Hai bức sơn mài của Phùng Phẩm theo bà Ellen Berends - nguyên phó đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - chu du nhiều nơi, về nước sau 20 năm.

Hồi tháng 1, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận hai bức Kiêu hãnhNhững nụ hôn tình yêu của Phùng Phẩm, do bà Ellen Berends hiến tặng. Họa sĩ 91 tuổi được con trai đưa đến sự kiện, xúc động khi thấy "đứa con" của mình trở về sau hơn 20 năm ở nước ngoài.

Kiêu hãnh mô tả thiếu nữ trong trang phục truyền thống của một dân tộc miền núi phía Bắc. Bức bình phong Những nụ hôn tình yêu khắc họa khoảnh khắc thân mật giữa chàng trai da đen và cô gái da trắng, ngụ ý xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc.

Bức Kiêu hãnh. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Bức "Kiêu hãnh". Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Ellen Berends nói: "Chúng tôi chưa bao giờ gặp Phùng Phẩm nhưng đã sống với các tác phẩm của ông một phần tư thế kỷ. Chúng tôi rất vui khi họa sĩ đích thân đón tranh của ông về Việt Nam. Vẻ đẹp trong tranh của ông đã tạo nên một phần gắn bó trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Phùng Phẩm là một điển hình đáng tự hào về sự giàu có của văn hóa Việt Nam".

Còn họa sĩ Phùng Phẩm cho biết: "Tôi rất vui khi tranh của mình được đưa đi nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Hơn 20 năm trôi qua, tranh vẫn được bảo quản với chất lượng tốt, điều đó thật đáng trân trọng".

Hai bức tranh từng theo Ellen Berends đi nhiều nơi trên thế giới trước khi hồi hương. Từ giữa năm 1997 đến 2001, bà Berends đến Hà Nội công tác với vai trò Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam. Ngoài thời gian làm việc, bà thường đi dạo trên đường phố, tham quan các bảo tàng, triển lãm, chùa. Bà sưu tầm nhiều món đồ thủ công truyền thống, gốm, thêu và các tác phẩm nghệ thuật.

Khi đó, thông tin về tranh bằng tiếng Anh, Pháp khá ít, trong khi bà không biết tiếng Việt. Vì vậy, Ellen Berends không thể tìm kiếm các thông tin về bối cảnh ra đời, phong cách hoặc tên tuổi họa sĩ. Bà quyết định mua những tác phẩm "hợp mắt mình".

Bình phong Những nụ hôn tình yêu. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Bình phong "Những nụ hôn tình yêu". Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Tháng 12/1998, bà mua bức sơn mài Kiêu hãnh của Phùng Phẩm tại một phòng tranh ở Hà Nội, dù chưa từng nghe tên họa sĩ. "Tôi ấn tượng với vẻ đẹp và sự sang trọng của nhân vật chính, chất lượng đặc biệt của tác phẩm", bà nói.

Tháng 5/2000, bà bắt gặp bức Những nụ hôn tình yêu - bình phong sơn mài gấp bốn tấm, mô tả những khoảnh khắc bên nhau của cặp tình nhân tại một phòng trưng bày khác. Bà dồn toàn bộ tiền tiết kiệm để mua tranh. "Đó là một tác phẩm nghệ thuật tôi muốn thưởng thức mỗi ngày", bà nói.

Họa sĩ Phùng Phẩm (thứ tư, trái sang), ông Phạm Anh Minh (thứ tư, phải sang) tại lễ tiếp nhận hai tác phẩm hồi tháng 1. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Họa sĩ Phùng Phẩm (thứ tư từ trái sang), ông Nguyễn Anh Minh (thứ tư từ phải sang) tại lễ tiếp nhận hai tác phẩm hồi tháng 1. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp

Khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, Ellen Berends đưa hai bức sơn mài đến nơi công tác mới - Cape Town, Nam Phi. Đây cũng là nơi bà gặp chồng, ông Nicolaas Vergunst - người am hiểu về nghệ thuật và bảo tàng. Sau đó, tác phẩm theo chân họ đi khắp nơi: Kyiv ở Ukraine, Strasbourg (Pháp), Zagreb (Croatia), Dusseldorf (Đức) và trở về quê nhà Hà Lan.

Bà cho biết trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ đại sứ, tổng lãnh sự và phó đại sứ ở các nước, hai bức họa luôn được trưng bày tại các dinh thự ngoại giao của bà. Khách tới thăm rất ấn tượng trước tác phẩm của Phùng Phẩm. Bà cũng thuê đơn vị đóng gói, vận chuyển chuyên nghiệp để tránh hư hỏng.

Năm 2015, Ellen Berends cùng chồng trở lại Việt Nam để giới thiệu với ông về đất nước, văn hóa và những người bạn của bà ở đây. Bà nhận ra Kiêu hãnhNhững nụ hôn tình yêu là những tác phẩm có vị thế, chất lượng xứng đáng được đưa vào bảo tàng.

"Sau khi chúng tôi nghỉ hưu, sẽ không có nhiều người có thể ngắm nhìn bức tranh như trước. Chúng tôi muốn tác phẩm được trưng bày ở nơi nhiều khán giả có thể tiếp cận hơn", bà nói.

Sau khi tranh được chuyển về nhà riêng ở Hà Lan, Ellen Berends mời ông Phạm Việt Anh - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan ghé thăm. Sau đó, ông Việt Anh làm cầu nối tới ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - về việc hiến tặng. Thỏa thuận chuyển giao được soạn thảo và ký kết trong buổi lễ do Đại sứ quán Việt Nam tại The Hague tổ chức tháng 11/2022. Đại diện phia Việt Nam đóng gói, vận chuyển tranh về nước.

Ông Nguyễn Anh Minh đánh giá cao đóng góp của bà với bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sắp tới, bảo tàng sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị tác phẩm. Theo ông Minh, trên thế giới, việc cá nhân hiến tặng tác phẩm cho bảo tàng là không hiếm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ.

Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận xét Phùng Phẩm là một trong những tên tuổi có nhiều dấu ấn với mỹ thuật Việt. Họa sĩ chủ yếu tập trung đề tài thiếu nữ, phong cảnh với cách thể hiện nhẹ nhàng, thiên về phong cách trang trí nhiều hơn. Ông luôn cẩn trọng trong cách xử lý chất liệu, màu sắc. "Ngôn ngữ trong tác phẩm của Phùng Phẩm giàu tính trang trí, cách điệu, tạo được chất thơ riêng", ông Đoàn nói.

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932 tại Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ, đa dạng đề tài, thể loại, từng đoạt nhiều giải thưởng như giải nhất Đồ họa 1985, 1990, giải thưởng về mỹ thuật ở Đức, Hàn Quốc...

Hiểu Nhân

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top