Trong "Thương nhớ hoàng Lan", Trần Thùy Mai in lại các truyện ngắn để tri ân độc giả sau một năm chị gặt hái giải thưởng văn chương.

Tuyển tập xuất bản cuối tháng 11, gồm các truyện ngắn nổi tiếng của nữ tác giả như Trăng nơi đáy giếng, Gió thiên đường, Thập tự hoa... Năm nay, chị đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm của Hội Nhà văn Việt Nam, giải Sách Hay - IRED, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức - nhờ bộ tác phẩm Từ Dụ Thái hậu.

Sách Thương nhớ hoàng lan. NXB Phụ Nữ và Phanbook phát hành sách cuối tháng 11. Đa phần các truyện nói về tình yêu lãng mạn, một số được lấy cảm hứng từ các tích xưa như Nữ thần đi chân đất, Thể Cúc. Ngoài ra, bối cảnh của truyện Người vợ Nhật, Chiếc Phong Linh được đặt ở Nhật. Ảnh: Phanbook.

Sách "Thương nhớ hoàng lan". NXB Phụ Nữ và Phanbook phát hành cuối tháng 11. Đa phần các truyện nói về tình yêu lãng mạn, một số được lấy cảm hứng từ các tích xưa như Nữ thần đi chân đất, Thể Cúc. Ngoài ra, truyện Người vợ Nhật, Chiếc Phong Linh có bối cảnh tại Nhật. Ảnh: Phanbook.

Trong gần 40 năm viết lách, nhà văn lưu tâm đến những phụ nữ có số phận xót xa, nổi bật qua 24 truyện. Như Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng, vì không sinh được con, nên phải tìm vợ mới cho chồng, hay Lan trong Về phủ chiều cuối năm, vất vả phục vụ con và người chồng cộc cằn quanh năm, khao khát sự lãng mạn, dịu dàng của tình yêu đôi lứa, nên vướng vào mối tình ngoài hôn nhân. Ngoài ra, người đọc gặp lại Mi - cô gái mới lớn, trải qua vị ngọt ngào, đắng cay của mối tình đầu vụn vỡ trong Gió thiên đường, hay một thiếu phụ giam mình trong kỷ niệm, "đóng đinh đời vào dĩ vãng" với Thập tự hoa.

Nội tâm dịu dàng, bao dung, khao khát yêu thương của phụ nữ là chủ đề xuyên suốt trong văn chương của Trần Thùy Mai. Nữ văn sĩ có lối viết tự sự, không cầu kỳ nhưng đem đến cảm xúc miên man, sâu lắng. Như Thương nhớ hoàng lan - một truyện ngắn quen thuộc, ra mắt lần đầu năm 2013, để lại vấn vương trong lòng người đọc với hình tượng cô gái đầy ân tình. Cô chấp nhận lấy chồng xa, đặt dấu chấm hết cho cuộc tình ngang trái với một thầy tu, chỉ để lại nhánh hoàng lan tặng người thương.

Đôi khi, tác giả nhập vai đàn ông, dẫn dắt câu chuyện với dòng suy nghĩ của họ về phái nữ - từ đó bóc tách những bất ngờ ẩn sâu trong nội tâm của đàn bà. Truyện Chiếc phao cứu sinh, từng được đăng trên Tạp chí sông Hương vào 2008, được viết dưới góc nhìn của nam họa sĩ danh tiếng về một cô gái đã có chồng. Đến cuối truyện, nhân vật nam chính và đọc giả mới nhận ra người đàn bà này chung thủy, sống nghĩa tình.

Trần Thùy Mai duy trì lối hành văn khúc chiết, không bóng bẩy, đậm sắc thái lãng mạn, trầm tĩnh như không khí của xứ Huế - quê hương chị. Từ phủ Đinh Đức Vương, lăng Tự Đức, am Bích Vân, tới căn gác nhỏ của gia đình, Trần Thùy Mai vẽ nên xứ Huế tĩnh mịch, làm nền cho những tâm hồn xao động, khao khát yêu thương.

Chân dung nhà văn Trần Thùy Mai. Chị viết nhiều về tình yêu vì muốn đề cao các rung động chân thật, xuất phát từ nội tâm nhân vật. Nhà văn cho rằng: linh hồn của những câu chuyện phải là lòng thành, niềm tin ở con người và một cái nhìn khai phóng về cuộc sống. Hiện chị đang sống tại San Francisco, không ngừng trau dồi kiến thức về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa. Ảnh: facebook Trần Thùy Mai.

Chân dung nhà văn Trần Thùy Mai. Nhà văn cho rằng: "Linh hồn của những câu chuyện phải là lòng thành, niềm tin ở con người và một cái nhìn khai phóng về cuộc sống". Ảnh: facebook Trần Thùy Mai.

Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, quê quán ở làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Nữ văn sĩ có hàng trăm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến như Quỷ trong trăng, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Thị trấn hoa quỳ vàng... Nhiều tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật... Trần Thùy Mai đã in 16 tập sách, trong đó một số được chuyển thể thành phim như Thập tự hoa (2005), Trăng nơi đáy giếng (2009).

Quỳnh Quyên

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top