Cuốn kinh thánh tiếng Do Thái 1.100 năm tuổi, dự kiến đạt 50 triệu USD trong phiên đấu giá của Sotheby's.
Tác phẩm được chào bán trong phiên trực tiếp của Sotheby's vào tháng 5, dự kiến đạt mức từ 30 đến 50 triệu USD (712 đến 1.187 tỷ đồng) - trở thành tài liệu lịch sử có giá trị nhất từng được đấu giá. Con số này sẽ phá kỷ lục 43,2 triệu USD (1.026 tỷ đồng) của bản in đầu tiên hiến pháp Mỹ do tỷ phú Ken Griffin mua năm 2021.
Kinh thánh viết tay bằng tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ), có niên đại vào cuối thế kỷ 9 hoặc đầu thế kỷ 10, được gọi là Codex Sassoon - đặt theo tên chủ sở hữu trước đây, nhà sưu tập David Solomon Sassoon.
Tác phẩm được chia thành ba phần: ngũ kinh, sách tiên tri và các tác phẩm. Những người theo đạo Cơ đốc gọi những văn bản này là Cựu ước. Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành đều kết hợp chúng vào kinh thánh của họ. Người Hồi giáo coi đây là sách được thần thánh tiết lộ, nhiều câu chuyện được đưa vào kinh Qur'an và các tác phẩm sau này.
Sotheby's nhận định: "Nội dung trong Codex Sassoon được sao chép, in và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Vì vậy nó được xem là tác phẩm có ảnh hưởng trong lịch sử loài người và là nền tảng của nền văn minh phương Tây".
Các chú thích mở ra hành trình của tác phẩm qua nhiều thế kỷ, theo TheValue. Đó là chứng thư mua bán có từ thế kỷ 11 của Khalaf ben Abraham - được cho là doanh nhân hoạt động ở Israel và Syria, và Isaac ben Ezekiel al-Attar - người đã truyền sách lại cho con trai Ezekiel và Maimon.
Vào thế kỷ 13, sách dành riêng cho giáo đường ở thị trấn từng được gọi là Makisin - ở đông bắc Syria ngày nay. Sau khi Makisin bị phá hủy, sách được giao cho Salama bin Abi al-Fakhr và yêu cầu trả lại khi giáo đường xây dựng lại.
Dấu vết của cuốn kinh trong gần sáu thế kỷ tiếp theo rất mờ nhạt, cho đến khi được rao bán trở lại vào năm 1929 tại Frankfurt - nơi David Solomon Sassoon mua nó với giá 350 bảng (10 triệu đồng). Những người thừa kế của Sassoon đã bán sách với giá 320.000 USD (7,6 tỷ đồng) vào năm 1978.
Tác phẩm sau đó được Jacqui Safra - người thừa kế của ngân hàng Syria-Swiss Safra - mua với giá 4,19 triệu USD (99 tỷ đồng) trong phiên của Sotheby's New York. Safra đã sử dụng phương pháp đồng vị carbon nhằm xác định tuổi của sách.
Theo nhà đấu giá, các yếu tố khiến mức giá cuốn kinh thánh luôn được đẩy lên cao là: hiện trạng nguyên vẹn, giá trị lịch sử quan trọng, chi phí sản xuất - số giờ viết tay và chất liệu từ hơn 100 bộ da động vật.
Các bản viết tay sớm nhất được biết đến của kinh thánh tiếng Do Thái là cuộn Biển Chết, có niên đại khoảng 2.000 năm trước, với phần lớn còn sót lại dưới dạng các mảnh vỡ. Trong 700 năm tiếp theo, thời kỳ mà các học giả gọi là im lặng hoàn toàn, dường như không có ghi chép nào về một cuốn kinh thánh thành văn, vì người Do Thái chủ yếu dựa vào truyền miệng.
Sau đó, kinh thánh tiếng Do Thái được biết đến nhiều nhất ở dạng sách - thay vì cuộn giấy, được người Masorete sao chép với chỉ dẫn về cách đánh vần, phát âm và trọng âm của các từ. Ngoài Codex Sassoon, có hai cuốn thời kỳ này còn tồn tại là Aleppo Codex hiện ở bảo tàng Israel và Leningrad Codex đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Nga ở St. Petersburg.
Hiểu Nhân
Post a Comment