Hà NộiNgười xem được ngắm họa tiết rồng trên bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám qua những đồ họa chuyển động.

Triển lãm Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ diễn ra tại không gian Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Hình ảnh được kết hợp ứng dụng công nghệ, đồ họa chuyển động, do nhóm tác giả Trương Quốc Toàn, Hồ Hữu Long, Trương Ngọc Phương Trang, Hoàng Gia Đức, Nguyễn Thị Hải Hà thực hiện.

Theo ban tổ chức, những tác phẩm được giới thiệu đều tôn trọng đường nét nguyên bản trên bia tiến sĩ, qua đó giúp công chúng hình dung rõ hơn tài năng của người chế tác.

Khu vực Rồng long môn trưng bày tám chiếc cổng, mô phỏng hình dáng bia đá, phía trên là họa tiết rồng. Ở khu Hội ngộ với rồng, hoa văn mặt trời nằm giữa hai con rồng được thay thế bằng chiếc gương dáng tròn. Ông Trương Quốc Toàn, người chịu trách nhiệm thiết kế trưng bày cho biết ý tưởng này giúp người xem có thể nhìn thấy mình trong tác phẩm, khơi gợi sự hứng thú.

Tác phẩm Long môn 5, hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1754 được dựng năm 1756. Sự kiện diễn ra từ diễn ra từ ngày 31/07 đến hết ngày 26/8. Ảnh: Phương Linh

Tác phẩm ''Long môn 5'', hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1754, dựng vào năm 1756. Sự kiện diễn ra từ diễn ra từ ngày 31/07 đến hết ngày 26/8. Ảnh: Phương Linh

Năm 1484, 15 tấm bia đầu tiên được vua Lê Thánh Tông cho khởi dựng nhằm tôn vinh các cá nhân đỗ đạt trong lịch sử khoa bảng. Tuy nhiên, phải đến năm 1563 mới xuất hiện hình rồng trang trí. Ông Trương Quốc Toàn phân tích trong số 24 bia được tạo thành năm đó, chỉ 15 tấm có họa tiết rồng, mang lối tả thực. Vị trí xuất hiện thường là trán bia, bộ phận trang nghiêm nhất của hiện vật.

Năm 1717, đợt dựng bia tiến sĩ lớn thứ hai lịch sử xuất hiện thêm 21 bia với hoa văn rồng. Tuy nhiên, chúng không còn được tả thực mà thoát ly khỏi khuôn mẫu, có thể biến hóa thành mây, lửa, cây lá. Hiện Văn Miếu Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 bia, ghi danh 1.304 tiến sĩ.

Tác phẩm Hội ngộ với rồng 1, có hoa văn trên bia tiến sĩ khoa thi 1779, dựng năm 1780. Ảnh: Phương Linh

Tác phẩm ''Hội ngộ với rồng 1'', có hoa văn của bia tiến sĩ khoa thi 1779, dựng năm 1780. Ảnh: Phương Linh

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế nhận định không gian triển lãm đề cao tính tương tác, giúp người xem cảm nhận tính huyền diệu nhưng cũng gần gũi của linh vật. ''Trước đây, nhắc đến những sự kiện tương tự, chúng ta thường hình dung sẽ trưng bày trên giấy nhưng ở đây có các vật liệu mới, đồ họa hiện đại, tác động tích cực vào việc thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật của công chúng''.

Ông Lê Xuân Kiêu, giám đốc trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho biết: ''Cùng với trưng bày Bia đá kể chuyện năm 2022, triển lãm là cơ sở để tiến tới năm 2026 - kỷ niệm 950 năm ngày thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi ấy, chúng tôi sẽ có một trưng bày cố định về bia tiến sĩ''.

Không gian triển lãm 'Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ'

Một số tác phẩm tại khu trưng bày ''Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ''. Video: Phương Linh

Bia đá tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ ở triều Lê - Mạc. Trên mỗi tấm khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, ghi lại lịch sử các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định bia tiến sĩ không chỉ phản ánh giai đoạn lịch sử hơn 300 năm mà còn cho thấy bức tranh về việc tuyển chọn, đào tạo nhân tài. Tháng 3/2010, 82 tấm bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 27/7/2011, hiện vật được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.

Phương Linh

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top