Bom tấn chiến tranh Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan vừa ra mắt đã nhận nhiều lời khen của giới phê bình. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh về thị giác với nhiều cảnh quay rộng, phô diễn quy mô lớn và phức tạp của chiến tranh. Đằng sau thành công này là nỗ lực của đạo diễn trong việc sử dụng bản phim khổ rộng 70mm.
Phim 70mm là dạng phim khổ rộng, có độ phân giải cao hơn phim tiêu chuẩn 35mm. Khi đặt trong máy quay, phim rộng 65mm (vì vậy còn được gọi là phim 65mm), nhưng khi chiếu lên, phim được in sang khổ 70mm (khoảng cách thêm vào dành cho các dải từ chứa âm thanh).
Sự khác biệt giữa phim 70mm và phim 35mm. |
So với bản phim 35mm, phim 70mm ghi nhận nhiều điểm nét hơn, qua đó hình ảnh phim được thể hiện chi tiết hơn. Trên CNN, David Schwartz - quản lý Bảo tàng Hình ảnh Chuyển động ở New York - giải thích: "Bạn có hình ảnh lớn hơn, nhiều chi tiết hơn, nhiều ánh sáng đi qua cuộn phim từ máy chiếu hơn. Về cơ bản, hình ảnh sáng và sống động hơn".
* Hình ảnh trong phim "Dunkirk"
"Dunkirk là một phim về Thế chiến thứ hai và cố đưa bạn vào trải nghiệm đó. Nó cần phim 70mm để làm được điều đó. Khán giả thông thường không nhận rõ sự khác biệt, nhưng cảm thấy như đang lọt vào thế giới của câu chuyện. Họ sẽ có trải nghiệm tuyệt hơn bình thường, nhưng không hiểu tại sao", Schwartz nói.
Phần lớn rạp không có máy chiếu để phát phim 70mm nên phải dùng các bản in 35mm với tỉ lệ 2,35:1 hoặc chiếu bản kỹ thuật số. Dù chiếu với các định dạng này, phần hình ảnh của Dunkirk cũng giàu chi tiết hơn phim thông thường. Trên Vox, cây bút Alyssa Wilkinson mô tả sự khác biệt trong trải nghiệm phim. "Trong đoạn giới thiệu tên phim xuất hiện, những chữ trắng xuất hiện trên nền đen. Trong bản chiếu kỹ thuật số, ký tự đứng yên và cứng cáp, nhưng ở bản phim 70mm, chúng dường như đang rung".
Tồn tại từ thuở khai sinh của điện ảnh (cuối thế kỷ 19) nhưng phải đến khoảng năm 1950 - 1970, phim 70mm mới bước vào thời hoàng kim. Một số kiệt tác như Lawrence of Arabia (1962) hay The Sound of Music (1965) được quay hoàn toàn với định dạng này. Đến thập niên 1970, nó dần thất thế trước phim 35mm bởi chi phí cao trong nguyên liệu và việc trình chiếu. Sang thế kỷ 21, khi lối chiếu bằng kỹ thuật số lên ngôi, bản phim 70mm trở thành hoài niệm.
Gần đây, chỉ còn một số đạo diễn vẫn sử dụng phim 70mm như Paul Thomas Anderson (The Master), Quentin Tarantino (The Hateful Eight) hay Ron Fricke (Samsara). Thiên tài điện ảnh Terrence Malick cũng quay một số cảnh trong The New World (2005) với bản phim này.
Tuy nhiên, hiếm ai ủng hộ phim 70mm nhiệt thành như Christopher Nolan bởi niềm say mê những giá trị nguyên bản của điện ảnh. Anh từng quay lưng với công nghệ 3D cũng như phương thức phát hành trực tuyến nhiều tranh cãi của Netflix.
"Dunkirk" được khen ngợi về hình ảnh. |
Kể từ The Dark Knight (2008), đạo diễn sinh năm 1970 dùng phim khổ lớn cho một số cảnh quay trong tác phẩm của mình. Đến Dunkirk, anh thực hiện toàn bộ tác phẩm với khổ này, kết hợp máy quay IMAX 70mm. Nolan không có ý khơi gợi hoài niệm mà muốn tạo ra những hình ảnh chất lượng nhất có thể. Trong một đoạn phim hậu trường, đạo diễn giải thích: "Chúng tôi muốn tạo ra cảm giác của thực tế ảo mà không cần đến kính".
Theo Variety, Dunkirk được trình chiếu với khổ phim 70mm ở 125 rạp trên toàn thế giới - con số cao kỷ lục trong 25 năm qua. Về điều này, Nolan được hưởng lợi từ nỗ lực trước đó của quái kiệt điện ảnh Quentin Tarantino. Việc phát hành The Hateful Eight (2015) của Tarantino đã khiến một số rạp tân trang lại thiết bị để chiếu phim 70mm.
* Đạo diễn nói về việc quay phim "Dunkirk"
Sau màn ra mắt ấn tượng của Dunkirk, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về sự hồi sinh của phim 70mm.
Trang Hollywood Reporter cho rằng Dunkirk có thể tạo ra cuộc phục hưng cho loại phim cũ đang bị lãng quên ở Hollywood này.Theo Hollywood Repoter, hãng phim Kodak đang xúc tiến việc chiếu lại các tác phẩm kinh điển dùng bản phim 70mm.
Tuy nhiên, nhà bình luận Rich Haridy của New Atlas cho rằng kỷ nguyên của phim 70mm khó trở lại. Nolan - với danh tiếng có sẵn cùng việc sẵn sàng chi một số tiền - đã được các nhà đầu tư cấp khoản vốn lớn để làm phim. Ngân sách phim cuối cùng lên đến 150 triệu USD, không kém các bom tấn giải trí Hollywood.
"Dù Dunkirk là một thử nghiệm thành công, thật khó để các nhà làm phim khác được trao cho khoản kinh phí khổng lồ này. Trải nghiệm độc đáo này sẽ không sớm được lặp lại", Haridy nói.
Dunkirk do Christopher Nolan đạo diễn kiêm biên kịch, tái hiện cuộc di tản của quân Đồng minh khỏi Dunkirk (Pháp) đầu Thế chiến thứ hai. Phim được giới phê bình khen ngợi với điểm số 94/100 trên Metacritic (cao thứ hai trong năm). Cuối tuần qua, tác phẩm đứng đầu phòng vé Bắc Mỹ với doanh thu 50,5 triệu USD. Ngoài việc dùng phim 70mm, Nolan còn quay phần lớn cảnh bằng máy IMAX để phục vụ việc trình chiếu ở những màn hình lớn hơn chuẩn thông thường. Anh cho gắn máy quay lên các phi cơ và có lúc dùng máy IMAX cầm tay. |
Ân Nguyễn
Post a Comment