Tổng Bí thư Tô Lâm đặt mục tiêu văn hóa nghệ thuật phải phục vụ, cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân bởi cuộc sống không chỉ có cơm ăn, áo mặc.
Trong buổi gặp gỡ đại biểu văn nghệ sĩ chiều 30/12 ở Hà Nội, Tổng bí thư Tô Lâm vạch ra vai trò, đường hướng, nhiệm vụ của giới văn nghệ sĩ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông nêu vấn đề: "Chúng ta suy nghĩ gì khi một bộ phận người dân không những chưa được no, được ấm mà còn đói văn hóa nghệ thuật?".
So với thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Tổng bí thư nhận định hoạt động văn học nghệ thuật ở giai đoạn đổi mới của đất nước còn đang chững lại, số lượng sáng tác nhiều nhưng thiếu vắng những tác phẩm để đời, có tầm cao nghệ thuật. Nền văn học nghệ thuật chưa phản ánh sinh động, đầy đủ thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, lúng túng, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, chưa kịp thời ngăn chặn "luồng gió độc" của văn hóa ngoại lai.
Hoạt động lý luận, phê bình còn tụt hậu, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của cuộc sống, xa rời thực tiễn, xơ cứng, chưa thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, điều phối. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn yếu kém.
Một số văn nghệ sĩ còn thụ động, thiếu khát vọng, chưa dấn thân, thậm chí tha hóa về tư tưởng chính trị, chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích cá nhân, vi phạm pháp luật. Môi trường hoạt động nghệ thuật có lúc, có nơi chưa thật sự tạo ra mạch nguồn cảm hứng, góp phần khơi dậy khát vọng, đam mê của văn nghệ sĩ.
Để đạt được các mục tiêu lớn, Tổng bí thư gợi ý một số giải pháp. Đầu tiên, cần gia tăng đóng góp, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước. Theo đó, đội ngũ văn nghệ sĩ cần sáng tạo nên những tác phẩm để đời với nghệ thuật giản dị, có hồn, đặc sắc và có chiều sâu để kiến tạo nhân cách văn hóa. Thứ hai, tập trung xây dựng nền văn học nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng xứng tầm trong kỷ nguyên mới. Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật.
Các ban ngành liên quan cần giải quyết những vấn đề tồn tại đã lâu trong ngành văn hóa. Ông lấy ví dụ việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, đã tám năm bế tắc. "Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm. Sai thì nhận sai. Càng để lâu càng lãng phí", Tổng bí thư Tô Lâm nói.
Trước đó, qua các dẫn chứng lịch sử, Tổng bí thư khẳng định vị trí, vai trò của văn nghệ sĩ, những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là "chiến sĩ" trên mặt trận văn hóa.
Ông nhắc lại thời điểm năm 1943, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Đề cương văn hóa Việt Nam đã ra đời, đến nay, sau hơn 80 năm, vẫn còn nguyên giá trị. Ngay sau khi giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trong cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội".
Kết thúc bài phát biểu, Tổng bí thư Tô Lâm tri ân hàng trăm văn nghệ sĩ nhiều vùng miền đã đóng góp các ý kiến xây dựng. Ông cảm ơn các ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người đau đáu vì ngành văn hóa nước nhà.
Ông Nguyễn Khoa Điềm trước đó xúc động nhớ lại gần 40 năm trước, trong chương trình Đổi mới của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ giới văn nghệ sĩ trong hai ngày, cùng bàn luận nhiều vấn đề văn hóa. Theo ông, bầu không khí sáng tác văn học nghệ thuật khi ấy vẫn ảnh hưởng đến ngày nay. Sau gần 40 năm, khi đất nước bước vào kỷ nguyên với những yêu cầu mới, cuộc gặp gỡ lần này tiếp tục tạo ra những cơ hội quý.
Tại sự kiện, các đại biểu thuộc nhiều lĩnh vực chỉ ra những ưu điểm lẫn các vấn đề tồn đọng của ngành văn hóa, đề xuất cơ chế, giải pháp. Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đại diện các tác giả quân đội nói về khát khao đưa văn học Việt ra quốc tế. Theo ông Phương, nhà văn khi sáng tác cần độc lập, tự chủ, đảm bảo tinh thần tự do sáng tạo, nhưng tác phẩm ra đời sẽ thuộc về cộng đồng. Văn học trong nước có nhiều cuốn hay và nhân văn nhưng gặp khó khăn về "đầu ra" do nền dịch thuật chưa phát triển. Ông mong muốn có cơ sở dịch thuật tầm cỡ quốc gia, tạo điều kiện đưa văn học Việt đến với bạn bè quốc tế.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cho rằng cần rà soát, bổ sung hệ thống văn bản về đào tạo nguồn lực văn hóa nghệ thuật; có các chế độ, chính sách hỗ trợ, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, xây dựng chính sách phù hợp với đội ngũ giáo viên, giảng viên và tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - mong muốn có cơ chế hợp tác công - tư, để các phim do Nhà nước sản xuất được phổ biến rộng rãi. Hiện tại, các sản phẩm công phải nộp 100% doanh thu cho Nhà nước, khiến các rạp tư nhân không mặn mà phát hành các phim chính trị, tài liệu. Ngoài ra, ông Tú cho rằng cần có chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, gắn du lịch với điện ảnh.
Hà Thu
Post a Comment