Bàn thờ Phật bằng đá lưu giữ tại chùa Phổ Quang từ thế kỷ 14 đến nay, là hiện vật gốc độc bản, mang giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.
Vụ cháy chùa Phổ Quang ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hôm 23/10 khiến toàn bộ cơ sở vật chất, 27 pho tượng Phật trong chùa hư hại. Trong đó, bàn thờ Phật bằng đá - bảo vật quốc gia được công nhận năm 2021 - bị vỡ cánh sen. Đây là một trong năm bảo vật quốc gia của Phú Thọ, bên cạnh trống đồng Đền Hùng, bộ khóa đai lưng bằng đồng, sưu tập nha chương và tượng Mẫu Âu Cơ.
Tối cùng ngày, Cục Di sản Văn hóa có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương nhanh chóng có biện pháp bảo vệ bàn thờ Phật bằng đá.
Hiện vật cao một mét, dài 3,21 m, rộng 1,23 m. Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết từ phương diện kỹ thuật tạo tác, có thể phân chia kết cấu của bàn thờ theo cấu trúc năm tầng. Tuy nhiên, ở góc độ mỹ thuật và văn hóa tâm linh, bảo vật gồm ba phần, tính từ dưới lên. Phần một tương ứng chân đế, tầng hai, ba và bốn là thân và tầng cuối là mặt bàn thờ, tổng thể hiện vật như một đài sen cách điệu. Bàn thờ được đặt giữa trung tâm ngôi chùa, tượng trưng cho sự thanh khiết của Phật giáo.
Cục Di sản Văn hóa cho biết bảo vật có niên đại tuyệt đối năm Xương Phù thứ 10 (1387), khắc rõ tên những người tham gia tạo tác, gồm Nguyễn Lạp - Sử đài Điển ngự thư Đô chính thủ, Nguyễn Chiêu - Thái học điển trù Tiểu Chi hầu cùng vợ là Nguyễn Thị Sửu. Theo quy định quan chế thời Trần, Sử đài là một cơ quan trong Ngự Sử đài còn Điển ngự thư Đô chính thủ có thể là người đứng đầu phụ trách phần điển sách. Thông tin này làm rõ một phần tổ chức bộ máy hành chính dưới triều Trần và trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Từ xưa, giới nghiên cứu đã sử dụng một số thuật ngữ định danh bảo vật, như bệ Phật, nhang án, hương án và chưa đi đến thống nhất. Tuy nhiên, minh văn khắc trên mặt đá có thể thấy dưới thời Trần, bảo vật được định danh là bàn Phật (bàn thờ Phật), qua đó khẳng định chức danh của hiện vật ở thời điểm này và những giai đoạn sau.
Các hình tượng chạm khắc trên bảo vật có một số nét tương đồng với các bàn thờ Phật bằng đá thời Trần, như rồng, garuda, cánh sen, hoa cúc, hoa lá thiêng, điểm khác biệt là có sư tử hí cầu và cá hóa rồng mà đến nay chưa tìm được mẫu thứ hai. Từ khi được tạo tác đến nay, hiện vật vẫn được bảo quản tốt, là nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật, đặt bộ tượng Tam Thế ở chùa.
Hiện vật được những nghệ nhân dân gian xưa sử dụng các kỹ thuật thô sơ chế tác nhưng vẫn đạt độ tinh xảo, như ghè đẽo, cưa, mài, khoan, đục, đánh bóng. Bàn thờ thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ và những họa tiết trang trí gắn với thế giới Phật giáo, mô tả cuộc sống cư dân vùng trung du Bắc Bộ, là nét đặc biệt không tìm thấy ở các hiện vật cùng thời. ''Đây là một tác phẩm điêu khắc đá hoàn chỉnh, có giá trị cao về lịch sử văn hóa, nghệ thuật và kinh tế'', Cục Di sản Văn hóa nhận định.
Trải qua 1.000 năm với nhiều biến động, thăng trầm lịch sử, bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Phổ Quang luôn được người dân phát huy giá trị trong những ngày lễ, hội, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
''Những đặc điểm về kỹ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình, phong cách trang trí trên bàn Phật thạch tòa chùa Xuân Lũng (Phổ Quang) được xác định là căn cứ quan trọng trong việc nghiên cứu đối sánh, phân tích để đoán định niên đại, phong cách nghệ thuật tạo tác bàn thờ Phật thời Trần nói riêng và di sản văn hóa - nghệ thuật giai đoạn này nói chung'', tài liệu của Cục Di sản Văn hóa viết.
Phương Linh
Post a Comment