Trung Quốc"Thượng nguyên đăng thái" tái hiện cảnh hơn 2.000 ở khu phố sầm uất dịp Nguyên tiêu, cách đây khoảng 500 năm.
Thượng nguyên đăng thái (Hoa đăng Nguyên tiêu) dài 2 m, cao 0,26 m, ra đời khoảng năm 1573-1627. Theo nhà nghiên cứu Dương Tân - nguyên phó viện trưởng Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, tác phẩm tái hiện khung cảnh Nam Kinh ở khu chợ hoa đăng kết hợp chợ đồ cổ. Trình độ nghệ thuật và giá trị lịch sử của tác phẩm có thể so sánh với kiệt tác Thanh minh thượng hà, đáng tiếc tranh không đề tên họa sĩ, đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được ai thực hiện tác phẩm.
Thượng nguyên đăng thái khắc họa sự tấp nập, chen chúc ở khu chợ, tạo khung cảnh biển người du xuân. Số nhân vật trên 2.000, với đủ người mua người bán, người rước hoa đăng, người mua các loài hoa như thủy tiên, mai, lan... Ở một vài góc phố, người người vây quanh chiêm ngưỡng trang trí hoa đăng.
Thời bấy giờ, các loại đèn lồng phong phú về màu sắc, hình dáng và kích thước, phổ biến là hình cá, đầu rồng, hoa sen, thỏ, nai, cua... Trên Artnet, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Khâu Chí Kiệt cho biết hình dáng nhiều đèn trong tranh giống với sản phẩm mà các nghệ nhân làm đèn lồng cổ ở Tần Hoài, Nam Kinh làm thủ công ngày nay. Khâu Chí Kiệt cho rằng điều này chứng tỏ năng lực tả thực của họa sĩ.
Bức tranh còn miêu tả nhiều hoạt động ở khu chợ, như người xem bói, khách uống trà bên quán ven đường, người bán chim, biểu diễn ảo thuật, đốt pháo... Quan lại được bốn người khênh kiệu, phía trước có người giải tán đám đông mở đường, những người thấy quan đều lễ chào. Một số người cưỡi ngựa trên phố.
Thượng nguyên đăng thái thuộc sở hữu của Từ Chính Phu, thương gia đồ cổ nổi tiếng Đài Loan. Từ Bang Đạt - chuyên gia giám định nổi tiếng Trung Quốc - cho rằng bức tranh là chứng tích một thời kỳ lịch sử. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, tác phẩm có ý nghĩa trong nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội thời Minh.
Theo The Paper, tục lệ ngắm đèn lồng Nguyên tiêu bắt nguồn từ thời Đông Hán, Minh Đế ra lệnh thắp đèn trong cung và đền chùa nhằm hoằng dương Phật pháp. Dần dần, nghi lễ Phật giáo trở thành lễ hội lớn trong dân gian.
Người cổ đại trọng thị tết Nguyên tiêu, ngoài thắp hoa đăng, người dân còn chơi trò múa sư tử, dán câu đố lên đèn lồng... Trong cung, hoàng đế cũng coi trọng ngày này. Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh hiện lưu giữ bức Càn Long đế Nguyên tiêu hành lạc, miêu tả cảnh nhà vua và con cháu hoàng tộc đón lễ hội.
Nghinh Xuân
Post a Comment