"Mái nhà thờ bị phá hủy, nhiều vũng máu lớn trên nhà, mọi thứ trở nên hoang tàn", đó là những gì còn sót lại khi các phóng viên bước vào bên trong các nhà thờ và khách sạn bị phá hủy sau trận đánh bom vào ngày Chủ Nhật.
Tại nhà thờ St. Anthony ở Colombo, nhiếp ảnh gia của AFP đã nhìn thấy những thi thể không còn nguyên vẹn nằm la liệt trên sàn nhà, giày dép, quần áo, những mảnh vụn cửa kính, vụn gỗ còn vương trên sàn nhà là những gì còn sót lại sau trận đánh bom nhằm vào những nơi tập trung đông người.
Lực lượng an ninh kiểm tra Nhà thờ St Anthony ở Kochchikade, Colombo. Ảnh: AFP |
Đến thời điểm hiện tại có 207 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 30 người nước ngoài, ông Harsha de Silva, Bộ trưởng Cải cách Kinh tế và Phân phối Công cộng Sri Lanka chia sẻ với báo chí.
Theo xác nhận của hãng Thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu có 2 người dân Thổ Nhĩ Kỳ và 1 người dân Hà Lan đã thiệt mạng.
Một số công dân nước Anh cũng bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác nhận được con số thương vong cụ thể, dẫn lời ông James Dauris, Cao ủy Anh tại Sri Lanka.
Danh tính những người còn lại đang được xác định.
Khung cảnh tan hoang bên trong nhà thờ. Ảnh: AFP / Getty. |
Thông tin về sự việc, Đại sứ quán Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào bị ảnh hưởng và sẽ giữ liên lạc với giới chức sở tại để cập nhật thông tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene nói với báo chí, sẽ thực hiện mọi hành động để ngăn chặn hoạt động của tất cả các nhóm cực đoan trong nước.
Sau 8 vụ nổ xảy ra, thư ký của Tổng thống, Udaya R. Seneviratne tuyên bố, cảnh sát Sri Lanka sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm 12 tiếng trên toàn đảo, bắt đầu từ 18 giờ ngày chủ nhật đến 6 giờ sáng ngày thứ 2 (22/4), theo giờ địa phương.
Các địa điểm xảy ra 8 vụ nổ tại Sri Lanka ngày 21/4. |
Các trường học cũng sẽ đóng cửa trong hai ngày tới. Chính phủ Sri Lanka đang cố gắng bảo vệ và giúp người dân tránh xa các khu vực bị tình nghi trở thành mục tiêu tiếp theo.
Các địa điểm đánh bom tại thủ đô Colombo. Đồ họa: CNN |
Trước sự việc xảy ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã bày tỏ "sự kinh hoàng và nỗi buồn sâu sắc". Ông nói rằng, Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Sri Lanka.
Thủ tướng Anh, Theresa May gửi lời chia buồn và lên án vụ đánh bom Sri Lanka trên mạng xã hội Twitter: "Những hành vi bạo lực đối với nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka thực sự kinh khủng, sự cảm thông sâu sắc nhất của tôi dành cho tất cả những người bị ảnh hưởng trong vụ việc này".
"Chúng ta phải sát cánh cùng nhau để đảm bảo rằng không ai cần phải thực hành đức tin của mình trong nỗi sợ hãi", May nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên án chuỗi vụ đánh bom. Thủ tướng Đức nhấn mạnh "sự thù địch và căm ghét về tôn giáo thể hiện qua cách khủng khiếp" như ở Sri Lanka sẽ không được phép chiến thắng.
Tổng thống Donald Trump cũng gửi lời chia buồn tới người dân Sri Lanka, đồng thời khẳng định Mỹ "sẵn sàng giúp đỡ".
Trong khi đó, chính phủ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain đã tố cáo các vụ đánh bom là "các cuộc tấn công khủng bố".
"UAE khẳng định lập trường vững chắc của mình trước mọi hình thức bạo lực, khủng bố và cực đoan, nhắm vào tất cả mà không có sự phân biệt giữa tôn giáo và chủng tộc", Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế UAE cho biết.
Thúy Quỳnh (Theo CNN)
Post a Comment