Sao hành động Chân Tử Đan nói không buồn khi bị khán giả chê vì đóng Kiều Phong ở tuổi 60.
Theo Mtime, tài tử Hong Kong cùng êkíp Thiên Long Bát Bộ: Kiều Phong truyện giao lưu khán giả tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 1/2. Diễn viên cho biết từ khi khởi động dự án năm ngoái, anh biết bản thân vấp phải tranh cãi về tuổi tác bởi trong nguyên tác của Kim Dung, Kiều Phong trẻ, qua đời khi 33 tuổi. Nhưng Chân Tử Đan cho rằng các nhà đầu tư, cộng sự tin tưởng anh, anh có duyên với nhân vật, vì thế nỗ lực hết mình vì dự án.
Tài tử nói: "Ở phim trường, tôi luôn giữ tinh thần tuổi 18. Tôi không ngại bị mắng khi đóng Kiều Phong, chỉ muốn quay tác phẩm đậm chất võ hiệp, mang tinh thần võ hiệp".
Anh chấp nhận rủi ro nhằm tạo sự mới mẻ, hình ảnh chân thực cho tác phẩm. Phim có cảnh Kiều Phong vừa cưỡi ngựa vừa uống rượu, các huynh đệ cưỡi ngựa theo sau. Chân Tử Đan cho biết vừa khống chế ngựa vừa uống rượu rất khó, nếu không may bị ngã, anh có nguy cơ bị ngựa giẫm lên. Chân Tử Đan cùng chỉ đạo võ thuật tính toán các khả năng, may mắn thực hiện cảnh quay an toàn.
Thiên Long Bát Bộ: Kiều Phong truyện ra rạp ở Malaysia, Singapore, Hong Kong và phát hành trực tuyến ở Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục... Theo Sina, tác phẩm dẫn đầu doanh thu phòng vé dịp Tết âm lịch ở Malaysia. Ở Trung Quốc, phim dẫn đầu doanh thu phim lẻ dịp Tết, trên các nền tảng Iqiyi, Youku và Tencent video. Êkíp dự định làm phần hai.
Tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung (1924-2018), xoay quanh chuyện Kiều Phong - vốn là bang chủ Cái Bang - bị trục xuất khỏi bang hội do thân thế. Tiếp đó, chàng bị vu oan giết cha mẹ nuôi, sư phụ, từ đó mang tiếng bất nhân bất nghĩa. Kiều Phong đơn độc tìm kẻ thù, trên đường chàng gặp A Châu, cùng nàng trải qua các trận đấu trong giang hồ.
Theo Mtime, yếu tố võ thuật là điểm sáng của bộ phim. Các trận đấu võ xuyên suốt tác phẩm, mỗi đoạn sử dụng chiêu thức, vũ khí khác nhau, vì vậy tạo sự phong phú, cho thấy đầu tư của êkíp. Chân Tử Đan thể hiện đẳng cấp của sao võ thuật giàu kinh nghiệm, xây dựng các trường đoạn gay cấn, như đoạn Kiều Phong đấu Cưu Trí Ma, đoạn Kiều Phong đại chiến Tụ Hiền Trang. Trên Douban, phần lớn khán giả đánh giá cảnh võ thuật sáng tạo so với tất cả phiên bản truyền hình Thiên Long Bát Bộ trong lịch sử. Có lúc, bố cục cảnh phim giống bức họa Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci.
Dù vậy, tổng thể nội dung phim nhận nhiều lời chê sơ sài, chưa có chi tiết đắt giá để nêu bật tính cách, đặc điểm nhân vật. Nhà phê bình phim Thích Phàm nhận xét câu chuyện diễn biến quá vội vàng, thiếu chiều sâu. Phim bỏ qua nhiều nhân vật chủ chốt như Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, Hư Trúc.
Như Anh
Post a Comment