Julius Caesar bị nhóm các bầy tôi, trong đó có Brutus - con trai tình nhân của ông - đâm hơn 20 nhát dao, chết ở tuổi 56.

Brutus từ lâu là viên tướng ưa thích của Caesar trong số thế hệ quý tộc trẻ của La Mã. Caesar biết Brutus có thể trở nên tham lam và ương ngạnh, nhưng có lẽ vì anh ta là con trai của nhân tình lâu năm của ông, nên Caesar ban phát cho anh ta rất nhiều vinh dự. Quãng thời gian phụng sự ngắn ngủi của anh ta cho Pompey dễ dàng được tha thứ, sau đó anh ta được phong làm giáo chủ và tỉnh trưởng của vùng lãnh thổ của người Gaul trên đất Ý.

Năm 44 TCN, anh ta được chọn trở thành pháp quan của thành Rome, rồi được chỉ định làm quan chấp chính ba năm sau đó. Caesar sẽ không thèm nghe những lời phản đối Brutus, ngay cả khi một người bạn cảnh báo rằng anh ta dính dáng tới âm mưu lấy mạng ông. "Brutus sẽ đợi chờ cho đến khi làn da này nhăn nheo," Caesar trả lời thế khi gạt người bạn kia đi.

Nhưng Brutus đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ phía Cassius và các nguyên lão bất mãn khác, đòi phải chấm dứt thời kỳ chuyên chế của Caesar, y hệt như tổ tiên lừng lẫy của anh ta, cũng tên là Brutus, đã lật đổ ông vua La Mã cuối cùng nhiều thế kỷ trước. Cứ mỗi đêm, một bức vẽ graffiti mới sẽ lại xuất hiện trên các bức tượng tôn vinh người hùng quá khứ này của thành Rome với những thông điệp khiêu khích: "Ôi thế ra ngươi vẫn còn sống!", "Hậu nhân của người đã làm người thất vọng", "Chúng ta cần Brutus!".

Đến cuối cùng, sức ép quá lớn nên Brutus không thể cưỡng lại. Anh ta quyết định chỉ huy âm mưu ám sát Caesar bất chấp sự khoan dung và ân huệ mà vị tiền bối này đã trao cho anh ta.

Tượng Julius Caesar (100 TCN-44 TCN) của Nicodemo Ferrucci (1574-1650). Ảnh: Met Museum

Không còn thời gian để phí phạm nữa nếu họ muốn loại bỏ Caesar vì ông sẽ đi tham gia chiến dịch Parthia vào ngày 18/3. Vắng mặt khỏi thành Rome và vây xung quanh là những binh lính trung thành, họ sẽ không thể tiếp cận được ông. Cho dù có thể phục kích ông trên các con phố, nhưng những kẻ chủ mưu hạ quyết tâm giết chết Caesar ngay chốn đông người. Đây không phải là vụ án mạng ở con ngõ sau phô trương như thể họ là lũ lưu manh ăn cắp bóp của một người giàu có.

Đây là một tuyên bố chính trị, sự phục hồi quyền lực cho Viện Nguyên lão và người dân thành Rome - nó phải được tiến hành công khai, thế nhưng phải nằm trong bối cảnh họ có thể kiểm soát được. Cuối cùng, họ quyết định lên kế hoạch vụ ám sát vào ngày 15/3.

Caesar hầu như chẳng bao giờ tin vào những dấu hiệu và những điềm báo, nhưng nếu ông chú ý tới những ngày trước ngày 15 thì ông hẳn đã phát hiện mấy dấu hiệu đáng lo ngại báo điềm gở đang đến gần. Theo các tác giả cổ xưa, những người rất vui sướng tường thuật lại những sự kiện này, những ánh sao lạ lẫm thắp sáng bầu trời, những âm thanh va chạm vang vọng trong màn đêm và tiếng những con chim báo điềm xấu ào ào bay tới Quảng trưởng. Như trong một câu chuyện kể về tổ tiên của Caesar là Julus đang chạy trốn khỏi thành Troy cùng cha mình, Aeneas (và trong sách Tân Ước là tập về Pentecost), một nhóm người bắn tên lửa về phía họ nhưng hai cha con không hề hấn gì.

Đồng xu in chân dung Marcus Junius Brutus, một trong hai người chủ mưu ám sát Caesar, ra đời sau hai năm nhà độc tài mất, được đấu giá năm 2000. Ảnh:Numismatic Guaranty Corporation

Bản thân Caesar, trong khi đang tiến hành lễ hiến tế, đã thấy một trong các con thú mình vừa giết không có trái tim. Bên ngoài thành Rome, những người định cư tại một trong các khu thuộc địa của Caesar ở miền nam nước Ý đang phá hủy một hầm mộ cổ thì thấy một tấm bảng cảnh báo rằng hễ khi nào những khúc xương trong hầm mộ này bị quấy rối thì một người con trai của thành Troy sẽ bị giết. Nếu thế này còn chưa đủ rõ ràng, thì người chặn đầu Caesar trên các con phố, một nhà tiên tri già tên Spurinna, đã cảnh báo thẳng thừng rằng có nguy hiểm chết người đang chờ Caesar vào ngày 15/3.

Nhưng Caesar chế nhạo những điềm báo này và chẳng hề sợ cái chết. Ông đã cho giải tán đội vệ sĩ của mình, tin tưởng vào lời thề nguyền của các nguyên lão rằng họ sẽ bảo vệ ông bằng cả mạng sống. Vào đêm 14/3, khi ăn tối với người bạn của mình là Lepidus, cuộc đối thoại chuyển sang nội dung cái chết nào là hay nhất. Caesar có nói rằng mình đã đọc về Hoàng đế Ba Tư Cyrus, người mà ngay khi cận kề cái chết vẫn còn đủ thời gian lên kế hoạch tỉ mỉ cho lễ tang của mình. Caesar rùng mình trước ý nghĩ về việc chết dần chết mòn và nói rằng cho đến lúc này, cái chết đẹp nhất là cái chết thật bất ngờ ngoài dự tính.

Vào sáng ngày 15/3, Caesar thức giấc thấy vợ ông, Calpurnia, đang hốt hoảng bên cạnh mình. Đêm hôm đó, bà đã chiêm bao những giấc mơ kinh hoàng rằng bà đang ôm lấy cái xác không còn sức sống của Caesar trong tay. Calpurnia không phải là kiểu phụ nữ tin vào những điềm báo, nhưng bà đã cầu xin Caesar hủy bỏ cuộc họp với Viện Nguyên lão ngày hôm đó.

Ban đầu, ông gạt đi những nỗi sợ hãi của bà, cho là vô căn cứ, nhưng bà vẫn một mực đòi ông nên suy nghĩ lại. Đúng lúc này, Decimus tới hộ tống ông tới cuộc họp. Nghe nói rằng Caesar đang cân nhắc chuyện không dự họp tại Viện Nguyên lão sáng hôm đó, anh ta bèn kéo ông sang một bên và thúc giục ông hãy suy nghĩ lại. Anh ta hỏi sẽ như thế nào nếu tin đồn truyền ra ngoài rằng Caesar sợ không dám rời khỏi nhà vì những giấc mơ của một người đàn bà? Caesar nghe xuôi tai liền chào từ biệt vợ, động viên bà đừng nên lo lắng.

Cuốn sách "Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã".

Trên đường đi, đồng hành cùng Caesar là đám đông những nhà hảo tâm và những người van xin ông dành cho họ chút thời gian. Trong số này có thầy giáo triết học Hy Lạp tên là Artemidorus, ông ta là vị khách thường xuyên tới nhà của Brutus và bạn bè của anh ta. Ông ta nghe lỏm được rằng một âm mưu lấy mạng Caesar sẽ được thực hiện vào ngày hôm đó và rất nóng lòng được cảnh báo cho vị thống lĩnh tối cao. Biết rằng mình chắc chắn không thể tiết lộ các chi tiết cho Caesar ở chỗ công khai, ông ta bèn nhanh chóng chuẩn bị một cuộn giấy nêu rõ chi tiết kế hoạch của những kẻ chủ mưu. Ông ta cố gắng len qua đám đông và dúi cuộn giấy vào hai tay Caesar, nói rằng ông phải đọc nó, trong bí mật và ngay lập tức. Caesar đồng ý, nhưng vì thời gian gấp gáp nên ông để thông điệp sang một bên, định sẽ xem sau khi họp xong.

Lúc đi qua nhà tiên tri Spurinna dọc đường đi, Caesar vui mừng kêu to lên rằng ngày 15/3 đã tới rồi và mình vẫn còn sống. Spurinna nói lớn: "Đúng, ngày 15 đã đến, nhưng nó vẫn chưa qua".

Cuộc họp Viện Nguyên lão ngày hôm ấy diễn ra trong sảnh liền kề nhà hát của Pompey phía tây Quảng trường. Chính Pompey đã hoàn tất việc xây dựng tòa nhà này, nhà hát bằng đá đầu tiên của thành Rome, vào năm 55 trước Công Nguyên, để kỷ niệm các chiến thắng ở phương Đông của mình. Không hề khiêm nhường chút nào, Pompey đã cho đặt một bức tượng chính mình trong sảnh nhìn xuống tất cả những ai tụ tập bên trong.

Antony tháp tùng Caesar tới lối vào sảnh nhưng bị Trebonius kéo sang một bên lấy cớ là việc gấp gáp. Những kẻ chủ mưu còn muốn giết chết cả Antony nữa, nhưng Brutus khăng khăng rằng họ sẽ chỉ tấn công một mình Caesar thôi. Brutus tranh luận, nếu chúng ta sát hại bất kỳ người bạn nào của Caesar, thì vụ này sẽ trông như thể một vụ ẩu đả phe phái bình thường hơn là vụ kết liễu chính đáng một tên bạo chúa.

Khi Caesar bước vào cuộc họp, tất cả các vị nguyên lão đều đứng dậy chào đón ông. Ông rất nóng lòng muốn kết thúc các thủ tục càng nhanh càng tốt và tới ngồi xuống ghế của mình ở hàng trước. Một nguyên lão tên là Tullius Cimber, người có anh trai bị Caesar bắt lưu đày, bước đến gần vị thống lĩnh tối cao với lá đơn thỉnh nguyện xin ân xá cho anh trai mình. Caesar bác bỏ đơn của người đàn ông này, nhưng Cimber túm chặt lấy áo choàng của ông và van xin ông hãy rộng lòng. Đây là tín hiệu. Một nguyên lão khác tên là Casca vừa lao đến chỗ Caesar vừa rút dao găm ra đâm vào cổ ông. Tuy nhiên, Casca căng thẳng đến nỗi ông ta chỉ đâm vừa đủ làm Caesar bị xước một bên cổ. Caesar phản ứng lại bằng cách đứng bật dậy khỏi ghế ngồi, đâm thẳng cây bút trâm (đồ dùng để viết của ông) vào cánh tay Casca, quăng ông ta ngã xuống khỏi bục.

Những kẻ chủ mưu khác lúc này bu lại và bắt đầu đâm Caesar bằng dao của mình, còn ông thì giận dữ đẩy họ ra. Từ phía trước, hai bên và sau lưng, những kẻ đó đâm ông hơn hai mươi nhát dao cho đến khi cơn đau và tình trạng mất máu khiến ông suy yếu. Đến lúc này, ông mới trông thấy Brutus đến gần, với con dao giơ lên sẵn sàng đâm xuống. Đang quyết liệt chiến đấu với các vị nguyên lão để bảo toàn mạng sống, giờ khi thấy kẻ hậu bối kia đến gần, ông chỉ có thể nhìn trừng trừng anh ta trong cơn sốc tột độ.

Trái ngược với câu hỏi bất hủ của Shakespeare - "Cả ngươi nữa ư, Brutus?", những từ cuối cùng của Caesar thực ra là lời thì thầm với Brutus bằng tiếng Hy Lạp: "Kai su, teknon?" (Cả ngươi nữa ư, con trai của ta?)

Nói rồi, Caesar lấy áo choàng che mặt rồi chết dưới chân bức tượng Pompey.

Phần 1. Phần 2. Hết trích đăng.

(Trích Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã, Nguyễn Quang Huy dịch)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top