Điện ảnh Việt 2024 có doanh thu 1.900 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay nhờ Trấn Thành, Lý Hải, song mặt bằng chung còn yếu kịch bản.
Tổng doanh thu phim rạp trong nước năm nay vượt mốc 4.600 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập. Trong đó, phim Việt đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40%. Ông Nguyễn Khánh Dương - nhà sáng lập Box Office - nhận định 2024 là năm phim Việt có doanh số cao nhất từ trước đến nay, trong đó hai tác phẩm Mai (Trấn Thành sản xuất) và Lật mặt 7 (Lý Hải) góp công lớn.
Ra mắt dịp Tết Giáp Thìn, Mai - tác phẩm 18+ do Tuấn Trần, Phương Anh Đào đóng chính, Trấn Thành đạo diễn - nhanh chóng tạo cơn sốt. Sau hơn 20 ngày, Mai vượt mốc 500 tỷ đồng, là phim Việt doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Thành công của Mai gây bất ngờ ngay cả với Trấn Thành. Đạo diễn cho biết gặp thách thức bởi chủ đề không hợp số đông - xoay quanh những người phụ nữ lỡ thời. Chuyên trang Deadline từng nhận định thành tích của Mai - bên cạnh một số phim Việt khác - phản ánh sự phục hồi của thị trường phim Việt sau đại dịch.
Gần ba tháng sau khi Mai công chiếu, Lật mặt 7 tiếp tục gây chú ý dịp lễ 30/4-1/5. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - đại diện cụm rạp CGV, tác phẩm đạt 102.000 vé bán trước, một kỷ lục của phim Việt. Sau 40 ngày ra rạp, phim vượt Nhà bà Nữ trở thành tác phẩm ăn khách thứ hai trong lịch sử phòng vé, thu về 482 tỷ đồng.
Lật mặt 7 còn tạo hiệu ứng lớn trên các nền tảng mạng xã hội. Hôm 27/12, hashtag tên phim đạt 2,6 tỷ lượt xem trên TikTok - cao nhất so các phim trong nước. Hôm 16/12, phim có tên trong danh sách 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm, được cơ quan quản lý đánh giá là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Đạo diễn Victor Vũ đánh giá thành công của Trấn Thành và Lý Hải năm nay cho thấy tầm quan trọng của việc nắm bắt thị hiếu khán giả. "Cả hai đều thực hiện những tác phẩm có màu sắc riêng, đậm tính kết nối với khán giả - điều cần thiết với phim Việt, từ đó mang lại hào hứng cho người xem", anh nhận định.
Ngoài Lý Hải và Trấn Thành, bức tranh phim Việt năm nay ghi nhận sự lên ngôi của dòng phim kinh dị. Cuối tháng 8, Ma da (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng) bất ngờ thắng lớn dù không được quảng bá rầm rộ. Tác phẩm chạm đích với 119 tỷ đồng, trở thành phim tâm linh trong nước ăn khách nhất từ trước đến nay. Phim lấy cảm hứng từ giai thoại ở vùng sông nước, xoay quanh một phụ nữ (Việt Hương đóng) chuyên làm công việc vớt thi thể người gặp tai nạn ở rừng ngập mặn Năm Căn (Cà Mau).
Hai phim Việt sau đó cũng thành công với thể loại kỳ bí - rùng rợn. Ra mắt vào tháng 9, Cám (dựa trên truyện cổ Tấm Cám) thu về 96 tỷ đồng, trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất của đạo diễn Trần Hữu Tấn (từng thực hiện phim Chuyện ma gần nhà). Nối tiếp Cám, Linh miêu - phim khai thác truyền thuyết "quỷ nhập tràng" - đạt 87 tỷ đồng với sự góp mặt của diễn viên Hồng Đào, hoa hậu Thùy Tiên. Trước đó, hồi đầu năm, Quỷ cẩu (đạo diễn Lưu Thành Luân) thu về 108 tỷ đồng, dẫn đầu phòng vé suốt năm tuần liên tiếp.
Nhà sản xuất Đồng Đăng Giao cho rằng với nhiều khán giả, dòng kinh dị như món ăn mới, sau thời gian các tác phẩm tình cảm - gia đình chiếm thế chủ đạo. Trần Hữu Tấn đánh giá dòng phim này đang là "miền đất hứa" cho các nhà làm phim, do đề tài đa dạng về dân gian, văn hóa bản địa. Sau hiệu ứng của Linh miêu, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa khởi động loạt phim về linh dị dân gian, đưa các con vật trong truyền thuyết lên màn ảnh, như lợn năm móng, trăn đầu người, chuột ngũ sắc, hổ tinh.
Dù doanh thu bùng nổ, mặt bằng chung các phim còn hạn chế về kịch bản. Nhiều phim thắng lớn gần đây - như Ma da, Cám, Linh miêu - chủ yếu thu hút khán giả ở thể loại gây tò mò, dàn diễn viên nhưng đều mắc "sạn" ở câu chuyện, xây dựng tình tiết thiếu hợp lý. Điểm chung của các phim là đều có cái kết gây hụt hẫng, "twist" dễ đoán, dù được đầu tư bối cảnh, tạo hình nhân vật.
Charlie Nguyễn cho biết đội ngũ sáng tạo hiện yếu ở phần kể chuyện. Một bộ phim thành công, một trong những yếu tố cốt lõi là kịch bản phải tốt. "Nếu biên kịch yếu, nhà làm phim có cố mấy cũng không thể 'gột nên hồ'", anh nói.
Đồng quan điểm, Nguyễn Quang Dũng cho rằng phim Việt hiện thiếu câu chuyện hay, một phần vì nghề biên kịch chưa đem lại thu nhập cao. Theo đạo diễn, mức giá trung bình trong nước của một đầu kịch bản hiện dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Các đạo diễn đánh giá sắp tới, thách thức của nhà làm phim đến từ việc thiếu hụt nguồn kịch bản chất lượng, sự cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến quốc tế. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: "Khán giả ngày nay yêu cầu cao hơn về nội dung, chọn lọc phim kỹ. Cốt truyện chặt chẽ, thông điệp rõ ràng và cảm xúc chân thực có thể là những yếu tố then chốt để họ mua vé".
Quang Dũng dự đoán thành công tiếp tục đến với các nhà làm phim như Lý Hải, Trấn Thành, bởi khả năng tự đầu tư, quyết định kinh phí cho câu chuyện họ muốn kể. Về xu hướng thể loại, theo anh, điện ảnh cũng như thời trang, mang tính xoay vòng. "Ở giai đoạn này, khán giả Việt cần những phim gần gũi về tâm lý, tình cảm. Nhưng nếu đến trạng thái bão hòa, công chúng sẽ chuyển sang món ăn khác", anh nhận định.
Mai Nhật
Post a Comment