Các đơn vị làm sách cho rằng khối tư nhân cần có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm ngang hàng khi liên kết xuất bản với đơn vị Nhà nước.

Các ý kiến được đưa ra trong hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản, chiều 26/9 tại Hà Nội. Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nêu quan điểm: "Cần nâng cao vai trò của lực lượng làm sách tư nhân, bởi họ không chỉ kinh doanh sách mà còn tham gia các hoạt động chung của ngành, góp phần phát triển văn hóa đọc".

Ông Hoàng đề xuất nên cho đơn vị sách tư nhân được đặt tên là công ty liên kết xuất bản tư nhân, có bộ máy tổ chức hoàn chỉnh, đồng thời cũng chịu trách nhiệm khi ấn bản phẩm có vấn đề chứ không chỉ riêng nhà xuất bản. Ngoài ra, nhân sự các công ty tư nhân cũng được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ như các biên tập viên ở nhà xuất bản.

Đại diện Omega Books nói sách liên kết cần được nhìn nhận đúng về giá trị, nhất là ở các sự kiện lớn như Giải thưởng Sách Quốc gia. Thực tế, đa số ấn bản được vinh danh chủ yếu thuộc các nhà xuất bản nhà nước.

Ngoài quyền lợi, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM cho rằng cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đối tác liên kết, trong đó có việc đảm bảo sách được in đúng với bản thảo nhà xuất bản cấp phép. Hiện tại, khi sách có sai sót, các nhà xuất bản phải giải trình, kiểm điểm, nộp phạt, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi các văn bản hiện nay chưa quy định rõ trách nhiệm của đối tác liên kết. Theo họ, kiến nghị nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hai bên với mỗi ấn phẩm.

Theo số liệu từ đề dẫn của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, 100% các nhà xuất bản hiện có cấp phép cho tư nhân. 32 trong tổng số 57 nhà xuất bản có tỷ lệ cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm). Năm 2019, sách liên kết là 22.117 cuốn, 73.422.661 bản, chiếm 69% về số cuốn, 18,1% về số bản. Đến năm 2022, số cuốn tăng lên là 22.852, với 52.957.271 bản (chiếm 70% về cuốn và 9,8% về bản). Nhiều sản phẩm liên kết được đánh giá cao về chất lượng bản thảo, tay nghề biên tập viên, mỹ thuật.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông - tại sự kiện. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, tại sự kiện. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đồng tình với các ý kiến. Ông cho rằng cần nâng cao vai trò của cả các nhà xuất bản và công ty tư nhân trong hoạt động liên kết, bởi đây không phải là hoạt động mua - bán giấy phép mà là cuộc chơi công bằng. Nhà xuất bản cần tham gia nhiều hơn vào quá trình hình thành cuốn sách, không nên dừng ở việc ký tên đóng dấu. Theo ông, cơ quan quản lý không phân biệt tư nhân - nhà nước mà hướng đến kết quả chung toàn ngành đạt được.

Một vấn đề nổi cộm được bàn luận ở hội thảo là quy trình cấp phép hiện còn rườm rà, mất thời gian. Trung bình, sau khi sách đã được nhà xuất bản duyệt nội dung, hình thức, các công ty liên kết vẫn mất 12-15 ngày chờ hoàn thiện các khâu như: Ký hợp đồng in ba bên giữa công ty sách, nhà in, nhà xuất bản, chờ giấy phép, nộp lưu chiểu. Với sách tái bản, họ vẫn phải chờ duyệt thời gian tương đương. Một số trường hợp các đầu sách hot, trong lúc chờ cấp phép in lại, đã xuất hiện sách lậu trên thị trường.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Theo Quảng Văn Books, yêu cầu phải có quyết định phát hành mới được đưa sách ra thị trường không cần thiết, bởi trong quá trình cấp phép, biên tập viên đã kiểm tra kỹ nội dung bản thảo.

Còn Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho biết tất cả bản thảo sau nhiều khâu, đều được chuyển về tổng biên tập xem xét. Do tốn nhiều công sức của các bộ phận, họ điều chỉnh giá dịch vụ liên kết cao, khó cạnh tranh với một số nhà xuất bản.

Các đơn vị đề xuất số hóa quy trình bằng việc nộp hồ sơ trực tuyến, tạo hợp đồng, chữ ký điện tử. Nhà xuất bản Thế giới đề xuất nên rút thời gian đọc duyệt sách lưu chiểu của các cuốn tái bản từ 10 ngày xuống còn khoảng ba đến năm ngày.

Tại hội thảo, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, còn nêu một số tồn tại sau 19 năm xã hội hóa ngành in, kể từ Luật Xuất bản 2004. Một trong số đó là vấn đề chi phí quản lý còn nhiều bất cập, chưa có một định mức cụ thể. Một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo, thậm chí buông lỏng, để lọt nhiều sai phạm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp phát hành không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với nhà xuất bản, tự in tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thay đổi nội dung.

Hội thảo do ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) - điều hành.

Hà Thu

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top