Danh ca Minh Cảnh - "hoàng đế tuồng cổ", 86 tuổi - sẽ về nước làm liveshow đầu tiên trong đời ca hát sau gần 20 năm ở Mỹ.

Liveshow mang tên Bao Công xử an Quách Què - tuồng kinh điển của ông thập niên 1970, do "bầu" Gia Bảo sản xuất, diễn ra ngày 15/7 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM.

Ban đầu khi liên lạc để ngỏ ý làm show, Gia Bảo sợ Minh Cảnh từ chối bởi ông xa quê đã lâu. "Tôi vẫn quyết tâm mời bởi ông là một trong giọng ca vàng hiếm hoi còn lại của cải lương thời hoàng kim", đạo diễn nói. Vài tháng trước, nhân dịp sang Mỹ, anh gặp nghệ sĩ bàn bạc ý tưởng, trước khi ông về nước tập tuồng vào cuối tháng 6.

Danh ca Minh Cảnh tái xuất sau hơn 20 năm

Danh ca Minh Cảnh chào khán giả trước khi về nước làm liveshow đầu tiên trong sự nghiệp. Video: Gia Bảo

Theo Gia Bảo, Minh Cảnh nhận lời vì lâu chưa có dịp tái ngộ khán giả quê nhà. Sau khi nghệ sĩ Diệp Lang và Vũ Linh - hai giọng ca ông quý mến - qua đời, nghệ sĩ suy sụp, nhận ra bản thân không còn nhiều thời gian cho sân khấu. Chương trình là lần đầu Minh Cảnh tổ chức liveshow, trước kia chỉ tham gia các đêm nhạc nhỏ, như Những cánh chim không mỏi của Đài truyền hình TP HCM.

Danh ca Minh Cảnh tái xuất sau hơn 20 năm

Nghệ sĩ Minh Cảnh vẫn giữ đam mê với sân khấu ở tuổi 86. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong chương trình, Minh Cảnh sẽ tái hiện vở diễn cùng các nghệ sĩ Trọng Phúc, Thanh Hằng, Phượng Loan, Linh Lâm, Bích Hạnh, Võ Minh Lâm, qua bàn tay đạo diễn của Chí Linh. Ban đầu, đơn vị tổ chức muốn mời nghệ sĩ Phượng Liên, Mỹ Châu - các bạn diễn gắn bó với Minh Cảnh - nhưng gặp khó khăn vì họ hạn chế ca hát từ lâu.

Theo Gia Bảo, Minh Cảnh vẫn giữ được phong độ ca hát với làn hơi dài đặc trưng. Tại Mỹ, ông thường góp mặt trong các đêm nhạc ở chùa. Trong liveshow tới, ông đề nghị được hát chung với Thanh Tuấn, Minh Vương - các đồng nghiệp một thời ở đoàn Kim Chung. Ngoài vở tuồng chính, Minh Cảnh sẽ hát trích đoạn ca cảnh Lưu Bình - Dương Lễ.

Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Chợ Lớn, Sài Gòn, trải qua tuổi thơ cơ hàn, phải lăn lộn vào đời sớm để mưu sinh, như đi lượm ve chai, bán bánh cam, chuối chiên. Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ, sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử. Năm 1960, ông theo hát ở đoàn Kim Chung.

Thập niên 1960-1970, ông nổi tiếng khi hát các làn điệu vọng cổ của cố soạn giả Viễn Châu như Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá, Mưa trên phố Huế, Sầu vương ý nhạc, Chuyến xe lam chiều, Lưu Bình - Dương Lễ, Trái sầu riêng (với Mỹ Châu), Ni cô và kiếm sĩ (với Diệu Hiền). Ông lập đoàn hát và kiêm diễn các vai kép chánh, tỏa sáng rực rỡ với những tuồng cải lương Bên cầu vọng thê, Manh áo quê nghèo, Bích Vân cung kỳ án, Trinh nữ lầu xanh, Lời thơ trên huyết, từ đó được báo giới đương thời xưng tụng là "hoàng đế tuồng cổ".

Trích đoạn "Máu nhuộm sân chùa" - Minh Cảnh hát chung Lệ Thủy

Trích đoạn "Máu nhuộm sân chùa" (Yên Lang) - Minh Cảnh hát chung Lệ Thủy. Video: YouTube Cải lương Việt

Minh Cảnh sáng tạo ra trường phái ca làn hơi dài khi vô vọng cổ với nét đặc trưng là rõ chữ, chắc nhịp. Trong tuồng Quán gấm đầu làng, Minh Cảnh bứt phá với câu vọng cổ 53 chữ, đặt dấu ấn đầu cho ca vọng cổ hơi dài đến nay. Ông tạo ảnh hưởng cho loạt nghệ sĩ sau này. Nhiều người lấy nghệ danh theo tên ông như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu. Năm 2005, ông sang Mỹ định cư.

Minh Cảnh hát tân cổ "Duyên quê" (Hoàng Thi Thơ - Loan Thảo)

Minh Cảnh hát tân cổ "Duyên quê" (Hoàng Thi Thơ - Loan Thảo). Video: YouTube Giai điệu quê hương

Mai Nhật

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top