Đại sứ Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama - cho rằng đọc, hiểu "Truyện Kiều" là một trong cách hiểu tư duy, đạo lý và văn hóa Việt Nam.

Tiếng Việt là một câu chuyện dài. Rất nhiều đại sứ vẫn thường hỏi tôi về cách học tiếng Việt cũng như những khó khăn phát sinh trong quá trình này. Như họ nhận xét, đó là thứ tiếng không hề dễ học và họ thường cắt nghĩa việc tôi sử dụng tốt tiếng Việt là do tôi có một "cô giáo" đặc biệt: Người vợ Việt Nam.

Những lần ấy, tôi thường nói đùa rằng đó không phải là lý do - bởi thực tế cho thấy khi đã lấy nhau lâu rồi, các cặp vợ chồng thường không có nhu cầu nói chuyện với nhau quá nhiều. Nhưng nhìn chung, việc học tốt tiếng Việt cần sự tập trung tối đa ngay từ đầu cộng với việc chú ý tới cách phát âm từng từ riêng lẻ. Nếu không biết phát âm rõ, chúng ta sẽ sớm nhầm lẫn giữa các từ gần giống nhau trong tiếng Việt và cuối cùng đầu hàng trước sự phức tạp đó.

Ông Saadi SalamaẢnh chụp với cô Lê Thanh và cô Nguyễn Hạnh là hai cô giáo tiếng Việt, vào năm 1982, ở Hà Nội. Ảnh: Nhã Nam cung cấp

Ông Saadi Salama bên cô Lê Thanh và cô Nguyễn Hạnh - hai cô giáo tiếng Việt của ông tại Hà Nội, năm 1982. Ảnh: Nhã Nam cung cấp

Giống như nhiều vị đại sứ bạn tôi vẫn không thể phân biệt được sự khác nhau khi đọc tên các nhân viên Việt Nam: Hùng cũng giống như Hưng, Hương cũng giống như Hưởng hay Hường. Chỉ có cách chịu khó học, nắm vững các nguyên tắc phát âm dấu trong tiếng Việt thì mới có thể nhìn thấy nét khác biệt giữa những từ rất gần nhau đó.

Phở là món ăn yêu thích của tôi. Tôi cũng thường vui vẻ trò chuyện với những người bán hàng. Tôi vẫn thẳng thắn nói với những người bạn quốc tế của mình rằng chìa khóa của việc học tiếng Việt vẫn nằm ở tình yêu với Việt Nam và ngôn ngữ của người Việt. Tiếng Việt chính là văn hóa Việt. Học được ngôn ngữ ấy, chúng ta sẽ mở được cánh cửa lớn nhất để hiểu mỗi người Việt Nam cũng như có một vị trí đặc biệt trong trái tim của họ.

Một minh chứng cụ thể, không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử ngoại giao Mỹ, ở cả ba lần tiếp xúc với Việt Nam trong hai mươi năm qua, lần lượt các Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Barack Obama và Joe Biden đều trích dẫn Truyện Kiều của Nguyễn Du trong bài diễn văn của mình.

Vào năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Mỹ kể từ sau chiến tranh, ông Bill Clinton sử dụng hai câu Kiều nói về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa: "Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân" để truyền tải một thông điệp đặc biệt: Sự băng giá trong quá khứ đã bắt đầu tan và thay bằng những cơ hội mới của quan hệ Việt - Mỹ.

Mười lăm năm sau đó, khi tiếp lãnh đạo Việt Nam tại Washington, Phó Tổng thống Joe Biden, nay là Tổng thống Hoa Kỳ, nhắc tới câu "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" với ý nghĩa gần tương tự nhưng ở một mức độ cao hơn.

Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Barack Obama đã kết thúc bài diễn văn của mình bằng hai câu thơ "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi". Ðây là thời điểm Tổng thống Obama chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam, đưa quan hệ hai nước trở về sự bình thường cần có.

Nói về Palestine, người ta không thể bỏ qua cành ô liu hay Thánh đường Abraham, ở thành phố (Al khalil) Hebron nơi chôn cất thiên sứ Abraham, hay Nhà thờ Giáng Sinh, ở thành phố Bethlehem, nơi hạ sinh của Chúa Giêsu, hoặc Thánh đường Al-Aqsa ở Ðông Jerusalem, nơi thiên sứ Muhammad lên trời. Nói về Ai Cập, người ta bắt buộc phải nhắc tới các Pharaoh và kim tự tháp. Còn tại Việt Nam, chắc chắn, đã tới đây, chúng ta phải nói tới Truyện Kiều.

Với các trí thức và những người am hiểu văn hóa truyền thống ở Việt Nam, tôi dám chắc tác phẩm này có tầm quan trọng không kém gì Hiến pháp quốc gia. Còn với thế giới, Truyện Kiều của Việt Nam vừa là một tác phẩm nổi tiếng, vừa là một phần của đời sống văn hóa Việt với những quan niệm đặc thù về đạo lý được diễn đạt bằng thơ.

Ðược thi hào Nguyễn Du viết vào nửa cuối thế kỷ 18, tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, mượn số phận của một phụ nữ tài sắc vẹn toàn để nói về triết lý sống, cách hành xử, quan niệm đạo lý và vô vàn yếu tố khác trong xã hội của người Việt. Trong nhiều thế kỷ qua, những câu thơ ấy đã đi vào đời sống theo cách vừa mãnh liệt, vừa đơn giản tới mức khi cần so sánh, cảm thán hoặc đưa ra một quan điểm riêng trong mọi lĩnh vực của đời sống hằng ngày, người ta có thể trích dẫn bất cứ câu Kiều nào để thay lời muốn nói. Ðọc Truyện Kiều, hiểu Truyện Kiều là hiểu tư duy, đạo lý và văn hóa Việt Nam. Bởi thế, tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc kỹ Truyện Kiều bằng tiếng Việt cũng như bản dịch tiếng Anh của tác phẩm.

Sách Câu chuyện Việt Nam của tôi, tác giả Saadi Salama, NXB Dân Trí, ra mắt tháng 1. Ảnh: Nhã Nam

Sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi", tác giả Saadi Salama, NXB Dân Trí, ra mắt tháng 1. Ảnh: Nhã Nam

Nhiều năm trước, tôi có biết một dịch giả nổi tiếng của Syria. Ông là người từng bỏ công sức dịch nhiều tác phẩm văn hóa của Việt Nam - trong đó có Truyện Kiều sang tiếng Ả Rập. Chỉ có điều, vì không biết tiếng Việt, ông dịch những tác phẩm này từ bản dịch tiếng Pháp. Khi mới bắt đầu học tiếng Việt, tôi có dịp đọc bản dịch Truyện Kiều của ông.

Giá như tác giả còn sống, tôi sẽ xin phép được góp ý để ông có thể bổ sung và hoàn thiện hơn bản dịch này vì dù hấp dẫn, nhưng việc phải chuyển ngữ từ văn bản tiếng Pháp đã khiến bản dịch có nhiều chỗ chưa sát với nghĩa gốc. Ngoài ra tôi cũng rất thích truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Chí Phèo của Nam Cao, bởi vì trong hai tác phẩm đó có nhiều nét tương đồng với các tác phẩm của Palestine chúng tôi, đều nói về cuộc sống khó khăn của người nông dân ở những vùng quê nghèo dưới sự áp bức của các tầng lớp trên.

Phần 1, còn tiếp.

(Trích sách Câu chuyện Việt Nam của tôi, Saadi Salama, Nhã Nam và Nhà xuất bản Dân trí)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top