"Wonder Woman" Diana hạnh phúc gặp lại bạn trai Steve Trevor, người chết từ 66 năm trước, nhưng cô phải trả giá đắt cho điều ước của mình.
* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Wonder Woman 1984, phát hành tại rạp trong nước ngày 18/12, là phần hai trong loạt phim về siêu anh hùng cùng tên của vũ trụ điện ảnh DC. Nếu phần một xoay quanh bối cảnh Thế chiến Một, phần hai đưa khán giả theo chân công chúa Diana, tức siêu anh hùng Wonder Woman (Gal Gadot đóng), tới năm 1984 tại Mỹ, thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang diễn ra căng thẳng.
Ở phần hai, đạo diễn kiêm biên kịch Patty Jenkins tiếp tục mở đầu bằng cách đào sâu quá khứ của Diana, công chúa của thần Zeus được nuôi dưỡng tại bộ tộc nữ chiến binh Amazon. Khán giả sớm bị thu hút vào sự gay cấn trong cuộc thi tài giữa các nữ chiến binh. Phiên bản nhí của Diana thực hiện các cảnh hành động như leo trèo, cưỡi ngựa, bắn cung. Khung cảnh hòn đảo Themyscira (nơi cư ngụ của các chiến binh Amazon) được xây dựng hùng vĩ, nên thơ. Tất cả tạo nên một phân đoạn ấn tượng cho bộ phim trước khi bước vào nội dung chính.
Kịch bản được xây dựng xoay quanh một món bảo bối cổ xưa, có năng lực ban phát điều ước. Khi FBI thu giữ được món đồ từ nhóm buôn lậu, họ gửi nó tới viện nghiên cứu Smithsonian (nơi Diana làm việc trong thập niên 1980), nhờ nhà khảo cổ học Barbara (Kristen Wiig đóng) giám định. Diana và Barbara vô tình kích hoạt chức năng của món bảo bối, khiến những ước nguyện của hai người thành hiện thực. Trong khi đó, Maxwell Lord (Pedro Pascal) - một doanh nhân dầu mỏ thất bại - tìm cách trộm món bảo bối cho âm mưu trở thành "người đứng đầu".
Phim lấy cảm hứng từ truyện ngắn Bàn tay khỉ của tác giả W.W. Jacobs, về cái giá của sự tham lam. Khi nhân vật sử dụng bảo bối để thực hiện điều ước, họ sẽ mất một điều quý giá khác đang sở hữu. Barbara đánh mất sự vui tươi, lương thiện để nhận lại sức mạnh. Khi Diana ước được gặp lại Steve Trevor (người đã chết trong phần một), sức mạnh thần thánh của cô suy giảm.
Từ đó, Patty Jenkins truyền tải thông điệp thành công chỉ có giá trị đích thực khi đạt được từ sự nỗ lực, cố gắng, đả kích việc thực hiện ước mơ bằng bất cứ giá nào. Đạo diễn cũng đưa ra quan điểm về sự thật, rằng nó đôi khi không mang lại chiến thắng hay hạnh phúc nhưng là thứ duy nhất cứu con người khỏi cám dỗ, lừa lọc. Cả ba nhân vật Diana, Barbara và Maxwell Lord đều trải qua hành trình đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân, từ đó gạt bỏ lòng tham và chấp nhận con người thật bên trong. Bên cạnh chủ đề chính, đạo diễn cũng thêm nhiều thông điệp về nữ quyền, sự hy sinh, kêu gọi hòa bình hay tình cảm gia đình...
Phần hình ảnh và âm thanh là điểm sáng của phim. Wonder Woman 1984 có nhiều cú máy toàn cảnh ấn tượng về thiên nhiên, thành phố, cho đến cú máy tôn vẻ đẹp của nhân vật siêu anh hùng. "Phù thủy nhạc phim" Hans Zimmer đem đến các bản soundtrack phù hợp nội dung từng phân đoạn, từ những cảnh gay cấn cho đến lãng mạn. Các bản không lời được chạy nền phần lớn thời lượng, góp phần thúc đẩy cảm xúc cho khán giả ở từng cột mốc kịch bản và báo hiệu câu chuyện sang chương tiếp theo.
Khâu bối cảnh, phục trang được đầu tư kỹ lưỡng. Êkíp thành công trong việc tái hiện thập niên 1980 đầy màu sắc tại Mỹ hay hòn đảo của bộ tộc Amazon. Ở phần cuối, phim đem tới một khung cảnh trái ngược với sự hỗn loạn của nước Mỹ trước nguy cơ Thế chiến Ba. Đạo diễn dành riêng nhiều cảnh nhắc lại những mốt thời trang thập niên 1980, như xu hướng chuộng đổ thể thao, quần nhảy dù, túi đeo trước bụng của dân Mỹ.
Wonder Woman 1984 cũng kế thừa nhiều thành công từ phần một. Việc hồi sinh Steve Trevor giúp khán giả được sống lại những khoảnh khắc lãng mạn giữa hai nhân vật này, điều Gal Gadot và Chris Pine thể hiện tốt ở tập trước. Là bom tấn siêu anh hùng hiếm hoi của năm, tác phẩm tập trung nhiều thời lượng phục vụ các fan của truyện tranh DC. Êkíp thêm nhiều phân cảnh tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh của Wonder Woman. Diana cũng học thêm nhiều siêu năng lực mới trong phần hai. Một số diễn viên từ phần một hoặc từng đồng hành với thương hiệu Wonder Woman tái xuất, như một lời tri ân của hãng phim tới công lao của họ.
Trong phần hai, Wonder Woman tiếp tục lộ rõ hơn phần con người, những hỉ - nộ - ái - ố, bên trong nhân vật á thần. Trong phân đoạn đầu, cô bé Diana khóc và tức giận khi bị ngăn cản trước chiến thắng với lý do đã gian lận. Bất tử, Diana trưởng thành phải sống cuộc đời cô đơn vì những người thân yêu lần lượt ra đi. Nữ thần ngần ngại kết bạn mới, sợ phải nói lời chia ly một lần nữa. Việc Trevor hồi sinh khiến Diana càng lung lay về trách nhiệm của siêu anh hùng. Nội tâm cô giằng xé giữa việc cứu thế giới hay tự lừa dối để bản thân để tiếp tục hạnh phúc.
Với thời lượng 151 phút, Wonder Woman 1984 có thể khiến khán giả thấy dài dòng. Phim có nhiều cảnh thừa, tiết tấu chậm. Đạo diễn dành nhiều thời lượng để truyền tải những thông điệp phụ và khai thác cuộc đời các nhân vật mới.
Khâu dựng phim không được các nhà phê bình đánh giá cao. Các tình tiết dễ đoán cùng cách kể chuyện theo kiểu liệt kê từng sự việc theo trình tự thời gian không tạo bất ngờ hay tăng tính kịch tính cho người xem. Sự kết dính giữa các phân đoạn cũng là một điểm yếu của Wonder Woman 1984. Tác phẩm như một tập hợp gồm nhiều đoạn phim ngắn hấp dẫn nhưng bị móc nối hời hợt.
Trái ngược phần khởi đầu hứa hẹn, cao trào và kết phim thiếu bùng nổ. Tờ Vox nhận xét: "Wonder Woman 1984 như ba phim ngắn hợp lại và chỉ hai phần đầu đưa chúng ta tới những điều tuyệt vời". Mạch phim càng về cuối càng chậm và vắng bóng các cảnh hành động. Cảnh Wonder Woman chiến đấu với Barbara để lại ít điểm nhấn. Cả hai không sử dụng siêu năng lực mới vào thực chiến. Diana chỉ phòng thủ, tránh ra đòn hạ đối phương. Một số fan có thể tiếc khi bộ giáp vàng của tộc Amazon không được khai thác triệt để. Cheetah (biệt hiệu của Barbara khi trở thành ác nhân) cũng không có nhiều thời lượng để phô diễn sức mạnh.
Khi đối mặt ông trùm Maxwell Lord, Wonder Woman "đấu khẩu" tới hết phim. Khán giả không khó nhận ra đạo diễn lấy cảm hứng từ tình hình chính trị - xã hội Mỹ để xây dựng nhiều tình tiết trong phim, đặc biệt ở đoạn cuối. Hướng đi này phần nào ảnh hưởng tới tính giải trí của tác phẩm, khi phải chở theo quá nhiều thông điệp về thời cuộc. Nếu nửa đầu diễn ra vui tươi, phần kết của phim tạo cảm giác quá nghiêm túc và giáo điều.
Đạt Phan
Post a Comment