Nguyễn Trung Dũng được chọn làm phiên dịch viên cho đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh tại sự kiện điện ảnh lớn thế giới.
Phim Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh tham gia LHP Quốc tế Á Âu - Eurasia 2017 diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) vừa qua. Phim bất ngờ được xướng tên giành giải đặc biệt. Thông tin khiến ekip vỡ òa sung sướng và nhận được nhiều lời chúc mừng từ khán giả quê nhà.
Làm công tác phiên dịch cho đoàn Việt Nam tại sự kiện này là du học sinh Việt 9x. Cậu bạn tên Nguyễn Trung Dũng, sinh viên năm 3 chuyên ngành Quan hệ quốc tế, trường ĐH quốc gia Á - Âu Gumilyov.
Cùng nghe Trung Dũng kể về hậu trường thú vị khi đảm nhận công việc này:
Nguyễn Trung Dũng và diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh. |
Cơ duyên gặp gỡ đạo diễn Hồng Ánh
Dũng cho biết, sau nhiều năm học tập tại Kazakhstan, cậu bạn đang làm thêm công việc lễ tân cho nhà triển lãm Việt Nam tại Expo 2017, tổ chức tại Astana từ 10/6-10/9. Vì cộng tác với các hoạt động văn hoá của Đại sứ quán Việt Nam trong 2 năm gần đây nên khi diễn viên Hồng Ánh qua tham dự LHP, Dũng được Đại sứ quán tin cậy, cử làm phiên dịch viên.
Dũng cho biết ban đầu Hồng Ánh dự định tham gia LHP cùng với êkip gồm các diễn viên, trợ lí, phiên dịch viên từ Việt Nam. Do vấn đề visa bị cấp sai tên, 7 thành viên khác trong đoàn không thể sang tham dự được nên chỉ có Hồng Ánh xuất hiện trên thảm đỏ.
"Mọi việc diễn ra bất ngờ lúc mình trong ca trực tại nhà triển lãm. Cú điện thoại từ người đại diện thông báo cần một người phiên dịch tiếng Anh gấp. Ngay trong buổi chiều hôm đó, mình phải gặp cô để chuẩn bị cho suất chiếu phim chấm thi".
Quá trình làm phiên dịch tại buổi công chiếu phim
Dũng chỉ được gặp và trao đổi với Hồng Ánh về nội dung bộ phim 1 tiếng đồng hồ trước khi bộ phim được chiếu chấm giải. "Trước đó, mình chưa hề biết một thông tin gì về bộ phim cả. Phần dịch thông tin cho bộ phim cũng gồm nhiều từ vựng điện ảnh và văn học nên mình khá run. Cũng may do mình hay đọc review về các bộ phim nước ngoài nên cũng nắm bắt được cách diễn đạt thế nào để hay và nhiều cảm xúc nhất", Dũng cho biết.
Có 2 phần dịch quan trọng nhất là phần giới thiệu trước khi bộ phim được chiếu và phần hỏi - đáp sau khi chiếu phim. "Vì bộ phim của cô Ánh là phim nghệ thuật, phải làm sao để không tiết lộ hết thông điệp một cách trực tiếp mà phải khơi gợi dẫn dắt cho ban giám khảo và khán giả tự cảm nhận và rút ra ý nghĩa của bộ phim", Dũng kể về khó khăn gặp phải.
Dù đây không phải lần đầu Dũng đứng trước đám đông nhưng vì phần giới thiệu rất quan trọng với ban giám khảo nên cậu bạn bị "đơ" chừng 2-3 giây.
Đạo diễn Hồng Ánh và Trung Dũng thống nhất phần giới thiệu trước khi vào rạp. Thế nhưng, lúc vào rạp thì MC đã giới thiệu hết "bài" và gợi ý cho Hồng Ánh nên tạo ra một "ảo ảnh" cho khán giả và ban giám khảo. Đây là một tình huống "ngoài kịch bản" buộc cả Dũng và Hồng Ánh phải xử lý.
Sau khi bộ phim được chiếu, BGK rời phòng và các nhà làm phim, khán giả đặt câu hỏi cho Hồng Ánh. Nhiều lời khen tặng khiến hai cô cháu cảm thấy hạnh phúc. "Dù chỉ mới trao đổi trong tích tắc nhưng mình và cô Ánh làm việc rất ăn khớp trong phần hỏi đáp. Phần hỏi đáp lấn luôn sang giờ chiếu của bộ phim dự thi phía sau và MC phải liên tục ngắt lời", Dũng kể lại.
Được làm phiên dịch viên cho sự kiện điện ảnh lớn là trải nghiệm thú vị của chàng du học sinh 9x. |
Khi tên phim Việt Nam được xướng tên giành giải đặc biệt, Dũng không khỏi bất ngờ và vỡ òa theo. "Giải của phim Việt Nam được công bố cuối cùng. Mấy giải trước toàn thuộc về các nước Trung Á và châu Âu nên hai cô cháu cũng hụt hẫng và chuẩn bị sẵn tâm lí. Lúc BTC đọc đến tên phim bằng tiếng Nga, mình quay sang nhìn cô (cô đang quay video) và nói: 'Phim của mình kìa cô', cô bảo: 'Thật á'. Đúng lúc đó, cái tên Pham Hong Anh vang lên thì hai cô cháu thả điện thoại xuống nhìn nhau, luống cuống đứng dậy để lên sân khấu nhận giải", Dũng kể.
Nguyễn Trung Dũng từng được nhiều bạn trẻ Việt biết đến, đặc biệt là sau bức thư gửi Bộ giáo dục phản ánh về đáp án môn tiếng Anh - kỳ tuyển sinh Đại học 2012. Cậu bạn là cựu học sinh chuyên Anh, THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. Trước khi đi du học, Dũng là sinh viên Đại học Ngoại thương.
Từ khi du học ở Kazakhstan, Trung Dũng là Chủ tịch Mô phỏng Liên Hợp Quốc của trường; Làm chủ toạ cho các hội nghị mô phỏng LHQ ở Ấn Độ, Georgia và Canada; Ban chủ toạ của Harvard World Model United Nations tổ chức tại Montreal, Canada (tháng 3/2017); Thành viên BTC Mô phỏng liên hợp quốc tại trụ sở của LHQ (tháng 8 tới); Top 30 Gender Equality Ambassador của châu Á Thái Bình Dương; Giải nhất cuộc thi Video kỉ niệm ngày thành lập Liên Hợp Quốc năm 2016.
Post a Comment