Gia đình ông bà Nam Thành với bốn cô con gái, từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, rồi trôi dạt về Thủ Đức do biến động xã hội.

Cuốn Đò dọc là một trong số tác phẩm nổi tiếng của Bình Nguyên Lộc từng giành Giải thưởng Văn chương toàn quốc năm 1959-1960. Tác giả Bình mượn câu chuyện về gia đình ông bà Nam Thành phải tản cư thời kháng chiến chống Pháp để phản ánh bức tranh xã hội buổi giao thời, trong đó có những cuộc di dân do biến động lịch sử và sự phân biệt giữa dân chợ (người thành thị) với dân quê.

Dịp sách tái bản trong tháng 4, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần trích do tòa soạn đặt. Trong tác phẩm, Bình Nguyên Lộc sử dụng nhiều phương ngữ Nam bộ.

Bìa tiểu thuyết Đò dọc. Sách 300 trang, xuất bản lần đầu năm 1959. Ảnh: NXB Trẻ

Bìa tiểu thuyết "Đò dọc". Sách 300 trang, xuất bản lần đầu năm 1959. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Cả nhà bỗng giật mình thức dậy giữa loạt súng đầu. Ông Nam Thành nói: "Rồi, rồi!" rồi nhào đại xuống đất và hét thêm: "Xuống bà, mau mau! Bây ơi, xuống đất mau mau!".

Bà Nam Thành mập tù lu, ột ệt ngồi dậy, bới đầu, bộ chậm rãi như không việc gì, khiến ông sốt ruột nạt:

- Biểu xuống, còn ngồi đó, chết bây giờ!

- Làm gì mà chết!

"Ầm...!"

Cả dãy phố như rùng mình lên một cái, đất cát đâu trên ngói rớt xuống trần kêu lộp độp, trần xi măng lại đổ xuống gạch kêu lạch cạch như ma ném đá.

Bà Nam Thành ngã lăn trên nệm rồi la bài hãi:

- Chết rồi ông ơi!

- Ừ, nói không biết chết mà! Thây kệ, cứ ở trển mà la, rồi đạn nó ăn, đừng than.

Bà Nam Thành cứ vừa la, vừa kéo mền trùm lại kín mít, làm như trùm mền là chắc ăn lắm.

Nơi buồng trong, nghe chào rào chộn rộn, nghe lụi đụi dữ lắm, rồi có tiếng cười, lại có tiếng khóc, cười và khóc đều do con gái cả.

Ông Nam Thành lại kêu:

- Con ơi, xuống đất nghen con!

- Dạ!

- Dạ!

- Dạ!

Có đến bốn tiếng dạ, mà toàn là giọng con gái.

Nhà có ba buồng. Buồng ngoài là một cái thảo bạt, cất thêm mái hiên và cửa, vách, dùng tiếp khách. Ông bà Nam Thành ngủ ở buồng chánh, bây giờ biến thành buồng giữa, bốn cô con gái ngủ ở phòng trong cùng.

Bóng chong ba nến ở thảo bạt đục và nhỏ như y cái trứng gà, đang soi mờ cái cảnh dị kỳ đó, một ông cụ nằm co dưới đất, một bà cụ nằm trùm mền trên giường và bên trong bốn cô con gái ôm nhau cười và khóc.

Liên thinh vẫn nổ không dứt, từng chập điểm những tiếng nổ "ầm" của tạc đạn, của bách kích đạn, giống như pháo tràng ngày Tết điểm pháo đại giữa dòng.

Quả đạn bách kích nổ to hồi nãy, gần nhà, là một quả đạn lẻ loi, còn thì nổ tương đối hơi xa cả.

Ông Nam Thành bò lẹ vào buồng trong, nhìn một đống người lu bù tay chân và đầu, rồi hỏi:

- Có đứa nào làm sao không?

- Dạ không!

- Dạ có, ba à, con Quá nó khóc ba à!

Có tiếng cười rúc rích của hai ba cô gì đó, rồi nghe một cái đụi.

- Ui cha! Con dịch! Ba ơi, nó đạp con té cái bịch đây nèr!

- Đừng có giỡn mà các con! Tao rầu chín ruột mà tụi bây còn giỡn được!

Cái cô gái nói tiếng "nè" với chữ r ngoài sau, hỏi to:

- Má sao mà la dữ vậy, ba?

- Thì cái tật của má mầy, không biết hay sao mà còn hỏi. Nó nằm đó mà la, chớ không làm gì hết, có thèm hạ thổ như mình đâu! Thôi, ráng chịu, đừng có lên giường nghe các con!

Rồi ông bò trở ra. Bây giờ tiếng súng hơi lơi, bà Nam Thành hé mền, thấy không có gì ghê sợ cả, nên đánh bạo tung hết mền rồi lết xuống gạch.

Ông Nam Thành bò tới nơi, hỏi đùa:

- Sao không nằm luôn ở trển?

- Mấy đứa nhỏ có sao không ông? - Bà không đáp mà hỏi lại như vậy.

- Chúng nó đánh lộn trong đó, chớ không sao cả!

- Chồng ngồng cái đầu mà sao như là con nít é! Ông à, gì đó vậy ông?

- Họ đánh giặc chớ gì!

- Ai đánh với ai? À, mà hồi nãy, ông nói gì mà "Rồi, rồi!"?

- Bà quên rằng hổm nay nó căng thẳng như dây đờn hay sao. Người ta nín hơi, lo cho dây đứt. Nay nó đứt là "rồi" chớ gì!

Bỗng liên thinh lại đổ hồi dữ dội, đạn bách kích pháo lại nổ ầm ầm, hai ba quả nổ rất gần và trần lại đổ.

- Đâu như là bên bót Hoàng Hùng! - Bà Nam Thành nói.

- Không, độ ra thì là đằng trường Đức Trí.

- Ai đánh với ai vậy ông? Liệu ta đánh Tây hay không?

- Ai biết! Mà bà hỏi điều đó làm chi?

- Vì đó là việc chết sống của mình. Ông giỏi quá mà sao không thấy?

- Tôi thật không thấy, bà nói nghe thử.

- Này nhé! Nếu ta đánh Tây thì cái thành Ô Ma trước nhà mình sẽ hóa ra bãi chiến trường, và xóm nầy sẽ nát cả.

- Ờ, Trời ơi!

Ông Nam Thành kêu lên thế, rồi tái mặt đi. Vừa lúc ấy có tiếng đông người chạy rần rần ngoài đường cái, tiếng la khóc om trời.

- Trời ơi! Ta xung kích thành Ô Ma! - Ông Nam Thành kêu lên và điếng cả người.

- Xí, vậy mà làm bộ giỏi, làm bộ gan! Lính gì mà xung kích người ta, lại khóc. Cho bằng đó là họ đi coi hát về khuya, bị trận đánh bất chợt giữa đường. Không nghe giọng đàn bà la đó à?

"Ầm...!"

Đến thật khuya, súng mới thôi nổ. Vài căn nhà gan dạ, mở cửa ra gọi nhau, hỏi chuyện nhau. Phần đông nín khe. Nhà ông Nam Thành cũng im thin thít. Nhưng họ thức mà bàn tán chớ không ngủ.

- Con đố ba, họ đánh ở đâu?

- Nghe ở hướng trong, hình như đâu trong ngã tư Năng xi.

- Khổ quá! - Bà Nam Thành than - Thật là chạy ô mồ mắc ô mả. Ngỡ lên đây bình yên được, nào dè...

- Chớ mười năm nay lại không bình yên à? Phải ta còn ở dưới thì liệu còn đầy đủ cả nhà như vầy hay không?

- Lâu ngày không nghe tiếng súng, quên nó mất, nay nghe lại thì sợ y như hồi 45, má hớ. - Cô Hương nói.

- Em nhớ lại cái đêm họ đánh nhau ngoài vàm, em ghê quá. - Cô Quá nói và bị một cái tấm tức muộn ngắt đôi câu nói của cô.

- Nói dóc. - Cô Hoa mắng em - Hồi đó mày có mười một tuổi, biết gì?

- Chớ chị lại lớn hơn ai. Chị mười ba tuổi, chớ bao nhiêu.

- Mà tao có dóc, có nói nhớ cái gì đâu.

- Tôi đố ông, ai ăn ai thua?

- Chưa có ăn, thua gì đâu. Lực lượng đôi bên, lẽ nào chỉ đánh vài giờ mà tiêu hết một bên được. Họ ngưng đó chớ.

- Vậy còn đánh nữa? Ghê quá!

- Ghê cũng phải chịu, chớ biết sao. Mà mình dại quá, sợ hãi vô ích. Vách tường mấy mươi lớp chung quanh, đạn làm sao tới mình cho được.

- Sợ mọt-chê ấy chớ.

- Có trần thì đỡ lo.

- Trái phá thứ lớn, nổ bể nhà hay không ba?

- Sao lại không. Nhưng nhà mình là nhà dân, chớ có phải là pháo đài đâu mà họ dùng trái phá thứ lớn để bắn sập nhà mình.

Cả nhà mòn mỏi rồi ngủ quên luôn cho đến trưa trờ trưa trật mới dậy.

Còn tiếp...

Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Không chỉ là nhà văn lớn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ trong giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp, tác giả có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu như Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Tân liêu traiHương quê. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

(Trích sách Đò dọc, NXB Trẻ)

Adblock test (Why?)

Post a Comment

 
Top