thế giới đến Việt Nam biểu diễn vào ngày 4/3, tại Hà Nội. Nhạc sĩ Quốc Trung là đạo diễn của chương trình.
- Màn trình diễn của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới sẽ diễn ra trên đường phố, thay vì sân khấu hoành tráng như thường thấy. Anh có thể chia sẻ lý do?
- Đây là chương trình tiếp nối chuỗi sự kiện "Vietnam Airlines Classic" mà Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức nhiều năm qua.
Chương trình năm nay được tổ chức với tham vọng lớn hơn. Cụ thể, Vietnam Airlines đã hợp tác với UBND TP Hà Nội để đem dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới ra trình diễn ở khu phố đi bộ Hồ Gươm.
Chúng tôi mong muốn có thể tạo điều kiện cho đông đảo công chúng tiếp cận âm nhạc đỉnh cao trên thế giới, thay vì chỉ thu gọn trong không gian kín. Đây cũng sẽ là tiền đề để chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới đại chúng những đỉnh cao nghệ thuật trong các năm tiếp theo.
- Những nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thường có đòi hỏi khắt khe khi được mời về Việt Nam biểu diễn. Anh chuẩn bị gì khi đón tiếp một dàn nhạc lớn?
- Như tất cả nghệ sĩ, ban nhạc hay dàn nhạc đẳng cấp hàng đầu thế giới thì việc đảm bảo tuyệt đối uy tín nghệ thuật của họ luôn được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, chúng tôi phải đáp ứng một cách đầy đủ và tốt nhất những gì họ yêu cầu. Ngay cả điều kiện bất khả kháng là thời tiết, chúng tôi cũng phải chuẩn bị đầy đủ các phương án để buổi diễn của dàn nhạc diễn ra thành công.
- Anh từng cho biết dàn nhạc sẽ vận chuyển gần năm tấn thiết bị sang Việt Nam để tái tạo không gian giống như phòng hòa nhạc giúp khán giả có thể cảm nhận âm nhạc tốt nhất. Việc này gặp những khó khăn gì?
- Mọi điều kiện vận chuyển số nhạc cụ này đều phải đáp ứng và thực hiện một cách cẩn thận hết mức.
Đây là những nhạc cụ có giá trị lớn và cổ điển, đòi hỏi cách thức vận chuyển đặc biệt như xe tải chuyên dụng, đảm bảo về các yếu tố thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm ổn định.
- Dàn nhạc Giao hưởng London sẽ trình diễn bản Quốc ca Việt Nam với một bản phối đặc biệt. Anh có thể chia sẻ đôi chút về tiết mục này?
- Ngay từ đầu, khi làm việc với dàn nhạc, tôi đã đề nghị họ thể hiện bản Quốc ca Việt Nam. Để phù hợp với biên chế của dàn nhạc cũng như tạo nên cảm xúc mới cho khản giả, tôi đã mời nhạc sĩ trẻ Lưu Quang Minh hòa âm lại cho bản nhạc này.
- Thể loại nhạc giao hưởng rất kén người nghe. Anh nghĩ sao nếu bỏ nhiều tâm huyết để dàn dựng một chương trình nhưng lại không thu hút được đông đảo khán giả tới xem?
- Nghệ thuật và âm nhạc không thể so sách và đánh giá chỉ bằng số đông khán giả. Bởi những loại hình nghệ thuật như nhạc cổ điển hay nhạc jazz luôn rất kén chọn người nghe.
Tuy nhiên, việc dàn nhạc biểu diễn ngoài trời tại không gian phố đi bộ và ngày cuối tuần cũng như được truyền hình ra các màn hình lớn sẽ có cơ hội giới thiệu và tiếp cận tới số đông người dân thủ đô. Từ đó, chúng tôi có thêm cơ hội làm quen, tìm hiểu và có thể có thêm những khán giả yêu thích thể loại này.
- Vì sao chương trình không mời thêm những ca sĩ nổi tiếng trong nước để thu hút khán giả hơn?
- Đây là một trong những dàn nhạc danh tiếng nhất thế giới. Vì vậy, để được biểu diễn hay đứng chung với họ sẽ rất khó. Ngoài ra, họ đến đây để giới thiệu cho khán giả Việt Nam những đỉnh cao âm nhạc của nhân loại chứ không phải để có thêm người hâm mộ. Chúng ta cần phải tự biết đánh giá và trân trọng những giá trị đó để tìm đến họ, đến những đỉnh cao âm nhạc của họ chứ không thể dùng cách nào đó để câu khách.
- Thời gian gần đây, anh làm đạo diễn của nhiều chương trình từ nhạc cổ điển, nhạc trẻ đến nhạc điện tử… Anh làm thế nào để mỗi sự kiện lại giữ được chất riêng, không bị nhàm chán?
- Lần này, tôi được dàn nhạc giao hưởng London chỉ định là đơn vị duy nhất đứng ra tổ chức buổi biểu diễn của họ tại Hà Nội. Tôi chỉ làm nhà sản xuất, đạo diễn còn chất riêng là của nghệ sĩ và tôi cố gắng làm tốt nhất để họ có thể thể hiện cá tính âm nhạc của họ.
- Khi nhận những phản ứng tiêu cực, chê bai của khán giả về chương trình do mình đạo diễn, anh phản ứng sao?
- Tôi biết mình làm được gì và chưa làm được gì nên những lời chê cũng không làm tôi bất ngờ. Tôi nghĩ nhà sản xuất hay nghệ sĩ luôn phải đi trước khán giả và tôi cũng vậy. Tôi luôn cố gắng làm tốt và có trách nhiệm cao nhất để chương trình diễn ra tốt nhất với những gì đã dự định, còn yêu ghét hay khen chê là quyền của khán giả.
- Theo anh, một chương trình âm nhạc thành công phải hội tụ những yếu tố nào?
- Đầu tiên, nó phải đạt mục đích đề ra của nhà sản xuất và phải đến đúng đối tượng yêu thích nó. Và quan trọng nhất là phải mang cảm xúc mới mẻ cho khán giả.
Thu Ngân
Post a Comment