Dương Lệ Bình nói lúc sinh ra, trên người ai cũng không có gì, để phản bác ý kiến nghệ sĩ vở múa của bà "diễn thô tục".

Theo trang The Paper, từ đầu tháng 9 đến nay, loạt ảnh êkíp của Lệ Bình khi múa điệu Âm dương song tu gây chú ý mạng xã hội Trung Quốc, đây là những động tác mới được Dương Lệ Bình thiết kế.

Nhiều khán giả cho rằng nghệ sĩ nam mặc quá ít vải, các diễn viên nam, nữ có động tác táo bạo. Họ nhận xét những hình ảnh này ảnh hưởng không tốt tới người vị thành niên. Tuy vậy, bộ phận khán giả khác nói đặt trong toàn bộ tác phẩm, các động tác hợp lý, vì thế không nên quá khắt khe với những người sáng tạo nghệ thuật.

Loạt cảnh trong vở múa của Dương Lệ Bình. Ảnh: Info 51

Loạt cảnh trong vở múa của Dương Lệ Bình. Ảnh: Info 51

Trước tranh cãi của khán giả, Dương Lệ Bình nói: "Coi như khán giả giúp chúng tôi quảng cáo cho vở, vì so với một số loại hình nghệ thuật khác, người xem múa ít hơn và chỉ những người vào rạp hát mới thực sự hiểu vở diễn, biết nội dung và thông điệp múa như thế nào".

Dương Lệ Bình nói con người khi mới sinh ra, trên người không có gì, các động tác thuần túy thể hiện điều này. Theo bà, nội dung vở múa nghiêm túc và có giá trị tư tưởng, thông điệp rõ ràng. Cách biểu đạt phục vụ cho nội dung câu chuyện, nếu hiệu quả sân khấu không đủ mạnh, vở kịch không trọn vẹn như êkíp mong muốn. 50 năm theo đuổi lĩnh vực múa, trải qua nhiều khó khăn, Dương Lệ Bình nói bà tin những điều mình làm.

Trên The Paper, nhà phê bình nghệ thuật Phương Viên nói một tác phẩm gây tranh cãi không hẳn là điều xấu. Nhưng cần làm rõ thế nào là nghệ thuật, giới hạn của nghệ thuật ở đâu và nghệ sĩ có nên suy nghĩ tới cảm xúc của người xem khi biểu đạt.

Khó xác định phía Dương Lệ Bình và khán giả "ai đúng ai sai" vì hướng thảo luận của hai bên không giống nhau. Êkíp thiên về "hiểu nghệ thuật như thế nào" còn khán giả thiên về vấn đề "giới hạn biểu đạt trong nghệ thuật và cảm giác của người xem".

Vũ điệu tuổi 65 của 'Chim công làng múa'

Lệ Bình diễn vai phụ trong vở "Khổng tước" tại Nhà hát lớn Mân Nam, Hạ Môn hồi tháng 8. Video: Red Book

Theo Phương Viên, biểu diễn trên sân khấu là để khán giả xem, vì thế quá trình sáng tác không thể bỏ qua yếu tố cảm nhận của khán giả. Không phải người xem nào cũng có kiến thức về nghệ thuật múa. Nhà phê bình đề xuất trước mỗi vở diễn, êkíp nên giới thiệu sơ lược về tác phẩm, để người xem lựa chọn. Bà nói: "Sáng tạo nghệ thuật cần nhận được sự khoan dung, khán giả phổ thông cũng cần được tôn trọng. Hai bên mâu thuẫn, cần trao đổi để giải quyết".

Dương Lệ Bình biểu diễn chim công ở tuổi lục tuần. Ảnh: Sohu

Dương Lệ Bình biểu diễn chim công ở tuổi lục tuần. Ảnh: Sohu

Dương Lệ Bình 65 tuổi, gây tiếng vang trong làng múa quốc tế với điệu chim công. QQ đánh giá bà là nghệ sĩ đạt thành tựu cao nhất trong lĩnh vực múa dân tộc của Trung Quốc. 10 năm qua, bà ít biểu diễn, chuyên tâm giảng dạy, đào tạo thế hệ mới.

Như Anh (theo The Paper)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top