Nguyễn Linh Ngọc - biểu tượng màn bạc Trung Quốc - qua đời ở tuổi 25 khi nhận ra cô chỉ là "món đồ chơi" của người yêu.

Theo trang Next Apple, dịp Ngày Thế giới về Di sản Nghe nhìn (World Day for Audiovisual Heritage) năm nay (27/10) phim Tình yêu và Nghĩa vụ (1931) có Nguyễn Linh Ngọc đóng chính sẽ ra rạp ở Đài Loan. Bản sao duy nhất của bộ phim do Trung tâm văn hóa điện ảnh và nghe nhìn Đài Loan lưu trữ. Bản sao từng là kỷ vật của ông Lý Thạch Tăng - một fan của Nguyễn Linh Ngọc, từng theo ông tới Thụy Sĩ, Uruguay, được đưa về Đài Loan sau khi Lý Thạch Tăng qua đời. Năm 2013, cơ quan quản lý gửi bản sao cho viện phục hồi phim ở Italy phục chế.

Đời bi kịch của huyền thoại màn bạc Nguyễn Linh Ngọc

Nguyễn Linh Ngọc trong "Tình yêu và Nghĩa vụ". Video: TFAI

Nguyễn Linh Ngọc (1910-1935) sinh ở Thượng Hải, Trung Quốc, cha qua đời khi cô sáu tuổi. Linh Ngọc và mẹ nương tựa nhau sống. Khi 16 tuổi, cô được đạo diễn kiêm ảo thuật gia Trương Tuệ Xung phát hiện, giới thiệu vào công ty phim, từ đó theo đường nghệ thuật. Nguyễn Linh Ngọc vụt sáng nhờ diễn xuất hay, khắc họa tinh tế hình tượng phụ nữ ở đủ tầng lớp. Trong 9 năm sự nghiệp, nghệ sĩ đóng 30 tác phẩm thể loại phim câm, vang danh Bến Thượng Hải đồng thời trở thành biểu tượng màn bạc Trung Quốc.

Cô qua đời ở tuổi 25, khi sự nghiệp rực rỡ. Ngày Quốc tế phụ nữ năm 1935, diễn viên uống thuốc ngủ, tìm đến cái chết. Bạn trai của cô bấy giờ - Đường Quý San - sợ ảnh hưởng danh tiếng nên không đưa Linh Ngọc đến bệnh viện lớn gần nhà mà đưa cô tới bệnh viện nhỏ xa trung tâm, bấy giờ là nửa đêm rạng sáng, không có bác sĩ trực. Sau đó, Đường Quý San đưa bạn gái đến phòng khám tư của một người bạn, nhưng nhân viên không chấp nhận bệnh nhân. 11h ngày 9/3, Đường Quý San mới chở Nguyễn Linh Ngọc tới bệnh viện lớn nhưng đã qua giai đoạn vàng để cứu chữa, diễn viên qua đời chiều tối cùng ngày.

Minh tinh Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Mtime

Minh tinh Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Mtime

Cái chết của Nguyễn Linh Ngọc rúng động xã hội Trung Quốc bấy giờ. Người hâm mộ đổ tới Thượng Hải đưa tiễn diễn viên, với hơn 300 nghìn người, đoàn đưa tang dài khoảng 5 km. Ngày hôm sau, tờ New York Times của Mỹ đưa thông tin tang lễ ở trang nhất, với tên bài báo "Lễ tang lớn nhất thế kỷ".

Nguyên nhân cái chết của Nguyễn Linh Ngọc trở thành chủ đề bàn luận nhiều năm sau. Nhiều bài báo tiết lộ diễn viên trải qua đường tình lận đận. Năm 1917, khi cùng mẹ làm người hầu trong gia đình họ Trương, Nguyễn Linh Ngọc lần đầu gặp thiếu gia Trương Đạt Dân - người hơn cô sáu tuổi. Hai người nảy sinh tình cảm, sống chung với nhau từ năm 1925. Theo Bj Youth, Linh Ngọc bị Trương Đạt Dân kiểm soát, khống chế, khiến cô mất tự do. Hai mẹ con Nguyễn Linh Ngọc làm thuê cho nhà Trương Đạt Dân nhưng không được trả tiền, cô gái ngây thơ tin thiếu gia một ngày lấy cô làm vợ.

Từ năm 1926, khi Nguyễn Linh Ngọc bắt đầu kiếm được tiền nhờ đóng phim, Trương Đạt Dân uy hiếp, tống tiền bạn gái. Thiếu gia đốt tiền vào cờ bạc, mỗi lần bị đòi nợ, ông lại kiếm Nguyễn Linh Ngọc vòi tiền.

Năm 1932, Nguyễn Linh Ngọc tới Hong Kong lánh nạn chiến tranh, quen ông chủ buôn trà Đường Quý San tại một buổi tiệc. Về Thượng Hải, Nguyễn Linh Ngọc chia tay Trương Đạt Dân, dọn đến ở căn nhà mà Đường Quý San mua. Nhưng Trương Đạt Dân tống tiền cả Nguyễn Linh Ngọc và Đường Quý San.

Một thời gian sau, diễn viên phát hiện Đường Quý San có bạn gái mới là diễn viên, vũ nữ Lương Trại Trân. Nhận ra bản thân chỉ là "món đồ chơi" của thương gia giàu có, Nguyễn Linh Ngọc muốn thay đổi số mệnh. Các mối quan hệ của diễn viên thành chủ đề bàn tán trong dư luận, khiến cô bị bủa vây trong vô số lời đồn tình ái, tiền bạc.

Khung cảnh tang lễ Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Next Apple

Khung cảnh tang lễ Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Next Apple

Từ khi phát hiện Đường Quý San trăng hoa, Nguyễn Linh Ngọc thường bị thương gia đánh đập. Năm 1935, tờ Tư Minh Thương Học đăng di thư được đặt tên Nhân ngôn khả úy (Miệng đời đáng sợ) của Nguyễn Linh Ngọc, hé lộ những cảm xúc, tâm trạng mà diễn viên trải qua giai đoạn cuối đời.

Nguyễn Linh Ngọc viết cho Đường Quý San: "Nếu anh chẳng đánh tôi đêm này sang đêm khác, có lẽ tôi chẳng làm thế này. Sau khi tôi chết, sẽ có người nói anh lăng nhăng, chơi bời đàng điếm. Cũng sẽ có người nói tôi là người đàn bà vô tri, nhưng lúc đó tôi đã chẳng còn trên đời, anh tự chịu lấy. Trước đây là Chức Vân (bạn gái cũ của Đường Quý San), hôm nay là tôi, ngày mai là người đàn bà nào khác? Không có tôi, anh được tự do làm điều anh thích rồi đấy".

Nghệ sĩ viết cho Trương Đạt Dân: "Tôi bị anh ép vào đường cùng, có ai chịu tin điều này không? Anh có bao giờ nghĩ lại, sau khi chia tay anh, mỗi tháng tôi còn phải gửi cho anh 100 đồng bạc? Anh thật vô lương tâm. Quá muộn rồi, anh đừng khóc nữa, tôi chẳng sống nữa, sự việc đã đến nước này".

Trương Mạn Ngọc trong "Nguyễn Linh Ngọc"

Trương Mạn Ngọc đóng huyền thoại Nguyễn Linh Ngọc trong phim điện ảnh cùng tên năm 1991. Video: Fortune Star

Nhà văn Lỗ Tấn từng viết bài Luận nhân ngôn khả úy, cho rằng Nguyễn Linh Ngọc qua đời một phần liên quan tin đồn, áp lực dư luận, qua đó phê phán những hãng truyền thông soi mói đời tư, đưa tin thiếu xác thực về người nổi tiếng nhưng không có thế lực, như Nguyễn Linh Ngọc.

Bài viết của Lỗ Tấn có đoạn: "Nguyễn Linh Ngọc tự tử, tôi không có ý biện hộ cho cô ấy, tôi cũng không tán thành tự tử. Chúng ta tạm không bàn luận cao siêu về những điều mà chính chúng ta không hiểu hết, như tổ chức xã hội hay ý chí yếu mềm, mạnh mẽ. Trước tiên hãy đặt bản thân vào hoàn cảnh của cô ấy. Để thấy, điều cô ấy nói - 'Miệng đời đáng sợ' - là thật".

Như Anh

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top