Vở rối "Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng", Nhà hát Múa rối Thăng Long, thu hút hàng trăm khán giả.
Tác phẩm công diễn dịp cuối tuần tại nhà hát, mở màn với khung cảnh đậm chất lễ hội khi chú Cuội và chị Hằng từ cung trăng xuống và hòa mình vào các hoạt động như rước đèn, múa sư tử, trống cơm, rối tay... Sau đó, cả hai đưa khán giả đến với các nhân vật trong cổ tích hay phim hoạt hình, viễn tưởng.
Đầu tiên là Alibaba và 40 tên cướp với các nhân vật mặc trang phục xứ Ba Tư cùng nhau tranh đấu. Đan xen là những xiếc tung hứng, điệu múa sôi động. Tiếp theo, thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh, phải chiến đấu với Bạch Cốt Tinh và nhiều yêu quái. Biểu cảm hài hước của Tôn Ngộ Không hay những hành động vụng về của Trư Bát Giới khiến khán giả thích thú, vỗ tay tán thưởng. Truyện cổ tích Bạch Tuyết và bảy chú lùn được khắc họa qua trích đoạn chị Hằng bị mụ phù thủy dụ dỗ ăn quả táo độc. Phim hoạt hình Frozen đưa lên sân khấu qua khung cảnh Elsa, Anna nhảy múa dưới tuyết trắng. Cuối cùng là Spider Man với khả năng bay lượn, phun tơ từ cổ tay và bám dính vào bề mặt.
Rối cạn và rối nước đan xen tạo hiệu ứng cho vở. Ở phần trình diễn tiết mục Trống cơm, ngoài các nghệ sĩ biểu diễn, êkíp sử dụng con rối đang đánh trống và hát mang đến sự sinh động. Khi Alibaba và các tên cướp diễn xiếc, hai con rắn xuất hiện trên mặt nước phun lửa, khói tạo bầu không khí huyền ảo như trong phim. Cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh được tái hiện bằng cả nhân vật đi trên cạn và lướt trên nước, hay những chiếc trống trôi nổi khi được làm phép.
Êkíp thu hút khán giả qua những màn giao lưu, câu hỏi đáp ngắn gọn với các nhân vật. Khi mụ phù thủy hỏi ai là người xấu, các em nhỏ đồng thanh đáp và chỉ về phía họ. Chị Hằng kêu gọi mọi người nhảy múa theo giai điệu bài Let's It Go, còn nhân vật Đường Tăng khiến nhiều em thắc mắc "Vì sao lại đeo kính". Đạo diễn cũng chọn những ca khúc quen thuộc trong và ngoài nước, phối theo phong cách sôi động kết hợp vũ đạo giúp khán giả nhảy múa, hát hưởng ứng.
Đạo diễn Đức Hùng cho biết vở diễn được lên ý tưởng, dàn dựng cách đây ba năm nhưng do dịch, chưa có cơ hội ra mắt khán giả. Dịp này, nhà hát dàn dựng lại sao cho trẻ trung, tươi mới, đánh dấu sự trở lại sau dịch. Theo anh, việc đan xen nhiều nhân vật cổ tích, từ châu Á đến châu Âu, từ cổ tích đến hiện đại tạo sự đa dụng, thu hút khán giả nhí. "Chúng tôi nghiên cứu kỹ về độ tập trung, thị hiếu của các em nhỏ để xây dựng nhân vật phù hợp và thay đổi cảnh diễn liên tục. Chúng tôi muốn đem đến cho khán giả nhí bầu không khí cổ tích sinh động, đồng thời gửi gắm nhiều nét văn hóa truyền thống", anh nói.
Nghệ sĩ múa rối Xuân Long đóng ba vai trong vở diễn, nói xúc động được tái ngộ khán giả. "Khoảnh khắc nhìn hàng ghế chật kín người xem, các em nhỏ vỗ tay, hò reo theo các nhân vật khiến tôi rất vui mừng. Chúng tôi vẫn tập luyện hàng ngày để vở diễn hoàn hảo nhất", Xuân Long nói.
Nghệ sĩ Thanh Hiền - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long - cho biết vài năm trở lại đây, nhà hát tích cực khai thác rối cạn, hoặc kết hợp hai loại hình để thu hút khán giả trong nước, nhất là các em thiếu nhi. Nhân sự của nhà hát tích cực liên hệ với các bên để giới thiệu về các vở diễn. Các nghệ sĩ cũng dàn dựng thêm, tập luyện và điều chỉnh lại các vở rối để phù hợp và hấp dẫn với trẻ em. Bên cạnh các suất diễn tại nhà hát, các nghệ sĩ cũng đến các trường để biểu diễn rối lưu động, các quảng bá tại phố đi bộ, ngay trước cửa nhà hát vào cuối tuần.
Nhà hát Múa rối Thăng Long thành lập năm 1969, trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, là một trong những đơn vị góp phần hình thành diện mạo sân khấu thủ đô. Nhà hát là một trong những địa chỉ luôn sáng đèn đón du khách cả trong nước và quốc tế. Nhà hát từng đưa nghệ sĩ lưu diễn hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Pháp... để quảng bá nghệ thuật múa rối Việt Nam.
Hiểu Nhân
Post a Comment