(Techz.vn) Gap year không đáng sợ đâu, miễn là bạn biết mình muốn thử những điều gì trước khi nghỉ học nhé. Và quan trọng là chịu trách nhiệm với bản thân mình và không ảnh hưởng tới ai là được rồi.
Tôi đưa ra quyết định tạm hoãn việc học trên trường vào một ngày thu đầu năm học 2017 – 2018, tức là khi tôi vừa kết thúc mùa hè năm nhất và chuẩn bị trở thành sinh viên năm hai.
Tôi viết những dòng này khi đang là một sinh viên năm ba trên giấy tờ và một sinh viên năm hai trên thực tế. Tôi vẫn đi học, đi chơi, và vẫn có thật nhiều câu hỏi về cuộc sống và công việc như những người bạn đồng trang lứa.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đây chắc chắn là món quà tuyệt vời nhất mà tôi đã dành tặng cho bản thân vào năm 18 tuổi.
Vì sao tôi lựa chọn để trường đại học chờ mình thay vì chờ nốt 3 năm?
1) Tôi sợ cảm giác 6h45 mùa đông phi xe máy đến trường và tự hỏi mình đi đến đây để làm gì.
2) Tôi muốn thử bước chân vào thế giới người đi làm và tạo ra những giá trị thực chất.
3) Tôi muốn thử nghiệm những hoạt động về nghệ thuật, vì tôi nghĩ mình khá có duyên với sân khấu.
4) Tôi muốn tự lo cho cuộc sống của mình về mặt tài chính, vì gia đình đang ở thời điểm không đủ chi trả cho những hoạt động cá nhân của tôi, bao gồm cả tiền học.
Thuyết phục bản thân về mặt tâm lý xong, tôi hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, làm đơn cho trường, nộp giấy tờ chứng minh đã đóng đủ tiền học và bảng điểm, và tôi chính thức được giải thoát khỏi trường trong tối đa 2 năm.
Nguồn: FBNV.
Với to-do list trong đầu, 1 năm sau đó, tôi đã làm những gì?
1) Tôi đi thực tập/làm tại 3 nơi chính thức và một số nơi không chính thức để vừa trau dồi nghề nghiệp vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống.
2) Tôi đăng ký tham gia một lớp học hài kịch và từ đó tham gia hỗ trợ cho các buổi biểu diễn trong năm của các anh chị.
3) Tôi đi du lịch bằng số tiền mình kiếm được, đi một mình hoặc với bạn.
4) Tôi chuyển đến sống tại một thành phố khác trong 4 tháng.
Nếu chỉ để so sánh với những kỳ vọng cá nhân ở trên, tôi nghĩ mình đã là một người gap year khá thành công.
Và sau đây là 5 bài học tôi rút ra sau một năm gap year.
Nếu bạn thích làm điều gì đó, hãy cứ làm nó một cách hết mình.
Một câu nói xuất hiện trong hơn 1000 bộ phim dành cho tuổi teen lạc lõng nhưng luôn đúng cho tất cả! Chỉ cần bạn làm những điều bạn đang làm, dù là nhỏ nhất hoặc bản thân bạn chưa để ý, nó vẫn sẽ dẫn bạn tới công việc bạn yêu thích.
Tôi đã từng nghĩ không biết mình nên làm công việc gì, cho đến khi tôi nhận ra mình là người nói rất nhiều.
Mùa hè năm đó, tôi chuyển sang thực tập cho một công ty công nghệ để tập nhìn ngành dưới góc độ client, cũng là thách thức sự low-tech của bản thân. Thật may mắn khi những lỗi hay mắc phải ở agency đã giảm bớt, bắt đầu nhận được những lời động viên từ các anh chị. Dù giá trị mang lại cho công ty chưa gọi là lớn, nhưng cảm giác mình đang lớn lên và đóng góp từng ngày quả thực rất vui.
Tôi nghĩ rằng, không phải do sinh viên chúng ta không biết sẽ làm công việc gì, mà chỉ đơn giản là không có đủ thông tin để biết ngành nghề bên ngoài kia đa dạng ra sao. Vừa thích nhân sự vừa thích truyền thông, bạn có thể làm về Employer Branding. Thích chơi game, bạn có thể thử nghiên cứu làm Game Tester. Đó là những ngành nghề mà chúng ta không biết sẽ giải thích với bố mẹ ông bà như thế nào, nhưng lại là những con sóng xu hướng hiện nay.
Nguồn: FBNV.
Hãy độc lập tài chính, nếu không bạn chả có quyền gì mà đòi hỏi cả.
Quyết định gap year đồng nghĩa với việc tự chủ động cuộc sống của chính mình về vấn đề tiền nong. Trách nhiệm của một người trưởng thành bắt đầu từ việc anh ta chi trả cho những khoản tiêu của mình thay vì dọa tự tử vì không được mẹ mua cho đôi Adidas mới ra lò.
Đại học khiến tôi choáng váng với mức học phí lên đến gần chục triệu mỗi kỳ, tiền xăng xe và tiền chi tiêu khác mỗi ngày, nhất là khi gia đình vốn thuộc vào tầng lớp kinh tế thấp. Vì vậy ngay khi bắt đầu gap year, độc lập tài chính là ý nghĩ xuất hiện đầu tiên trong đầu tôi.
Tôi tìm kiếm yếu tố đầu vào ở các công việc "làm ra tiền", song song lấy số tiền đó để đầu tư vào giáo dục bản thân ở những môi trường tiền ít mà học nhiều. Khi quyết định chơi lớn xem bản thân có trầm trồ không, tôi đã chuyển vào Sài Gòn sống trong 4 tháng.
2 tuần trước đó, tôi lên kế hoạch các khoản tiền mình đang có và sẽ có khi đi làm ở miền Nam, chi tiêu mỗi tháng như thế nào. Các khoản cố định thì là tiền ăn mỗi ngày, tiền nhà trọ, tiền xăng xe, tiền giải trí mỗi tuần, còn lại là các khoản có thể du di được như tiền mua quần áo, du lịch. Và quả thật, tôi đã phải cắt đi gần hết các khoản ở vế thứ 2 vì một vài yếu tố "người tính không bằng trời tính" (khách suýt không trả tiền, bị đòi nợ sớm, khao mẹ đi du lịch miền Nam…).
Sau 4 tháng ấy, tôi càng coi trọng những đồng tiền mình kiếm ra hơn, biết nên chi vào đâu và khi nào là điểm dừng. Tôi không còn giật mình khi thấy các bạn ở trường nói về việc mua máy tính mới, giày xịn điện thoại xịn nữa, vì chỉ đơn giản là mỗi người đều có một nguồn đầu vào khác nhau. Nếu mọi người may mắn có ba mẹ thì tôi may mắn có đôi bàn tay và khối óc mình.
Nguồn: FBNV.
Hãy đi đến những nơi mọi người không biết bạn là ai.
Bạn sẽ biết ơn với tất thảy mọi điều cỏn con trên thế giới này.
Niềm hạnh phúc của tôi một năm qua là đi đến những không gian mà hiếm khi mọi người biết về tôi hay có bạn chung trên Facebook.
Một cô bán hoa quả đề nghị trả tiền tàu ở Huế vì sợ tôi là sinh viên nghèo không kịp về Hà Nội ăn Tết.
Một chú soát vé tàu giảm tôi nửa giá vé.
Một anh sinh viên Đà Nẵng chở tôi ra tận bến xe đi Huế mà không đòi hỏi một xu...
Đến cuối ngày, chúng ta cũng chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ này thôi nhỉ? Mỗi người đều có công việc của người đó. Nếu ai cũng đòi làm việc lớn thì ai sẽ làm những việc nhỏ đây?
Tôi trở về Hà Nội với một trái tim khiêm tốn hơn.
Khoảng cách giữa bạn và người lạ chỉ là một câu "xin chào".
Chỉ cần mở lòng cho những câu chuyện và chặng hành trình mới, bạn sẽ đến được nơi bạn chưa từng đến, làm những việc bạn chưa từng làm, và kết nối lại với những người mà bạn không bao giờ ngờ đến.
Tôi luôn nghĩ mình là người vui vẻ hài hước, cho đến khi tôi gặp nhóm hài kịch ứng tác ở Hà Nội – những con người dạy tôi rằng hài hước yêu cầu sự thông minh, nhạy bén và lắng nghe. Chuyện này dẫn đến chuyện kia, tôi dần mò ra được các cộng đồng cởi mở và phóng khoáng tương tự và học hỏi từ họ.
Luận điểm của tôi là, nếu bạn nghĩ mình là người khó kết bạn, thì vấn đề chỉ là bạn chưa tìm được cộng đồng mình muốn thôi. Bắt đầu từ việc theo dõi những sự kiện trên mạng xã hội, vào các hội nhóm liên quan, đi học một ngôn ngữ mới chẳng hạn, tôi cá là sẽ có những người bạn tiềm năng của bạn ở đó.
Mọi thứ đều cần thời gian.
Một người sếp "siêu nhân" của tôi từng nói cho tôi nghe về từ kinh nghiệm. Cơ bản là, nếu bạn có kinh nghiệm, bạn có thể làm mọi thứ nhanh hơn và thế là xong. Nhưng bạn cậu học hỏi nhiều hơn và làm mọi thứ từ vốn liếng của bản thân mình, bạn có thể làm chậm hơn một chút nhưng kết quả sẽ sáng tạo hơn. Hãy phân biệt giữa kinh nghiệm và lặp lại, vì chúng ta cần đi xa thay vì lao vào đi nhanh ở những bước đầu.
Càng đi làm nhiều, tôi càng muốn quay lại học. Tôi muốn bản thân mình sâu sắc hơn. Sau những chật vật đi làm với tư cách sinh viên năm nhất, tôi khá tự hào khi đã bắt đầu quen tay quen mắt ở một vài công việc. Tuy nhiên, khi động đến các vấn đề cần quyết ở tầm cao hơn bằng kiến thức vĩ mô, tôi lại tỏ ra lúng túng.
Rồi đến các kỹ năng chuyên môn, bài bản của một người làm truyền thông tôi cũng chưa mạnh, toàn là những điều cần nghiên cứu sâu thêm để hiểu mà tôi cứ hời hợt thả trôi. Tuy nhiên tôi lại coi đó là một tài sản, bởi giờ tôi biết rằng mình… không biết những gì.
Nguồn: FBNV.
Nếu ai hỏi tôi có sợ ra trường muộn hơn bạn bè không, tôi sẽ nói là không. Làm thì làm cả đời, học tập thì chỉ có cữ, nên hãy tập trung vào học nhiều nhất miễn sao không ảnh hưởng tới ai và bật xa hơn sau này. Ra ngoài trải nghiệm trước, sau đó có trường đại học để lùi về, nhìn lại bản thân và vẽ một bản đồ cho riêng mình, lúc ấy thì 100 bảng điểm 4.0 hay 1000 thư mời làm việc tại các MNCs của các bạn đồng trang lứa cũng chẳng khiến bạn áp lực nữa.
Vì đơn giản, bạn biết bạn muốn gì, lõi giá trị của bạn ra sao, không phải bạn không thể đạt được những điều kia mà chỉ đơn giản đó không phải cái bạn hướng tới. Nếu sau này bạn muốn điểm cao, làm ở công ty to, thì hãy cứ thoải mái mà làm, vì tôi tin lúc đó chúng ta đang làm việc có mục đích chứ không phải chạy theo những điều vô nghĩa.
Ít nhất bây giờ, tôi hạnh phúc vì đã quẳng đi những thang đo trường đại học gán cho sinh viên mà cá nhân tôi không thích. Tôi tự tin đặt ra những thang đo hạnh phúc mới: số km, số trang sách, số bộ phim, số bài hát, số người hay ho, số blog posts… Đương nhiên tôi vẫn sẽ làm việc, làm một nhân viên tạo ra giá trị cho xã hội qua các công ty tổ chức với một sự ràng buộc, kỷ luật, hướng tới kết quả, có tâm. Đó sẽ là phương tiện để tôi đạt được những mục đích tốt đẹp, tôi hi vọng và tin tưởng như vậy. Tương tự như việc hoàn thành nốt chương trình đại học, nếu bạn biết đó sẽ là cánh cửa dẫn bạn tới một cơ hội tốt hơn.
"What you get by achieving your goals is not as important as what you become by achieving your goals".
Gap year không đáng sợ đâu, miễn là bạn biết mình muốn thử những điều gì trước khi nghỉ học nhé. Và quan trọng là chịu trách nhiệm với bản thân mình và không ảnh hưởng tới ai là được rồi.
Theo: Trí Thức Trẻ
Ghi nhớ 25 phím tắt đơn giản này để làm việc nhanh hơn trên máy Mac
(Techz.vn) 25 phím tắt dưới đây cực kỳ hữu ích cho dân văn phòng, giúp cho bạn có thể tiết kiệm được khối thời gian.
Thông báo tuyển dụng
Chuyên trang công nghệ Techz.vn tuyển dụng CTV nội dung. Các bạn đam mê công nghệ và muốn thử thách bản thân, vui lòng đăng ký tại đây.
Post a Comment