Trấn Thành nói khi đóng "Bố già" cùng anh, nghệ sĩ Lê Giang nhiều lần khóc trên phim trường vì bị anh bắt diễn theo ý mình.
- Vì sao anh kiêm nhiều vai trò trong phim Bố già - từ diễn viên, đồng đạo diễn, biên kịch đến dựng phim?
- Phim điện ảnh Bố già là ý tưởng của tôi nên sẽ không ai hiểu cách triển khai câu chuyện bằng tôi. Ngoài ra, tôi còn mắc bệnh ôm đồm, thường lo nhiều công đoạn mà quên mất chính mình. Đó là lý do tôi mời Vũ Ngọc Đãng làm đồng đạo diễn. Anh ấy tỉnh táo, lạnh lùng, giúp tôi chỉnh lại diễn xuất, ví dụ: "Thành ơi, đoạn này em diễn chưa hay, nên diễn lại".
Tôi tự thấy mình có cá tính mạnh, dễ bị nhiều người hiểu lầm là bảo thủ, không biết lắng nghe. Tôi muốn tìm một người đồng chí hướng để hợp tác trong dự án này. Tình cờ, sau khi web-drama Bố già chiếu xong, tôi đọc bài viết của anh Đãng trên trang cá nhân bình luận về phim. Tôi xúc động vì tên tuổi khá lớn như anh lại viết một bài dài khen tác phẩm của mình. Vũ Ngọc Đãng cũng chuyên về dòng phim tâm lý - đời sống, thể loại phim tôi hướng đến. Tôi quyết định hợp tác với anh.
- Khi là đạo diễn, anh chỉ đạo diễn viên thế nào?
- Tôi đặt tiêu chí cao về diễn xuất, không chỉ với bản thân mà còn ở toàn bộ dàn cast. Chẳng hạn, với Lê Giang - vai vợ Ba Sang, dù đã đóng chung nhiều phim, tôi bắt chị bỏ lối diễn cũ. Lê Giang không được tung hứng mà phải nói đúng tâm lý, tính cách nhân vật, thoại có bao nhiêu chữ thì đọc đúng như thế, không thêm bớt. Bị tôi mắng dữ quá, nhiều lần chị ấy khóc ngay trên trường quay vì ức chế, sau đó giận không thèm nói chuyện.
Quắn (Tuấn Trần) - vai con trai Ba Sang - cũng vậy. Tuấn phải xăm mình, giảm chín kg, cạo trọc đầu, để tóc quắn đúng với tên nhân vật. Tôi chấp nhận bị diễn viên giận nhằm tạo áp lực cho họ làm tốt nhất khả năng. Sau khi phim đóng máy, Lê Giang nhắn tin cảm ơn tôi vì giúp vai chị ấy khác hẳn những vai từng đóng.
- Vì sao anh chủ yếu mời người quen vào phim của mình?
- Nhiều người hỏi tôi, tại sao không tìm các nhân tố mới. Tuy nhiên, những diễn viên tôi lựa trong phim này đều là người giỏi và hợp vai. Tôi tin khán giả có thể kiểm nghiệm điều này khi ra rạp. Tôi chưa bao giờ ưu ái cho người quen đóng phim. Tôi thích giúp đỡ những ai đang thân với mình, để họ hưởng trái ngọt chung, nhưng tôi cũng rất lý trí. Phim này không có Uyển Ân - em gái tôi - vì tôi không tìm được vai phù hợp, mặc dù em có tham gia bản web-drama.
- Anh đầu tư cho phim mới ra sao?
- Tôi bỏ ra hơn 20 tỷ đồng làm phim. Trong đó, cảnh mở đầu phim là một đoạn one-shot (quay không cắt) dài hai phút, quay từ chân cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 1) vào con hẻm - bối cảnh chính của phim, giới thiệu dàn nhân vật chính. Đoạn này chúng tôi quay suốt 3-4 ngày với 100 diễn viên quần chúng. Ở một phân đoạn khác, chúng tôi phải chặn ngõ, bơm nước cống để khắc họa cảnh ngập nước trong khu dân cư nghèo.
- Anh áp lực ra sau khi đưa bản web-drama thành công lên màn ảnh rộng?
- Sau khi phát Bố già, tôi đọc được nhiều bình luận đại loại: "Sợ nhất là những ai thấy web-drama ăn khách thì làm phim điện ảnh, thấy cái gì thành công là cố 'trây' cho dài ra để bán vé". Tôi không vay mượn bản cũ. Tôi muốn phim đường hoàng bước lên màn ảnh rộng muốn với một câu chuyện mới, không liên quan đến kịch bản gốc. Khác với nhân vật Trần Văn Thành trong bản gốc - một người đàn ông cộc cằn, khó chịu, Ba Sang - vai của tôi - tính cách cởi mở, dễ chịu hơn, dù vẫn thuộc tầng lớp lao động nghèo.
Làm phim rạp trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi nơm nớp lo sợ. Một đàn anh khuyên tôi, nếu bây giờ không quay, "lửa" nguội mất, tôi sẽ không bao giờ thực hiện được dự định này. Ngẫm có lý, tôi liền bắt tay cùng êkíp.
- Chiếu Tết, phải cạnh tranh với nhiều phim như Trạng Tí (Ngô Thanh Vân), Lật mặt 5 (Lý Hải)..., anh nghĩ gì?
- Tôi nghĩ thế mạnh của tôi là sự ngây thơ. Khi làm phim, tôi không quan tâm đối thủ là ai. Quay xong, tôi mới nhận ra, Tết này phải cạnh tranh với ba phim Việt, chưa kể bom tấn quốc tế Kingsman. Nhưng tôi tin mình cứ làm tốt nhất có thể, mọi thứ ông trời sẽ an bài.
Tôi chủ yếu làm việc theo cảm xúc. Phim tôi quay vỏn vẹn vài tháng trước khi phát hành, trong khi các đối thủ chăm chút suốt cả năm. Có dự án tôi lên kế hoạch rất chi tiết nhưng vẫn thất bại, còn những phim tôi làm vì cảm hứng bất chợt lại thành công. Bố già cũng vậy. Ý tưởng làm phim đến trong một lần tôi tâm sự với vợ tôi - Hari Won, vì thấy có nhiều tác phẩm tôn vinh người mẹ, nhưng ít phim nào khai thác riêng hình ảnh người cha. Nếu các tác phẩm khác đầu tư về tiền bạc và bối cảnh, tôi dồn chất xám cho kịch bản và diễn xuất của dàn cast.
-Web-drama Bố già có nhiều điểm trừ như đoạn kết gây hụt hẫng, hóa trang chưa tốt..., anh làm gì để khắc phục?
- Tôi sẽ rút kinh nghiệm để không khiến mình té một ổ gà đến hai lần. Ở bản web-drama, ban đầu, tôi hình dung cái kết sẽ ấn tượng, nhưng có thể vì điều kiện quay chưa tốt, thiếu kinh nghiệm, khi thực hiện không được như mong muốn. Với phim điện ảnh, tôi rất tin vào đạo diễn hình ảnh (DOP) - anh Diệp Thế Vinh, một trong những tay máy được đánh giá hàng đầu Việt Nam.
Trước khi quay, mối lo lớn nhất của tôi nằm ở khâu hóa trang. Ở bản gốc, xem lại, tôi xấu hổ vì khán giả phàn nàn rất nhiều về phần tóc và râu của "Bố già". Do vậy, tôi đầu tư nhiều ở phần tạo hình để không lặp lại sai lầm.
Trấn Thành tên đầy đủ là Huỳnh Trấn Thành, sinh năm 1987, hoạt động diễn viên và MC. Anh đóng các phim điện ảnh: Bệnh viện ma (2016), Nắng 1 và 2 (2016 - 2017), Chờ em đến ngày mai (2016), Trạng Quỳnh (2019), Cua lại vợ bầu (2019)... Anh còn diễn nhiều tiểu phẩm hài và là giám khảo của một số game show.
Năm 2019, Trấn Thành đầu tư bốn tỷ đồng cho web-drama Bố già, mời nhiều nghệ sĩ tham gia như: nghệ sĩ Ngọc Giàu, Lê Giang, Lê Quốc Nam, Anh Đức, Trúc Nhân... Bốn tập phim đứng đầu top trending (thịnh hành) của Youtube, mỗi tập đạt hàng chục triệu lượt xem.
Mai Nhật
Post a Comment