Chuyên gia máy tính Paul Graham cho rằng trí tuệ nhân tạo AI mở ra kỷ nguyên mới, nhưng có thể khiến con người mất khả năng viết lách và tư duy.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là đề tài thu hút nhiều chú ý. Các nhà nghiên cứu chỉ ra khả năng học hỏi và bắt chước của AI có thể thay con người đảm nhận nhiều công việc. Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, AI chứng tỏ khả năng "lấn sân" khi vẽ tranh, viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc. Nhiều bài thơ do AI sáng tác còn khiến nhiều độc giả nhận nhầm do người viết, theo đại học Pittsburgh.

Trên blog cá nhân, chuyên gia máy tính kiêm doanh nhân Mỹ Paul Graham, 60 tuổi, đặt ra viễn cảnh nếu AI có thể viết thay con người, liệu nhân loại có mất khả năng tư duy.

Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của ông Paul Graham:

"Tôi thường do dự khi đưa ra những dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin khi nói điều này: Trong vài ba chục năm nữa, sẽ chẳng còn mấy ai biết viết.

Nếu là một tác giả, một trong những điều lạ nhất bạn có thể nhận ra là nhiều người gặp rắc rối với việc viết. Cũng như các bác sĩ biết số bệnh nhân lo lắng về các nốt ruồi của họ. Hay những người giỏi cài đặt máy tính hiểu có nhiều người mù mờ việc này. Các tác giả hiểu có nhiều người cần được giúp đỡ khi viết lách.

Lý do nhiều người gặp trở ngại khi viết là bởi công việc này về cơ bản là khó nhằn. Để viết giỏi, bạn cần có tư duy rành mạch, mà tư duy rành mạch thì không hề dễ.

Dẫu thế, hoạt động viết hiện diện ở mọi ngành nghề. Công việc càng danh giá càng có khuynh hướng đòi hỏi kỹ năng viết nhiều hơn.

Kỳ vọng thường trực vào việc viết và mức độ khó khăn của nó - hai yếu tố đối trọng nhau - tạo nên áp lực rất lớn cho nhiều người. Chẳng thế mà nhiều giáo sư danh tiếng cũng đạo văn. Điều khiến tôi choáng nhất ở các trường hợp này là họ thường đạo những thứ vụn vặt. Những gì họ thuổng là mấy thứ tầm thường nhất - loại nội dung mà bất kỳ ai, dù chỉ có một nửa năng lực viết lách cho đàng hoàng, cũng có thể viết ra dễ dàng. Chuyện này cho thấy trình viết của một số học giả còn chưa chạm mức trung bình.

Sẽ không có nhiều người biết viết lách trong vài thập niên tới

Chuyên gia máy tính, doanh nhân Paul Graham. Ảnh: Inc

Đến nay, chưa có lối thoát nào cho gánh nặng này. Bạn có thể trả tiền thuê người viết cho bạn, kiểu như Tổng thống John F. Kennedy từng thuê người soạn diễn văn, hoặc chọn đạo văn giống Martin Luther King. Tuy nhiên, nếu ở trường hợp bạn không thể mua chữ hoặc ăn cắp con chữ, bạn phải tự mình viết ra chúng. Kết quả là hầu như bất kỳ ai muốn viết tốt đều phải học.

Bối cảnh hiện nay khác rồi. AI mở ra một kỷ nguyên mới, làm đảo lộn trật tự thế giới. Hầu hết áp lực của việc viết tan biến. Bạn có thể nhờ AI viết nhiều thứ cho mình, cả ở trường và nơi làm việc.

Kết quả là thế giới này sẽ được chia thành nhóm biết và không biết viết. Dẫu vậy, tôi nghĩ một số cá nhân vẫn còn khả năng này trong tương lai - vài người trong chúng ta thích điều đó. Song, nhóm trung gian giữa những người viết giỏi và những người không biết viết sẽ biến mất. Xã hội thay vì có những người viết giỏi, người viết tạm được và người không biết viết, thì giờ chỉ còn những người viết giỏi và người không có khả năng viết.

Như thế có tệ lắm không? Chẳng phải cũng là lẽ thường khi một số kỹ năng sẽ bị đào thải do sự phát triển của công nghệ khiến chúng lỗi thời? Ví dụ, giờ không còn nhiều thợ rèn nữa nhưng điều đó cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều.

Dù nói thế, với tôi, đây là viễn cảnh tệ. Nguyên nhân nằm ở vấn đề tôi đề cập trước đó: Viết chính là tư duy. Thực tế, có một dạng tư duy chỉ có thể được hình thành bằng cách viết ra. Không ai có thể diễn giải thông điệp này xuất sắc bằng nhà toán học Leslie Lamport: "Nếu bạn tư duy mà không viết ra thì bạn mới chỉ tưởng là mình đang tư duy".

Vì lẽ đó, tôi cho rằng việc thế giới bị chia thành hai nửa - người biết viết và không biết viết - nguy hiểm hơn ta hình dung. Đó sẽ là thế giới của những người biết và không biết tư duy. Trong viễn cảnh đó, tôi hiểu rõ tôi muốn thuộc về phe nào, và tôi dám cá là các bạn cũng thế.

Trong quá khứ, tình huống giả định trên từng xảy ra. Thời tiền công nghiệp, thể lực của nhiều người tốt là nhờ làm công việc tay chân. Giờ đây, nếu muốn khỏe mạnh, bạn phải tập thể dục. Ngày nay, vài cá nhân vẫn có sức lực tốt dù nghề nghiệp của họ không cần vận động nhiều. Đó là do họ chọn kiên trì tập luyện.

Điều này cũng giống như chuyện viết lách thôi. Vẫn sẽ có những người thông minh, nhưng chỉ với những người chọn trở thành như thế".

Sẽ không còn nhiều người biết viết trong vài chục năm nữa

Chuyên gia máy tính Mỹ Paul Graham cho rằng trong vài thập niên tới, rất nhiều người sẽ đánh mất khả năng viết bằng chính tư duy của họ. Ảnh: ChatGPT

Câu chuyện rèn luyện kỹ năng viết không phải vấn đề duy nhất ông Paul Graham quan tâm. Tác giả từng chỉ ra mối liên kết giữa ba hoạt động đọc - viết - tư duy.

Với ông, việc đọc rất quan trọng. Năm 2022, Graham đăng một bài viết về nhu cầu đọc sách của con người, cho rằng không có phát minh nào thay chúng ta làm điều này. Ông lấy ví dụ trong những quyển truyện viễn tưởng từng xem lúc nhỏ, nhân vật sẽ tiếp thu kiến thức bằng cách nghe các cuộn băng thần bí như cách chương trình cài đặt vào máy tính. Graham đánh giá công nghệ này rất khó thành hiện thực, hoặc có cũng không hiệu quả. Bởi việc đọc không đơn thuần là hoạt động tiếp nhận câu chữ mà còn là cách để con người học viết.

Trước hết, ông cho rằng với một tác giả giỏi, viết không phải chỉ ghi lại những suy nghĩ như chép một bản sao, mà đó còn là quá trình khám phá ý tưởng mới. Dù không phải chuyện gì cũng cần hạ bút nếu có thể giải quyết trong đầu, thói quen viết sẽ hữu ích khi một người gặp các rắc rối phức tạp, mơ hồ. Từ đó, ông đưa ra nhận định người không giỏi viết gần như luôn có thể gặp khó khăn trong việc xử lý vấn đề.

Cuối cùng, Paul Graham kết luận: "Bạn không thể tư duy tốt nếu không viết tốt, không thể viết tốt nếu không đọc tốt. Và từ 'tốt' ở đây mang hai nghĩa. Bạn phải giỏi đọc và biết tiếp thu những điều hay".

Ông Paul Graham, 60 tuổi, là lập trình viên, nhà đầu tư kiêm tác giả viết sách. Ông có bằng tiến sĩ Khoa học máy tính của Đại học Harvard, từng học hội họa tại trường thiết kế Rhode Island, Mỹ, và Học viện Mỹ thuật Florence, Italy. Năm 1995, Graham thành lập công ty phần mềm dịch vụ Viaweb và được Yahoo mua lại vào ba năm sau. Ông cũng là đồng sáng lập công ty vườn ươm khởi nghiệp (startup incubator) năm 2005, tài trợ hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp gồm Airbnb, Dropbox, Stripe và Reddit.

Năm 2001, ông bắt đầu xuất bản các bài luận trên trang cá nhân hiện có khoảng 25 triệu người xem mỗi năm. Ông cũng là tác giả một số sách về lập trình như On Lisp (1993), ANSI Common Lisp (1995) và Hackers & Painters (2004).

Phương Thảo (theo paulgraham)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top