TP HCMCa sĩ Lệ Quyên, Quang Dũng hát "Đường xưa", "Em đã thấy mùa xuân chưa", tưởng nhớ nhạc sĩ Quốc Dũng tại lễ cầu siêu.

Tối 29/9, gia đình kết hợp ban chủ trì chùa Giác Ngộ làm lễ cầu siêu cho nhạc sĩ Quốc Dũng, qua đời hôm 24/9. Gia đình cho biết Bảo Yến - vợ Quốc Dũng - và hai con trai vắng mặt do sức khỏe không tốt. Chị gái nhạc sĩ - bà Nguyễn Thị Kim Oanh và cháu ruột - thay mặt nói lời cảm tạ các nghệ sĩ, phật tử đã đến thắp hương, tụng kinh để linh hồn Quốc Dũng về miền cực lạc.

Di ảnh của nhạc sĩ Quốc Dũng đặt ở lễ cầu siêu. Ảnh: Tân Cao

Di ảnh của nhạc sĩ Quốc Dũng đặt ở lễ cầu siêu. Ảnh: Tân Cao

Các nghệ sĩ hát tưởng nhớ Quốc Dũng qua loạt ca khúc làm nên tên tuổi của ông. Quang Dũng cất giọng Em đã thấy mùa xuân chưa - nhạc phẩm đầu tiên được Quốc Dũng viết lúc 11 tuổi. Ban đầu ca khúc chỉ là bản hòa tấu không lời, sáu năm sau mới được nhạc sĩ hoàn thiện với cảm xúc rung động trong tình yêu. Ca sĩ nói: "Anh Quốc Dũng ra đi nhưng để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị, cùng kho tàng phối khí đáng để học hỏi".

Đứng trước di ảnh Quốc Dũng, ca sĩ Lệ Quyên xúc động. Cô nói tiếc nuối vì chưa từng gặp nhạc sĩ, dù nhiều lần hát nhạc phẩm của ông, trong đó Đường xưa được khán giả yêu mến. Thể hiện lại bài hát, Lệ Quyên nói biết ơn, mong Quốc Dũng ra đi thanh thản. "Tôi tin ở đâu đó, nhạc sĩ vẫn sẽ cảm nhận được tình yêu thương của khán giả. Tuy phần xác của anh đi rồi, các nhạc phẩm cống hiến cho đời sẽ mãi ở lại", Lệ Quyên nói.

Lệ Quyên hát "Đường xưa" tiễn biệt Quốc Dũng

Lệ Quyên hát "Đường xưa" tưởng nhớ Quốc Dũng. Video: Tân Cao

Từ Mỹ, hai giọng ca Minh Tuyết, Quang Lê chia sẻ nỗi đau, sự mất mát với gia đình Quốc Dũng qua video. Quang Lê cho biết âm nhạc của Quốc Dũng đã nuôi dưỡng tuổi thơ anh. Năm 10 tuổi, khi ca sĩ rời quê hương ra nước ngoài sinh sống, trong ba lô có cuốn băng tuyển tập 20 ca khúc của Quốc Dũng do Bảo Yến thể hiện. Sau đó, anh cùng Minh Tuyết thể hiện một đoạn trong nhạc phẩm Chuyện hợp tan, Thoát ly, như lời tiễn biệt.

Xuyên suốt buổi lễ, các nhạc phẩm nổi tiếng khác của Quốc Dũng gồm Nỗi đau ngọt ngào, Chuyện hợp tan, Ngại ngùng, Bài ca Tết cho em lần lượt được Lê Hiếu, Quách Tuấn Du, Hoàng Nhung, nhóm ca Trương Nam Tuấn - Trường Ân - Trung Tín hát. Phía dưới, các phật tử, khán giả hòa giọng theo.

>>> Nhạc sĩ Quốc Dũng - mây trắng đã bay xa

Các đồng nghiệp cùng thời như Tiến Luân, Bảo Thu ôn kỷ niệm về Quốc Dũng lúc sinh thời. Với họ, Quốc Dũng là nhạc sĩ tài hoa trong công việc, có cách sống bình dị, tính cách nhẹ nhàng, hảo sảng với mọi người.

Nhạc sĩ Tiến Luân nói gần 20 năm qua từ khi Quốc Dũng lui về ở ẩn, họ ít gặp nhau. Một tuần trước khi đồng nghiệp ra đi, Tiến Luân đến thăm, hiểu rõ bệnh tình. Với Tiến Luân, Quốc Dũng là một người thầy, giúp ông từ không biết gì trở thành nhạc sĩ được công chúng đón nhận. "Ngày hôm nay có Tiến Luân là nhờ Quốc Dũng. Tôi mang ơn anh rất nhiều", tác giả Trên bến sông buồn nói.

Nhạc sĩ Bảo Thu cho biết lớn tuổi hơn Quốc Dũng nhưng luôn dành cho đồng nghiệp sự ngưỡng mộ. Ông nhớ lại khoảng thời gian Quốc Dũng còn khó khăn, đi hát phòng trà, được ông thu xếp chỗ ở trong ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo, cho mượn đàn, âm ly để đi diễn.

Quốc Dũng từng có thời gian theo Bảo Thu học ảo thuật vì tính cách thích khám phá, học hỏi. Một lần, Bảo Thu nhận sáng tác ca khúc nhạc xuân cho một đơn vị phát hành nhưng tối hôm trước uống bia nên ngủ quên. Sáng hôm sau, nhờ Quốc Dũng đến nhà học ảo thuật, lúc trò chuyện Bảo Thu mới sực nhớ đang "nợ bài". Ông nhanh chóng viết nên nhạc phẩm Nếu xuân này vắng anh, sau này được khán giả yêu thích.

Khán giả, bạn bè thắp hương tiễn đưa nhạc sĩ Quốc Dũng. Ảnh: Tân Cao

Khán giả, bạn bè thắp hương tiễn đưa nhạc sĩ Quốc Dũng. Ảnh: Tân Cao

Phật tử Nguyễn Giang (45 tuổi, ngụ ở quận 5, TP HCM) nói biết và yêu nhạc Quốc Dũng qua các sân khấu trong nước, hải ngoại. "Các ca khúc ông viết có sự trải đời, cái tình xuất phát từ câu chuyện rất riêng, khiến người nghe đồng cảm, thậm chí lấy được nước mắt", khán giả nói.

Nhạc sĩ tên đầy đủ Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng ba tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.

Sự nghiệp của Quốc Dũng gắn với nhiều tình khúc bất hủ như Em đã thấy mùa xuân chưa, Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly, Hoang vắng..., tạo dựng tên tuổi của nhiều ca sĩ, trong đó sâu đậm nhất là Bảo Yến - sau năm 1975 trở thành vợ. Họ có với nhau hai con trai là Khải Ca và Bảo Châu.

Sinh thời, nhạc sĩ Quốc Dũng cho biết về quan điểm làm nghề: "Khi sáng tác, tư tưởng trong mỗi bài hát của tôi phải là một cốt truyện. Một bài nào đó giống hoặc gần giống những sáng tác cũ là tôi không chịu đựng được. Đó là lý do tôi luôn cố gắng làm cho những sáng tác càng về sau của mình phải hay hơn những gì trước đó. Nếu như tôi có cảm giác nó không hay hơn thì cảm xúc đó không xứng đáng để ghi ra thành một bài hát".

Tân Cao

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top