Nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng nhiều kỳ liên hoan sân khấu "không có giá trị thực" vì các vở đoạt giải cao nhưng bán vé không ai xem.
Dự buổi trò chuyện trước thềm Liên hoan sân khấu TP HCM lần một chiều 11/11, diễn viên nói nhiều năm qua, anh thường nhận được thắc mắc vì sao chưa từng tham gia các kỳ hội diễn toàn quốc lẫn khu vực. Theo Thành Lộc, từ lâu anh đánh giá đa số liên hoan "không có giá trị thực", mập mờ về cách chọn giải.
"Nhiều vở đoạt huy chương rất cao, song đến lúc công diễn, không khán giả nào mua vé, phải đóng cửa, cất kho. Ngược lại, những tác phẩm không đoạt giải rình rang vẫn có đời sống riêng", anh nói. Nghịch lý đó làm anh bức xúc suốt hơn 40 năm, lúc tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM đến nay, từ đó sinh tâm lý "sợ thi thố".
Ngoài ra, nhiều tiêu chí của ban tổ chức cũng khiến Thành Lộc thấy bất hợp lý, chẳng hạn quy định về thời gian vở diễn. Theo anh, mỗi tác phẩm kịch là một đứa con tinh thần của đạo diễn, việc cắt xén thời lượng có thể ảnh hưởng đến nội dung, trải nghiệm của khán giả. Anh từng đi xem nhiều vở kéo dài sáu giờ ở nước ngoài, công chúng vẫn ở lại thưởng thức đến phút cuối. "Thời gian ngắn, dài không phải thước đo, mà hàm lượng thông tin của tác phẩm mới quan trọng", anh quan niệm.
Nghệ sĩ nói ban đầu, anh và sân khấu Thiên Đăng - nơi anh đang làm giám đốc nghệ thuật - không định tham gia liên hoan sắp tới của thành phố. Khi bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - ngỏ lời mời, anh từng từ chối với lý do "đơn vị mới thành lập hơn một năm". Sau cùng, Thành Lộc quyết định đăng ký vì cho rằng sự kiện sẽ là dịp để các sân khấu giao lưu, kết nối chặt chẽ hơn, đúc rút nhiều bài học làm nghề. Theo anh, những năm qua, các đơn vị chủ yếu "cơm nhà ai, người nấy nấu", chưa có sự cọ xát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
"Chúng tôi già rồi, không ham danh tiếng hay huy chương. Điều khiến tôi trân trọng là được gặp gỡ đồng nghiệp, chia sẻ cảm xúc, khoe những 'đứa con' tâm huyết", Thành Lộc nói.
Đại diện nhiều đơn vị khác đồng tình với quan điểm của Thành Lộc. Nghệ sĩ Thành Hội - đồng sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh - cho rằng ban tổ chức Liên hoan sân khấu TP HCM nên bỏ quy định về thời lượng. Theo diễn viên Ái Như, ở các buổi thi, hội đồng nghệ thuật nên xem vở kịch cùng khán giả, thay vì ngồi ở khu vực bàn ghế riêng như những hội diễn khác.
Đại diện ban giám khảo - nghệ sĩ Ca Lê Hồng - tiếp thu các đóng góp từ đại diện các sân khấu. Chiều 13/11, bà sẽ trình bày trong buổi họp hội đồng nghệ thuật để cơ quan quản lý kịp thời điều chỉnh thể lệ. "Nhiều ý kiến tôi thấy xác đáng, chẳng hạn các giám khảo nên ngồi xem cùng công chúng để cảm nhận rõ hơn không khí tác phẩm", bà nói.
Liên hoan quy tụ 20 sàn diễn trong thành phố với 300 diễn viên tham gia. 26 vở đa dạng về thể loại, từ kịch lịch sử, truyền thống cách mạng đến tâm lý - xã hội, thiếu nhi. Các tác phẩm có thời lượng 90-150 phút, được dàn dựng từ năm 2021 đến nay. Sự kiện được tổ chức từ ngày 12 đến 29/11, là một trong những hoạt động trọng tâm của thành phố, hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Thành Lộc, 63 tuổi, sinh trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, với cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua loạt vở kịch Dạ cổ hoài lang,Cậu đồng, Ngôi nhà không có đàn ông, Hợp đồng mãnh thú, Tấm Cám. Nghệ sĩ còn góp mặt trong các phim điện ảnh với vai nhỏ, như Mùi ngò gai, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể, làm giám khảo Vietnam Got's Talent 2012.
Năm 1997, anh hợp tác với sân khấu kịch Idecaf năm 1997 - do ông "bầu" Huỳnh Anh Tuấn thành lập, mặt bằng thuê ở Viện trao đổi văn hóa với Pháp. Anh là diễn viên chính, kiêm giám đốc nghệ thuật của sân khấu. Cuối thập niên 1990 - đầu 2000, Idecaf thổi luồng gió mới vào bộ mặt kịch nói Sài Gòn, với loạt vở ăn khách, ở dòng kịch thiếu nhi lẫn người lớn. Trong đó, nghệ sĩ Thành Lộc được khán giả và giới chuyên môn xem là tên tuổi trụ cột của điểm diễn. Hồi tháng 5/2023, sau 26 năm hợp tác, Thành Lộc rời Idecaf vì "không còn chung quan điểm". Sau đó, anh lập sân khấu Thiên Đăng, thu hút nhiều nghệ sĩ hợp tác.
Mai Nhật
Post a Comment