Thương hiệu Anybag biến rác thải nilon thành túi thời trang, được Miranda Kerr, Adidas và Ralph Lauren ưa chuộng.

Quy trình tái chế túi nilon của Anybag

Quy trình tái chế túi nilon bỏ đi thành sản phẩm thời trang. Video: Anybag

Đằng sau cánh cửa văn phòng của Alex Dabagh - người thành lập Anybag - ở khu phố Chelsea (Mỹ) là một nhà máy sản xuất túi đựng quần áo với các kích cỡ khác nhau, được dệt từ những túi nilon bỏ đi. Nơi này mang tên Park Avenue International, rộng 1.830 mét vuông, vốn sản xuất đồ da, túi cho các thương hiệu gồm Gabriela Hearst, Altuzarra, Proenza Schouler và Eileen Fisher. Dabagh nói với New York Times: "Tôi nghĩ chúng ta phải làm gì đó với rác thải nhựa. Nếu chúng ta có thể dệt da, thì phải có cách dệt nhựa".

Người đàn ông 40 tuổi đã chia nhỏ những chiếc túi nilon, dùng nhiệt hàn kín chúng thành những sợi dài, cố định chúng trên khung dệt lớn và bắt đầu dệt thành từng tấm vải nhựa. Sau vài tháng thử nghiệm và sai sót, anh đã cho ra đời túi Anybag, đem trưng bày tại Tuần lễ thời trang tái chế New York vào tháng 2/2020, vài tuần sau lệnh cấm túi nhựa của thành phố.

Dabagh là một trong số ít chủ doanh nghiệp đảm nhận công việc này ở New York. Rất nhiều công ty tái chế từ chối túi nilon vì chúng làm tắc nghẽn các lò đốt của họ, gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm. Tư duy bền vững của Dabagh được truyền lại từ cha ông - Pierre Dabagh - ngay từ hồi còn nhỏ. Pierre là người Lebanon, đến New York với 300 USD trong tay và bắt đầu làm việc tại nhà máy của một gia đình Hàn Quốc cuối những năm 1970. Sau vài năm học nghề, Pierre mở xưởng làm da Park Avenue International năm 1982. Nhận thức rõ rằng ngành công nghiệp da thuộc ít tính bền vững, ông bắt tay thu gom phế liệu da, tái sử dụng cho các sản phẩm của công ty.

Các thiết bị hình trục xoay được gọi là con thoi được sử dụng trong quá trình làm túi (trái, trên). Túi nhựa được cắt thành các dải và được dệt với nhau bằng dây bông, tạo nên các thước nhựa (phải, trên). Các dây đai làm quai túi (trái, dưới) và được may lên các tấm nhựa dệt. Ảnh: New York Times

Các thiết bị hình trục xoay được gọi là con thoi được sử dụng trong quá trình làm túi (trái, trên). Túi nhựa được cắt thành các dải và được dệt với nhau bằng dây bông, tạo nên các thước nhựa (phải, trên). Các dây đai làm quai túi (trái, dưới) và được may lên các tấm nhựa dệt. Ảnh: New York Times

Dabagh nói: "Mỗi kệ đều có những mảnh da vụn mà chúng tôi mới thu thập. "Chúng tôi không vứt bỏ bất cứ thứ gì. Đó là điều tôi học được từ cha mình. Ông ấy nói với chúng tôi: 'Những thứ này đều đáng giá'".

Dabagh bắt đầu nảy ra ý tưởng tái chế túi rác thành túi thời trang Anybag từ đầu đại dịch năm 2020, khi hoạt động kinh doanh da cốt lõi của Park Avenue International chững lại. Anh đã huấn luyện 40 nhân viên cách sử dụng khung dệt để đan túi nilon từ thùng rác thay cho đồ da. "Khi tôi nói chúng ta sẽ thử làm ra những chiếc túi này, tất cả đều nghĩ tôi bị điên", anh cho biết.

Những ngày đầu, anh thu thập nguồn hàng từ bạn bè và gia đình. Mẹ anh đã thỏa thuận với một siêu thị địa phương ở khu Bay Ridge, Brooklyn để gom lại các túi rác. Dabagh tìm tới các chi nhánh của hai cơ sở kinh doanh Home Depots và CVS để thu mua những chiếc túi chưa sử dụng bị tồn đọng. Anh cũng gom túi nilon từ thùng rác của các trường học địa phương.

Anh Dabagh làm việc trong xưởng Park Avenue International - nơi những chiếc túi nhựa được hồi sịnh. Ảnh: Nytimes

Anh Dabagh làm việc trong xưởng Park Avenue International - nơi những chiếc túi nhựa được hồi sinh. Ảnh: New York Times

Năm 2021, Dabagh ước tính thu được 5,4 tấn nhựa, tương đương 588.000 túi nhựa sử dụng một lần. Công ty thu dọn mọi thứ, làm sạch và khử trùng. Anh nói với New York Times: "Thật đáng kinh ngạc khi chúng tôi nhận được bao nhiêu nhựa nguyên sinh từ các công ty vận chuyển, công ty đóng gói hoặc công ty sản xuất thử nghiệm. Người ta hỏi tôi có muốn lấy chúng không sau khi đã được làm sạch, tôi trả lời 'Tôi thích và sẽ lấy nó, đó là vàng'".

Hiện Anybag chiếm khoảng 10% hoạt động kinh doanh của Park Avenue International. Dabagh cho biết doanh thu từ những chiếc túi đã tăng gấp ba lần năm ngoái. Anh mua một khung dệt mới chỉ để dệt nhựa cho Anybag và đang phát triển các khung dệt tự động cho phép tăng bốn lần sản lượng và cắt giảm chi phí.

Nhân viên công ty có thể dệt từ 5 đến 7 thước nhựa mỗi ngày, tạo ra khoảng 20 chiếc túi tote. Mỗi chiếc đều chắc chắn với kết cấu gấp khúc, có thể chịu tới 45 kg. Chúng được trang trí bằng vải canvas đầy màu sắc với dây đai màu hồng, xanh neon, vàng nenon, xanh biển và đen. Có ba kiểu dáng cơ bản gồm: Classic, Mini và Weekender, với mức giá từ 98 đến 248 USD (2,2-5,8 triệu đồng). Classic và Mini có hình dạng giống như những chiếc túi đi mua sắm điển hình, Weekender giống túi Frakta nổi tiếng của hãng nội thất Ikea. Tất cả được bảo hành trọn đời và sửa chữa miễn phí.

Túi tái chế của Anybag được người dân đón nhận. Ảnh: Pinterest

Túi tái chế của Anybag được người dân đón nhận. Ảnh: Pinterest

Để lan tỏa thời trang bền vững, Dabagh hợp tác với Adidas, Ralph Lauren, Beyond Meat và Kora Organics, giúp khách hàng có thêm lựa chọn túi đựng hàng hóa mỗi khi mua sắm ở cửa hàng của những thương hiệu này. Trong cuộc phỏng vấn với Vogue Anh năm ngoái, người mẫu Miranda Kerr cho biết tủ đồ của cô có một mẫu túi Anybag. "Tôi rất thích màu sắc và thiết kế của nó. Trông nó rất ngầu. Hơn nữa, nó còn được làm bằng tay rất tỉ mỉ từ những túi nilon bỏ đi, rất ý nghĩa", cô nói.

Dabagh đang tập trung đầu tư, mở rộng quy mô thương hiệu vì nhận thấy thời trang xanh đang là xu hướng của tương lai. New York Times nhận định túi Anybag là một trong những sản phẩm địa phương đáng tự hào, như Dabagh từng nói: "Tất cả đều được làm thủ công bởi người dân New York, sử dụng một cách tốt nhất những thứ bị vứt bỏ trong thùng rác của thành phố".

Ý Ly

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top